Thứ sáu 26/04/2024 05:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Thủ Đức – Mở toang cửa đón gió mới

20:08 | 26/01/2021

(Xây dựng) - Với nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức, Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12/2020 được xem như việc mở cánh cửa cho một thời kỳ đổi mới. Từ vùng bưng của ngoại ô năm xưa, nay đã cất cánh trở thành thành phố Thủ Đức với kỳ vọng trở thành một đô thị thông minh hiện đại bậc nhất, một đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố Hồ Chí Minh.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
Hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức.

Lần đầu có một thành phố trong thành phố

“Đến bây giờ tôi vẫn chưa tin được, nhà tôi ở đây lại nằm ở trung tâm khu đô thị hiện đại thông minh bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, ở phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức chia sẻ cảm xúc khi Thành phố Thủ Đức được thành lập, nhà bà ở trung tâm khu đô thị cảng Trường Thọ, một trong 8 trung tâm của thành phố Thủ Đức.

“Ở nhà mà được xài 5G miễn phí, còn gì sung sướng hơn”, anh Phan Minh Thành ở gần nhà thiếu nhi quận 9 đã được phủ sóng 5G thử nghiệm cho biết.

“Mất điện bao lâu, sự cố xảy ra ở đâu, sử dụng điện như thế nào, chỉ cần bấm điện thoại là biết tuốt. Nghe nói Thành phố Thủ Đức sẽ có cả hệ thống lưới điện thông minh điều khiển từ xa nữa”, bà Sáu Thơm, ngụ tại khu vực đường Trường Lưu, quận 9 cho biết, khu vực trước đây hay bị mất điện bất ngờ, đồng hồ bị nhảy số…

Đó là những cảm xúc phấn chấn của người dân đang sinh sống tại các quận được sáp nhập vào thành thành phố Thủ Đức. Họ hồ hởi và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn kể từ khi có làn gió mới thổi về. Làn gió từ Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
8 trung tâm của thành phố Thủ Đức.

Ông Lâm Văn Sang, sinh ra và lớn lên ở quận 2, đã chứng kiến nhiều đổi thay của khu vực này chia sẻ: “Mới khoảng hai chục năm thôi mà thay đổi nhiều quá. Trước đây khu vực này là vùng bưng, cây cối ao hồ hoang vu, không cấy cày, trồng trọt gì được. Sau đó thành phố quy hoạch thành những khu đô thị kiểu như phố Đông Thượng Hải, rồi trung tâm tài chính thế giới, giờ thì bất ngờ trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Lúc đầu chúng tôi còn băn khoăn việc cứ tách ra rồi lại nhập về, nhưng bây giờ thành phố trong thành phố là có thật rồi”.

Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố không phải là một bước đột phá về mặt tư tưởng, mà là “một sự lựa chọn” phổ biến ở các quốc gia đô thị hóa cao, với tên gọi khác là “thành phố vệ tinh”. Sự thành công rực rỡ của một số khu đô thị nổi bật trên thế giới như: Gangnam (Seoul, Hàn Quốc, Navi Mumbai (Mumbai, Ấn Độ), Đông Thượng Hải (Thượng Hải, Trung Quốc)… là những minh chứng rõ nét cho ưu thế của mô hình này. Tại Việt Nam, loại đơn vị hành chính “Thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Với việc thành lập thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước hiện thực hóa mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương vào thực tiễn. PGS- TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định trong cuộc hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: Triển vọng và thách thức đối với Thành phố Hồ Chí Minh”.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho thành phố Thủ Đức.

Là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho việc thành lập thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Qua quá trình phát triển hơn 20 năm, quận 2, 9 và quận Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0, nhưng lại nằm rời rạc, không phát huy được tác dụng tổng hợp để tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, khu công nghệ cao là thành công nhất cả nước, nhưng thuộc địa bàn quận 9, còn quận 2, quận Thủ Đức làm gì để phục vụ công nghệ cao thì không có. Quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng lại quản lý theo kiểu quận 2, chứ không phải phục vụ khu công nghệ cao. Quận Thủ Đức, nơi có Đại học Quốc gia với 5 trường thành viên, thì Thủ Đức chỉ lo việc hạ tầng, trật tự an toàn cho Đại học làm việc, còn làm xong họ đi đâu, làm việc ở đâu thì không quan tâm. Lẽ ra họ phải ở khu công nghệ cao, có thể làm vệc ở quận 2, nhưng cái đó thì lại phụ thuộc vào quận khác. Trên cơ sở nhận ra các tiềm năng ở 3 quận, qua hội thảo quốc tế được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 và 2019, Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng một khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên địa bàn 3 quận này. Đó là lý do phải thành lập thành phố Thủ Đức - một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nếu tích hợp lại và bổ sung các cấu phần còn thiếu của các đô thị sáng tạo trên thế giới như thành phố Darmstadt của Đức, thành phố Einhoven của Hà Lan, thành phố Montreal của Canada… thì đô thị gồm 3 quận này có thể trở thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao… Một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đột phá nền tảng cho phát triển công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 năm gần đây ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông là những Ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Sau 20 năm, ngành Công nghệ thông tin có doanh số tăng 400 lần so với năm 2000. Chưa từng có ngành Kinh tế nào như vậy, với con số đóng góp tăng 28 lần, từ 0,5% tăng lên 14,3%. Thứ hai, Khu công nghệ cao của thành phố hoạt động đã 17 năm, thu hút khoảng 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong đó đã thực hiện là 7,6 tỷ USD, hiện có 42.246 lao động. Suất đầu tư của một lao động khu công nghệ cao là 142.800 USD. “Chúng ta hình dung là công nghệ thông tin, truyền thông của cả nước là 20.000 USD, đã đem lại năng suất gấp 7,6 lần, còn khu công nghệ cao đầu tư 142.800 USD, thì năng suất gấp 80 lần cả nước”, ông Nhân cho biết.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
Lưới điện thông minh là sự kết hợp giữa hạ tầng kỹ thuật và công nghệ.

Dù hoạt động trong tình trạng 3 quận rời rạc, nhưng hiện Khu công nghệ cao đã đóng góp khoảng 28% kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cộng thêm các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và các đơn vị khác, thì Thành phố Thủ Đức đóng góp không dưới 30% kinh tế toàn Thành phố Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 6,6% GDP cho Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hiện nay đang là nơi ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, chứ không phải là nơi tạo ra chúng. Riêng thành phố Thủ Đức sẽ là nơi tạo ra giải pháp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Đây là giá trị thành phố Thủ Đức trong tương lai. “Thành phố mới, gian nan, thách thức mới và cơ hội mới. Thành phố Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên thành phố khẳng định, trưởng thành và cống hiến, xây dựng nên một thành phố hiện đại, thành phố văn hóa, thành phố hội nhập, thành phố đáng sống vào bậc nhất Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ công bố thành lập thành phố Thủ Đức.

Hạ tầng cất cánh…

Thành phố Thủ Đức có tổng diện tích 211.56 km2, dân số 1.013.795 người. Thành phố Thủ Đức sẽ góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ khâu sáng tạo tri thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp giải pháp và sản phẩm, đến thương mại hóa giải pháp và sản phẩm chất lượng cao, với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thành phố Thủ Đức có 5 loại hạ tầng và tương lai sẽ cất cánh mạnh mẽ. Đó là hạ tầng phát triển công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo; hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị; hạ tầng tài chính - thương mại, hạ tầng văn hóa và hạ tầng nhà ở hiện đại.

Theo đó, thành phố Thủ Đức có 8 trung tâm quan trọng gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và Cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - Đô thị tương lai.

Thành phố Thủ Đức có 3 giai đoạn phát triển, có 34 phường. Hiện nay, thành phố Thủ Đức đang kiện toàn bộ máy hoạt động.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, “Ban thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập hai ban chỉ đạo, một ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111, thứ hai là ban chỉ đạo tiếp tục thực hiện khắc phục tồn tại trên địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức. Mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu bộ máy phải gương mẫu làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao góp phần xứng đáng để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng bộ, nhân dân thành phố Thủ Đức”.

Đô thị thông minh – tương tác cao

Để Thủ Đức trở thành thành phố thông minh, tương tác cao như kỳ vọng, thì những nền tảng cốt lõi của công nghệ 4.0 phải được phát huy. Mạng 5G được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định là nền tảng cốt lõi, là xương sống của thành phố thông minh Thủ Đức. Chính vì vậy, tại buổi lễ công bố thành lập thành phố Thủ Đức, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã bấm nút khai trương mạng 5G Viettel. Ông Lê Đăng Dũng – quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã cam kết, trong 1 thời gian ngắn Viettel sẽ phủ sóng 5G tất cả thành phố Thủ Đức. Hiện Viettel đã hoàn thành việc phủ sóng 5G tại các khu vực trung tâm của thành phố Thủ Đức. Trong thời gian cung cấp dịch vụ thử nghiệm, người dân Thủ Đức được miễn phí data 5G Viettel với dung lượng không giới hạn.

thanh pho thu duc mo toang cua don gio moi
Trung tâm điều khiến từ xa lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ có công nghệ “trên trời”, mà dưới “mặt đất”, hệ thống lưới điện thông minh cũng đang được hoàn thiện. “Khó có thể có thành phố thông minh khi không có lưới điện thông minh”, “thành phố thông minh không thể là thành phố bóng tối khi mất điện”, “thành phố thông minh phải có điện ngay trong lòng bàn tay”… Những câu nói vui này đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với ngành điện, để đáp ứng mong mỏi của người dân về một thành phố Thủ Đức thông minh trong tương lai.

Để có lưới điện thông minh, ngành điện sẽ phải xây dựng một hạ tầng lưới điện tự động hoá toàn diện, từ cấp điện áp 110KV đến trung, hạ áp và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Hiện nay, việc thông báo mất điện, báo sự cố… đã được gửi tin nhắn tự động đến từng khách hàng. Người dân có thể thông qua phần mềm trên điện thoại di động có thể kiểm soát hoạt động tiêu thụ điện của mình, thanh toán chi phí, cũng như thông báo sự cố… “Mong tương lai không xa, ngành điện có thể ngồi một chỗ điều khiển cả đèn chiếu sáng, cũng như tín hiệu giao thông”, một trong những mong ước của người dân thành phố Thủ Đức.

Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng trở thành thành phố có không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế.

Lưới điện thông minh thắp sáng Thành phố Hồ Chí Minh

Để có được lưới điện thông minh, ngoài việc lắp đặt hạ tầng lưới điện tự động hoá toàn diện, cần phải thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số. Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết: Tổng Công ty xác định chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định trong chiến lược phát triển của của mình từ nay đến 2030. EVNHCMC đã ứng dụng số mạnh mẽ trong hầu hết các mặt hoạt động. Điển hình như ứng dụng sâu rộng công nghệ IoT trong hiện đại hóa và tự động hóa công tác quản lý vận hành. Đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa cùng với việc trang bị các phần tử tự động trên lưới điện đã giúp cô lập nhanh khu vực sự cố, giảm số khách hàng bị ảnh hưởng và khôi phục nhanh cấp điện cho khách hàng, nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện. Năm 2020, EVNHCMC đã đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu Data Center, giúp nâng cao hiệu quả quản trị của EVNHCMC một cách toàn diện, góp phần làm hài lòng đông đảo khách hàng sử dụng điện.

Theo đại diện của EVNHCMC cho biết, trước đây ở cấp điện áp cao thế, các trạm phải có công nhân trực vận hành 24/24. Mỗi trạm như thế cần 10-15 công nhân. Hiện nay tất cả các trạm điện 110kV ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được vận hành từ xa, ở chế độ không người trực. Ở trạm cấp trung thế 22kV, 240 trạm đã vận hành tự động. “EVNHCMC đã khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh, làm nền tảng để đạt được những kết quả tốt trong việc thực hiện 04 nhiệm vụ chính: nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Kết quả đó góp phần thực hiện thành công chiến lược xây dựng đô thị thông minh Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của UBND thành phố và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân”, ông Phạm Quốc Bảo – Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNHCMC chia sẻ.

EVNHCMC đã đưa vào áp dụng chương trình IMIS để quản lý xuyên suốt công tác đầu tư trong toàn Tổng công ty, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, hiệu quả thực hiện đầu tư. Trong đó, đã áp dụng công nghệ khảo sát không ảnh, thiết kế 3D và mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động đầu tư xây dựng. Hiện nay Tổng công ty đang kết hợp giải pháp số hóa tài liệu thông minh, triển khai nhật ký thi công công trình/Hồ sơ công trình điện tử.

Trung tâm quản lý vận hành hệ thống điện đã được trang bị hệ thống SCADA/DMS hiện đại, là thành phần mang tính cốt lõi, nền tảng của lưới điện thông minh, giúp nâng cao năng lực giám sát, điều khiển và tự động hóa lưới điện toàn thành phố. Tổng công ty đã hoàn thành số hóa lưới điện trên nền bản đồ GIS, hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (Mini-SCADA) cho 770/770 tuyến dây (tỷ lệ 100%) lưới điện trung thế thông qua hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng (3G, cáp quang) chuyên biệt.

Ngoài ra, EVNHCMC đã triển khai công tác nghiên cứu, phát triển các hệ thống công nghệ thông tin, hoàn tất quá trình số hoá công tác quản lý kỹ thuật và dịch vụ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực quản lý vận hành lưới điện, làm tiền đề để từng bước tiếp cận và áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 (Big Data, IoT, AI, Cloud) vào hoạt động kinh doanh dịch vụ khách hàng. Khách hàng không chỉ được cung cấp điện ổn định, đầy đủ mà còn có thể theo dõi tình hình sử dụng điện của mình qua ứng dụng di động và trên website, nhận hóa đơn điện tử hoặc đăng ký các dịch vụ điện bằng hình thức trực tuyến.

Với những nổ lực của mình EVNHCMC đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” năm 2020 tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 (VDA 2020).

Theo ông Phạm Quốc Bảo – Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, EVNHCMC đã và đang tổ chức triển khai “Đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn năm 2025” và đã đạt được những kết quả nổi bật như: hoàn thành trước 2 năm công trình nâng cấp điện áp lưới điện từ 15kV lên 22kV theo chuẩn quốc gia, kiện toàn lưới điện theo tiêu chí tối ưu về bán kính cấp điện, hệ số mang tải và số lượng khách hàng. Hoàn thành trước 2 năm kế hoạch chuyển đổi 100% trạm biến áp 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực. Hoàn thành trước 1 năm đối với chỉ tiêu tự động hóa lưới điện phân phối, đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa lưới điện phân phối đầu tiên tại Việt Nam; lưới điện 110kV đảm bảo vận hành tiêu chí N-1 (dự phòng 1 nguồn).

Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load