Ngày 20/1/2016, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra số 03/KL-TTTP về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố, trong đó nêu rõ những sai phạm của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)
Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) là công ty có 100% vốn nước ngoài. Đây cũng là công ty chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Đa Phước tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, bắt đầu từ tháng 5/2015, VietnamPlus đã liên tục đăng tải loạt bài viết về những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của công ty này khiến ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bội chi hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, một loạt ưu đãi bất thường từ các cấp có thẩm quyền cũng khiến cho “cán cân rác thải” tại thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ rơi vào thế độc quyền, kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ về kinh tế, môi trường.
Đến ngày 20/1/2016, Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận về hoạt động của Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố, trong đó nêu rất rõ những sai phạm của VWS.
Cụ thể, theo hợp đồng xử lý chất thải đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 28/2/2006, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân Compost, tái sử dụng plastic. Phần còn lại không sử dụng được mới đem đi chôn lấp.
Tuy nhiên, trong thực tế, VWS đã không thực hiện việc phân loại, tái chế vì thành phố chưa cung cấp được chất thải đã phân loại từ nguồn. Do đó, thay vì tài chế, VWS đã thực hiện chôn lấp toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận được với công suất lên tới 3.000 tấn/ngày trong thời gian dài đến… 24 năm.
Theo số liệu được công bố, riêng trong năm 2013, VWS đã tiến hành tiếp nhận, đồng thời chôn lấp hơn 1,1 triệu tấn rác. Con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2014.
Kết luận Thanh tra chỉ rõ: Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố (MBS) đã không thực hiện việc giám sát đột xuất và không giám sát được việc xử lý nước rỉ rác cũng như giám sát việc nước thải đầu ra qua xử lý bằng cảm quan đối với VWS. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy trình giám sát xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với VWS.
MBS chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đối với công tác giám sát tại Khu liên hợp Đa Phước khi mới chỉ dừng lại ở việc xác nhận khối lượng chất thải sinh hoạt qua cầu cân của VWS.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề xử lý nước rỉ rác, trong khi đối với hầu hết các khu như Gò Cát, Phước Hiệp, Đông Thạnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đều đã phê duyệt quy trình, định mức xử lý nước rỉ rác thì riêng đối với bãi Đa Phước thì Sở này lạo chậm ban hành quy định. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, VWS chưa phối hợp với đơn vị này trong việc giam sát như đã thỏa thuận tại điểm h, khoản 2, phần VI của hợp đồng ngày 28/2/2006.
Trên thực tế, phải sau hơn 8 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành “được” quy định về kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ. Sự chậm trễ này khiến dư luận đặt ra những câu hỏi về những điểm bất thường khi liên hệ với những ưu đãi “trên trời” mà Đa Phước nói chung và VWS nói riêng được hưởng trong nhiều năm qua.
Sau khi bãi chôn lấp số 3 đóng cửa, rác dồn về Đa Phước khoảng hơn 5.000 tấn/ngày, tức vượt công suất đã đăng ký. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng kiểm tra giám sát của Sở còn bị hạn chế trong việc tiếp cận hoạt động xử lý chất thải trong khu liên hợp này.
Kết luận thanh tra cũng nhấn mạnh vấn đề cần phải cân nhắc đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, việc hợp tác và chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư, đánh giá tác động môi trường, sức chịu tải của nền đất, hạ tầng kỹ thuật các công trình xử lý sàn tiếp nhận, hệ thống xử lý nước rỉ rác, hệ thống các hồ chứa nước rỉ rác, phương tiện, thiết bị vẫn hành, đặc biệt là vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước xảy ra tình trạng cháy nổ, sụt lún, đình công…
Bên cạnh đó, VWS chỉ bị giám sát khối lượng chất thải rắn tiếp nhận qua cân. Toàn bộ khâu xử lý chất thải của Đa Phước đã được MBS bỏ qua không giám sát. Kỳ lạ hơn, bất chấp việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn nghiệm thu, thanh toán cho VWS. Điều này là trái với quy định tại Nghị định 130/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó quy định việc nghiệm thu đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm khối lượng và chất lượng trong việc cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường.
Đặt trong bối cảnh, các công ty khác như Môi trường đô thị, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa đều bị giám sát chặt từ đầu vào (khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận) và đầu ra (khối lượng chất thải đã xử lý, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy…) thì sự "ưu đãi" dành cho VWS là khá kỳ lạ.
Ngân sách “hụt” hàng chục tỷ đồng vì lệch giá
Đáng chú ý, đơn giá xử lý rác thải của VWS cũng liên tục được tăng tiến theo thời gian. Cụ thể, từ 1/2013-10/2013, đơn giá của công ty này là 19,009 USD/tấn bao gồm cả việc xử lý nước rỉ rác thì đến giai đoạn thiếp theo kéo dài từ tháng 11/2013 đến 10/2014, đơn giá đã tăng thành 19,579 USD/tấn. Con số trong gia đoạn từ tháng 10/2014 đến hết tháng 12/2014 được điều chỉnh lên 20,166 USD/tấn.
Về cơ sở xây dựng giá thanh toán xử lý chất thải, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu Phước Hiệp và Đa Phước cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá lại khác nhau. Trong đó, cùng công nghệ chôn lấp nhưng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của VWS cao hơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đôi thị là 67.384 đồng/tấn.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày Đa Phước tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác thải. Như vậy, mỗi năm, ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải “gánh thêm” hàng chục tỷ đồng do mức chênh lệch đơn giá xử lý rác thài.
Cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng khu Phước Hiệp và khu Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá khác nhau. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với Công ty VWS căn cứ tổng chi phí đầu tư thực tế của công ty, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở xác định chi phí đầu tư của VWS.
Thanh tra thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra tổng kinh phí đầu tư thực tế của khu xử lý rác Đa Phước để làm cơ sở áp dụng đơn giá đúng theo hợp đồng ký kết; thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cầu cân và hoạt động xử lý chất thải, nước rỉ rác tại các khu xử lý...
Hiện nay lượng rác tại thành phố Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 6.700 tấn/ngày, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đang xử lý 3.000 tấn/ngày (chiếm 45%). Như vậy, nếu VWS được nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày theo như đề nghị, thành phố Hồ Chí Minh sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng cán cân rác thải nghiêm trọng khi toàn bộ lượng chất thải rắn sẽ được dồn về Đa Phước.
Theo NHÓM PV (VIETNAM+)