(Xây dựng) - “Sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Bộ Công Thương cần tiếp thu các ý kiến để có một Nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống…”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện các chính sách thuế, phí giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Tạo dựng thị trường cho ngành Cơ khí
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần xây dựng một ngành Cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN hoạt động trong ngành Cơ khí tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung.
Đề cập đến một số bất cập, tồn tại khiến ngành Cơ khí khó phát triển trong thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Đồng thời, phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành Cơ khí rõ hơn.
Thủ tướng cũng hứa, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa; tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng thiếu nhân lực ngành Cơ khí rất trầm trọng. Vì vậy, cần phải xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh, có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành Cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các DN ngành chế biến, chế tạo. Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...).
Ngành Cơ khí cũng đã hình thành một số DN có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Tổng Cty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng Cty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng Cty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…
Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đã đạt chất lượng tốt, có thể tương đương với chất lượng sản phẩm của các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí trong nước. Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành Cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) nêu khó khăn khi ngành bị hạn chế vốn do vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất cao và không ổn định. Trong khi đó, vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy ngành cơ khí không thu hút được các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh với các DN ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn vì họ có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ ngành Cơ khí, đặc biệt là cơ khí xuất khẩu trong khi Việt Nam chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa cho ngành Cơ khí...
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Cty Lilama cũng khẳng định: Vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng vay vốn lưu động lại thấp, do đó DN cơ khí khó huy động được vốn, các dự án về cơ khí vì thế cũng kém hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại hơn so với các dự án thuộc lĩnh vực khác. Trong khi đó, Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu với thế giới và các nước trong khu vực nên các DN cơ khí trong nước cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư bài bản, có trình độ công nghệ tiên tiến, có kinh nhiều kinh nghiệm trong chế tạo cơ khí.
Trong khi đó, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các DN cơ khí…
Do đó, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác, có sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học.
Vân Anh
Theo