Sau gần 10 năm thi công, ngày 18/9, giai đoạn 1 công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xây dựng đường Trường Sa, Hoàng Sa đã được khánh thành nhân dịp chào mừng 67 năm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9. Đây là công trình được hàng triệu người dân TP.HCM chờ mong bởi “Dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) là một trong những dự án đầu tiên của TP mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng góp phần xây dựng và phát triển TP toàn diện, bền vững. Việc thực hiện thành công dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho 1,2 triệu dân ở các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp” như lời phát biểu tại lễ khánh thành của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.
Dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khởi công xây dựng từ năm 2003 gồm 33 gói thầu với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, giai đoạn 1 đã thi công khoảng 9km tuyến cống bao có đường kính từ 2,5 - 3m cùng với 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh, 1 trạm bơm có công suất 64 nghìn m3/h. Công trình cũng đã lắp đặt gần 16km bờ kè bằng cừ bê tông dự ứng lực và nạo vét trên 1 triệu m3 đất, gia cố 16 cây cầu dọc tuyến kênh… Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo sẽ giải quyết tình trạng ngập úng cho lưu vực rộng trên 33,2km2 thuộc 7 quận, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng.
Bên cạnh dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, UBND TP.HCM cũng đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, tạo cảnh quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xây dựng hai tuyến đường thành tuyến đường kiểu mẫu của TP.
Ông Lý Ngọc Hân sống tại kênh Nhiêu Lộc, Q.3 vui vẻ cho biết: Nhờ nỗ lực của chính quyền TP.HCM mà kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thay áo mới, môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Dọc hai bên kênh các loại cây xanh, thảm cỏ kết hợp các loại hoa đã thay thế cho những căn nhà lụp sụp từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Được biết, sắp tới Cty công viên cây xanh còn trồng cây bàng vuông và cây phong ba được mang về từ Trường Sa tại những vị trí đẹp nhất dọc hai tuyến đường này nên chúng tôi rất háo hức vì được tận mắt nhìn thấy sức sống mãnh liệt của hai loại cây này, thông qua đó nhắc nhở con dân nước Việt rằng Trường Sa - Hoàng Sa, mảnh đất thân yêu của Tổ quốc không xa mà luôn nằm trong trái tim mỗi người.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2015 - 2019 với tổng đầu tư khoảng 470 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Giai đoạn này sẽ hoàn tất việc thu gom, xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Q.2. Công trình sẽ tiến hành xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2m, dài 8km từ giếng bờ Đông (Q.2) để chuyển nước thải từ Nhiêu Lộc - Thị Nghè về nhà máy xử lý tại P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2). Đồng thời, tại Q.2 cũng sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000m³/ngày đêm, bao gồm hệ thống xử lý bùn và mùi. Lúc đó, nguồn nước ô nhiễm sẽ được xử lý triệt để.
Sau khi hoàn thành, toàn bộ nước thải của hơn 1 triệu dân ở 7 quận của TP sẽ chảy theo gần 70km tuyến cống hộp đã lắp đặt trên 69 tuyến đường (thi công từ năm 2005 đến tháng 6/2012) đổ vào tuyến cống bao (có đường kính 3m) dài gần 9km chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đưa nước thải về trạm bơm. Tại trạm bơm số 10 đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh và trạm bơm Q.2 sẽ xử lý rồi bơm ra sông Sài Gòn bằng hệ thống 12 máy bơm chìm có công suất 64.000m³/giờ. Như vậy, không bao lâu nữa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ xanh trở lại vì không tiếp nhận nước thải từ các cống trên lưu vực chảy đến mà chỉ thoát nước mưa và đón thủy triều từ sông Sài Gòn chảy ngược vào.
Cao Cường
Theo baoxaydung.com.vn