Thứ năm 28/03/2024 22:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn Kon Tum

11:25 | 14/11/2022

(Xây dựng) - Thông báo Kết luận số 1919/TB-TTCP, ngày 28/10/2022 của Thanh tra Chính phủ đã nêu ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn Kon Tum
Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum - Một trong những đơn vị dính sai phạm trong công tác quản lý, đầu tư các dự án.

Đối với dự án vốn ngoài ngân sách

Qua thanh tra thấy bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quản lý đầu tư các dự án ngoài ngân sách còn có một số vi phạm, thiếu sót, tồn tại sau:

Công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư còn chưa thường xuyên. Việc xử lý các dự án chậm tiến độ so với quy định, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là thiếu kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, nhất là các dự án thủy điện, nhiều dự án có thời điểm không quản lý, theo dõi tiến độ đầu tư, thể hiện buông lỏng quản lý đầu tư.

Cụ thể: có 54 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư không theo dõi, quản lý tiến độ đến trước thời điểm được điều chỉnh, giãn tiến độ, trong đó thời gian không theo dõi, quản lý tiến độ nhiều nhất là 5 năm, dẫn đến không tham mưu chấm dứt hoạt động theo quy định, nhất là các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa. Trong tổng số 27 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chấm dứt hoạt động, có 10 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 trở về trước nhưng không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm và hết thời hạn đầu tư nhưng cơ quan tham mưu thiếu kiên quyết, không kịp thời đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án. Có nhiều dự án thuộc diện phải ký quỹ, nhiều dự án chậm tiến độ thuộc trường hợp phải thu hồi tiền ký quỹ nhưng cơ quan chức năng không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện.

Ngoài ra, liên quan đến các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa, Sở Công Thương tham mưu hoàn trả tiền ký quỹ đối với 15 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư là không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, làm thất thu ngân sách Nhà nước số tiền 2.304,77 triệu đồng; cần phải kiểm điểm xử lý kỷ luật nghiêm túc. Đối với 13 dự án chậm tiến độ, thi công dở dang, kéo dài nhiều năm, dự án bị thu hồi chủ trương, loại khỏi quy hoạch chưa hoàn trả tiền ký quỹ với số tiền là 4.014,68 triệu đồng, nhưng Sở không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, cần phải được kiểm tra, rà soát thu hồi tiền ký quỹ về ngân sách Nhà nước.

Đối với quản lý vốn đầu tư công

Việc ban hành, phổ biến và chỉ đạo tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công:

Việc liên Sở Xây dựng - Sở Tài chính ban hành Văn bản số 11/CBLS-XD- TC ngày 18/11/2015 về Công bố giá trên địa bàn (vùng) để xác định đơn giá nhân công còn chưa phù hợp với Nghị định số 103/2014/NĐ-CP, Thông tư 05/2016/TT- BXD (thay thế Thông tư 01/2015/TT-BXD); Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 10/CBLS-XD-TC ngày 26/10/2017 về Công bố đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh còn chậm, vi phạm các quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BXD, Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, liên Sở Xây dựng - Tài chính chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có phương án, kế hoạch, yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành kiểm tra, rà soát trên địa bàn toàn tỉnh đối với các dự án, công trình đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng sai quy định để kiến nghị thu hồi, nộp vào ngân sách Nhà nước và giảm trừ giá trị khi phê duyệt quyết toán, mà chỉ ban hành Văn bản số 10/CBLS-XD-TC ngày 26/10/2017 thay thế Văn bản số 11/CBLS-XD-TC ngày 18/11/2015 là thực hiện chưa triệt để, có nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc triển khai hướng dẫn một số nội dung còn chậm, chưa triển khai kịp thời theo quy định, như: công tác đấu thầu các dự án qua mạng, thực hiện theo nội dung tại Văn bản số 9297/BGTVT-KHCN ngày 31/7/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

Việc xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn - Việc thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư dự án: UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án không xác định rõ thời gian, nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án, vi phạm quy định tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, Nghị định 83/2009/NĐ-CP, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa sát với thực tế, dẫn đến một số dự án không hoàn thành đúng thời hạn quy định, kéo dài thời gian kết thúc, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần làm giảm hiệu quả đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước là vi phạm Luật Xây dựng 2014.

Dự án kè chống sạt lở sông Đăk Bla đoạn qua làng Plei Đôn và làng Kon Rờ Bàng, thành phố Kon Tum được chỉ định thầu thi công xây lắp công trình dạng cấp bách tại Văn bản số 1388/TTg-CP ngày 09/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm thanh tra dự án do nhà thầu thực hiện chậm tiến độ 7,5 năm, nguyên nhân chậm chủ yếu là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Thời điểm thanh tra, UBND thành phố đang thực hiện giải phóng mặt bằng, đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương thi công các hạng mục công trình tương ứng với giá trị đã được tạm ứng. Dự án được tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu các gói thầu khi chưa đảm bảo các điều kiện thi công.

Đối với 02 dự án đường giao thông trung tâm thị trấn huyện lỵ Kon Rẫy (giai đoạn II) và đường cứu hộ, cứu nạn từ thị trấn Đăk Rve đi xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư: thiếu vốn (373 triệu đồng), thi công kéo dài, dở dang, sau đó phải tạm dừng thực hiện, vi phạm Luật Đấu thầu 2005, Luật Đấu thầu 2013.

UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng điểm dân cư số 64 thuộc xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai khi chưa thẩm định, cân đối được nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn thu dự kiến không đạt khả năng cân đối vốn, sau đó phải điều chỉnh sang sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương để thực hiện dự án là chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/20; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24 chỉ căn cứ Báo cáo thẩm định số 239/BC-SHKĐT ngày 07/8/2020 của Sở Kế hoạch Đầu tư, khi chưa kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện là vi phạm Luật Đầu tư công.

UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư thiếu đánh giá, thiếu tính khả thi dẫn đến sau khi phê duyệt có 132/203 dự án (giai đoạn 2016-2019) phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trong quá trình thực hiện.

Việc phân bố, bố trí, giải ngân vốn đầu tư: Trong khi tổng số vốn còn thiếu thì có dự án được bố trí vốn nhưng không giải ngân hết, nguyên nhân là do UNBD tỉnh, UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư thiếu giám sát, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công là vi phạm Luật Đầu tư công 2014.

Việc phân bổ vốn tập trung chủ yếu cho các dự án do Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư là 1.800,35/5.396 tỷ đồng chiếm gần 30% tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn trên toàn tỉnh. Trong khi một số ban chuyên ngành thành lập theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP chưa được phân bổ vốn đầu tư theo chức năng phù hợp.

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến các dự án phải điều chuyển vốn là do yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao vốn chậm, công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn thường xuyên phải điều chỉnh vốn qua các năm cho thấy việc phân bổ, bố trí vốn chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi, buông lỏng kiểm soát công tác lập, phê duyệt, thẩm định đối với các dự án.

Nhiều dự án được phê duyệt nhưng không xác định rõ nguồn vốn, cân đối vốn dẫn đến thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện, có những dự án sau khi triển khai bước chuẩn bị đầu tư đã phải dừng thực hiện, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phải hoàn trả cho ngân sách Trung ương, cho thấy việc lập, thẩm định chủ trương đầu tư dự án chưa sát với thực tế, không hiệu quả, không có khả năng thực hiện và phải dừng dự án gây lãng phí chi phí tư vấn lập dự án đầu tư. Điển hình là các dự án: Hệ thống đường giao thông, cấp và thoát nước của khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn II); Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) - hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng; Cụm công nghiệp Thanh Trung II, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum; Dự án xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020.

UBND tỉnh thiếu tập trung, buông lỏng quản lý, dẫn đến còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được phê duyệt; cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 29/10/2019.

UBND tỉnh phê duyệt dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, không có giải pháp triệt để, phù hợp trong bố trí phân bổ vốn là vi phạm Luật Đầu tư công 2014; bố trí vốn không theo tiến độ dự án, không đáp ứng nhu cầu vốn dẫn đến thời gian thi công kéo dài, đội vốn, không giải ngân vốn theo kế hoạch hàng năm, dẫn đến dự án đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, vi phạm Luật Đầu tư công 2014. Cụ thể: Dự án kè chống sạt lở sông Đăk Bla đoạn qua làng Plei Đôn và làng Kon Rờ Bàng, thành phố Kon Tum; Dự án kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô.

Việc giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 qua các năm thấp, chưa quyết liệt và chưa có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có 13 dự án chỉ giải ngân từ 11% đến 15% kế hoạch vốn.

Về thu hồi tạm ứng: UBND tỉnh, UBND thành phố Kon Tum, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý đầu tư thực hiện tạm ứng hợp đồng xây dựng khi chưa có mặt bằng thi công trong thời gian dài, không thu hồi được, không gia hạn hợp đồng, bảo lãnh hợp đồng có nguy cơ mất vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Thời điểm thanh tra số tiền dư tạm ứng hợp đồng quá hạn cần phải thu hồi là 50.668,065 triệu đồng nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý thu hồi là vi phạm Luật Xây dựng 2014.

Theo giải trình của UBND tỉnh số tiền 42.159,96 triệu đồng tạm ứng quá hạn (tại Dự án Kè chống sạt lở sông Đắk Bla), UBND thành phố đã yêu cầu và nhà thầu đã thực hiện khối lượng tương ứng với số tiền tạm ứng quá hạn. Thanh tra Chính phủ không kiến nghị thu hồi số tiền này. Tuy nhiên, phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý vốn đầu tư công. Đồng thời, cần phải thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền tạm ứng quá hạn của một số dự án là 8.508,12 triệu đồng (Dự án đường lên cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Camphuchia; Dự án tuyến đường Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; Dự án đường thị trấn Đắk Rve đến xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy; Hồ chứa nước Đắk Rơn Ga - Đắk Tô…).

Về thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng

Việc khảo sát, lập dự án đầu tư, lập dự toán của nhiều dự án chưa sát thực tế dẫn đến sau khi thẩm tra, phê duyệt quyết toán phải giảm trừ chi phí.

Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 10/CBLS-XD-TC ngày 26/10/2017 về công bố đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh còn vi phạm quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BXD, Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 14/11/2015, có nguy cơ gây lãng phí và làm thất thoát vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. UBND tỉnh thiếu giám sát, buông lỏng quản lý để tồn tại một số dự án có khối lượng thi công phải bị giảm trừ, cần được xử lý (áp dụng đơn giá, định mức, chế độ chính sách, biện pháp thi công,... chưa phù hợp làm tăng giá trị đầu tư).

Về công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu

UBND tỉnh buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm, đôn đốc chế độ báo cáo theo quy định về hoạt động đấu thầu dẫn đến công tác đấu thầu còn nhiều hạn chế, triển khai đấu thầu qua mạng chậm, hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu, dễ dẫn đến tiêu cực trong công tác đấu thầu tại các công trình, dự án; tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu có nhiều gói thầu xây lắp hiệu quả thấp, thiếu tính cạnh tranh; tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu chung của tỉnh là 1,03%, tỷ lệ tiết kiệm của một số chủ đầu tư chưa đạt 0,1%, (Ban Quản lý các dự án 98, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sa Thầy).

Việc UBND tỉnh có văn bản yêu cầu nhà thầu phải cam kết tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các dự án do Ban 98 làm chủ đầu tư với tổng giá trị tham gia ít nhất 50% trở lên so với giá dự thầu (nếu trúng thầu), đã làm hạn chế, giảm sự cạnh tranh, thiếu công bằng, thiếu minh bạch trong đấu thầu, vi phạm khoản 2 mục 26 Chương II Thông tư số 01/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Công tác tổ chức đấu thầu còn tính hình thức, cụ thể: Dự án đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo Kon KLor do Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư (năm 2014, ông Phạm Thanh Sơn - Trưởng phòng kê khai và kế toán thuế, Cục Thuế tỉnh Kon Tum thừa ủy quyền của Cục trưởng xác nhận doanh thu năm 2013 để dự thầu là 20,565 tỷ đồng), Dự án thủy lợi làng Lung do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư (năm 2016, ông Trần Dũng, Trưởng phòng kê khai và kế toán thuế - Cục Thuế tỉnh Kon Tum thừa ủy quyền Cục trưởng xác nhận doanh thu năm 2013 để dự thầu là 90,723 tỷ đồng). Cục thuế tỉnh Kon Tum trong hồ sơ lưu trữ không có bảng xác nhận đó, hợp đồng tương tự (có xác nhận của Ban Quản lý dự án huyện Ngọc Hồi) không đúng với thực tế (tham gia dự thầu tại Ban Quản lý các dự án 98; Ban Quản lý dự án huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi...) dẫn đến Công ty TNHH Nhật Á Châu trúng thầu, hiệu quả qua đấu thầu rất thấp, là nguyên nhân thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu

UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thiếu nội dung, không phê duyệt cho tất cả các gói thầu trong dự án là vi phạm Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Hồ sơ mời thầu xây lắp không ghi rõ ngày tháng phát hành, bảng dữ liệu đấu thầu không ghi ngày, giờ và địa điểm tiến hành mở thầu là vi phạm quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT; chủ đầu tư tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả, ký hợp đồng thi công khi chưa được bố trí vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thực hiện, phát sinh chi phí đầu tư và giảm hiệu quả dự án, vi phạm quy định tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Luật Đấu thầu 2013, Luật Xây dựng 2014 (dự án: Đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum; Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng tại Trung tâm thể dục thể thao...).

Công tác quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019

Theo báo của Sở Tài chính, công tác lập Báo cáo quyết toán của các chủ đầu tư giai đoạn 2016 - 2019: có 338 dự án chậm quyết toán (152 hồ sơ chậm từ 1 đến 6 tháng; 118 hồ sơ chậm từ 7 tháng đến 24 tháng; 68 hồ sơ chậm trên 24 tháng), vi phạm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính.

Thanh tra trực tiếp đối với một số dự án, công trình

Qua thanh tra trực tiếp 17 dự án tại một số chủ đầu tư phát hiện một số vi phạm, tồn tại, thiếu sót cần được xử lý (áp dụng đơn giá, định mức, chế độ chính sách, biện pháp thi công, khối lượng còn chưa phù hợp làm tăng giá trị đầu tư), với tổng số tiền 44.569,142 triệu đồng, trong đó: thu hồi nộp ngân sách 1.567,006 triệu đồng, giảm trừ khi phê duyệt quyết toán hoàn thành 29.450,435 triệu đồng, làm tăng giá trị đầu tư 13.551,701 triệu đồng.

Bá Tứ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load