Thứ sáu 19/04/2024 10:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thất nghiệp vì COVID-19, người mua nhà trả góp "è cổ" trả lãi vay

11:07 | 09/04/2020

Dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống, xã hội, kinh tế, khiến thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua nhà trả góp. Không ít người như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết lấy đâu ra tiền để trang trải khoản nợ ngân hàng.

Người vay ngân hàng trả góp lao đao

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chị Dương Oanh (Yên Nghĩa - Hà Đông - Hà Nội) cho biết, chị và chồng mua trả góp một căn chung cư vào cuối năm 2019 với hình thức vay ngân hàng 60%.

Chị làm việc trong lĩnh vực giáo dục và thu nhập bị giảm đáng kể kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cụ thể giảm 50% thu nhập so với trước đó. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc trả tiền hàng tháng.

Để hạn chế chi tiêu, chị Oanh đã phải xin làm việc ở nhà và đưa con về quê, còn chồng chị tiếp tục "gồng gánh" món nợ hàng tháng lên đến chục triệu đồng. Chưa kể chồng làm trong lĩnh vực kinh doanh nên thu nhập cũng giảm do dịch.

"Tôi chưa tiếp cận được những gói tín dụng hay hỗ trợ từ ngân hàng do lo ngại về thủ tục quá phức tạp. Hiện đại diện phía chủ đầu tư nơi tôi mua chung cư cho biết sẽ hỗ trợ ít nhiều nhưng chưa có hành động cụ thể", chị Oanh nói.

that nghiep vi covid 19 nguoi mua nha tra gop e co tra lai vay
Người mua nhà trả góp lao đao trong thời điểm dịch. Ảnh: C.T

Tương tự, vợ chồng anh Phan Văn Tâm (quê Vĩnh Phúc) cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi phải nghỉ việc từ đầu tháng 2 đến nay. Trong khi đó, hàng tháng vợ chồng anh Tâm vẫn phải đều đặn trả nợ lãi và gốc cho khoản vay mua nhà.

Anh Tâm làm việc ở một khách sạn trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu nhập của anh được 15 triệu đồng/tháng. Vợ anh Tâm làm nhân viên marketing cho một công ty truyền thông, lương 8 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng anh chị mua được căn hộ rộng gần 70m2 ở Hà Đông với giá 1,5 tỉ đồng.

Trong đó, 500 triệu đồng là tiền tiết kiệm của anh chị và tiền bố mẹ hai bên cho, còn lại 1 tỉ đồng, anh vay vốn tại một ngân hàng trong vòng 15 năm, lãi suất 10,5%/năm.

Số tiền phải trả lãi và gốc hàng tháng đối với khoản vay này vào khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trước đây, thu nhập của vợ chồng anh chị là 23 triệu đồng, vẫn thoải mái trong việc trả lãi tiền nhà, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của gia đình bị giảm 1/3 do vợ anh Tâm nghỉ làm không lương. Chính vì vậy, thời điểm này, vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lãi tiền nhà hàng tháng.

Tuỳ trường hợp để được hưởng ưu đãi

Trao đổi với phóng viên, anh Cao Linh - trưởng nhóm kinh doanh (Công ty cổ phần bất động sản Tam Gia Phát) cho biết, người mua nhà, đặc biệt trong trường hợp trả góp nên ổn định công việc. Nếu thu nhập bị gián đoạn, khoản nợ hàng tháng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu các ngân hàng cứ áp dụng duy trì mức trả nợ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ rơi vào cảnh nợ xấu, hoặc phải hạn chế tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ làm việc tại Ngân hàng MB cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 02, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số ngân hàng bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Theo đó, khách hàng sẽ được miễn, giảm lãi đối với khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi này, khách hàng phải chủ động gửi đơn đề nghị ngân hàng giãn nợ và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể.

Theo ANH TUẤN - PHAN ANH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load