Thứ năm 25/04/2024 16:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Thanh Hóa nỗ lực hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép”

20:22 | 22/10/2021

(Xây dựng) - Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thành phố Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản khống chế được dịch bệnh và duy trì, phát triển kinh tế - xã hội.

thanh pho thanh hoa no luc hoan thanh thang loi muc tieu kep
Lãnh đạo Công đoàn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm xưởng sản xuất của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hoàng Long.

“Chạy đua” với thời gian, bao vây, khống chế không để dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng

Sau những ngày “tạm yên” trong đợt dịch bệnh thứ 4. Từ ngày 29/8-5/9/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã trở nên phức tạp bởi ổ dịch mới phát sinh tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Chỉ trong vòng một tuần lễ, toàn thành phố đã ghi nhận tới 50 ca F0. Trong đó, tại Bệnh viện Hợp Lực có 42 ca gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế của bệnh viện. Tại 2 phường Lam Sơn và Ngọc Trạo có 8 ca đều liên quan đến ổ dịch bệnh viện Hợp Lực.

thanh pho thanh hoa no luc hoan thanh thang loi muc tieu kep
Tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho người dân thành phố.

Ngay sau khi ghi nhận những ca F0 đầu tiên tại Hợp Lực, toàn bộ bệnh viện đã được phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ban Chỉ đạo thành phố đã tổ chức họp, giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho các cấp, ngành, đơn vị cho tới tận thôn, tổ dân phố.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách như: Kiện toàn, bổ sung các lực lượng tham gia phòng chống dịch, thành lập 04 tổ công tác, ứng trực tại các địa bàn trọng điểm gồm: chợ, siêu thị, trường học, khu cách ly, các cụm công nghiệp, nhà ga, bến xe, công viên… tổ chức 04 tổ tuần tra lưu động, thành lập 01 tổ thông tin, tổng hợp, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân về dịch bệnh, thành lập 8 chốt kiểm soát gồm 129 cán bộ, chốt 24/24 giờ tại các cửa ngõ thành phố. Tất cả đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch.

Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo các xã, phường thành lập 200 tổ công tác gồm 800 thành viên, chuyên trách tuần tra, kiểm soát (24/24 giờ) và tổ chức các chốt trên địa bàn. Cũng trong thời gian giãn cách, cùng với tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng thành phố đã xử lý 3.313 trường hợp cố tình vi phạm quy định Chỉ thị 16, xử phạt số tiền 3.759.200.000 đồng.

Quyết liệt, chủ động và linh hoạt trong thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu như toàn thể cán bộ lãnh đạo thành phố, các phòng, ban liên quan, cán bộ UBND các xã, phường cho đến các tổ giám sát cộng đồng khu phố, thôn xóm đều không có ngày nghỉ. Nhất là cán bộ lãnh đạo, ngược xuôi để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh. Về cơ quan lại tham gia, tổ chức các cuộc họp (thường là trực tuyến) của tỉnh, thành phố, xã, phường, tìm giải pháp chống dịch hiệu quả và đối phó kịp thời các tình huống mới phát sinh… với mục tiêu cao nhất: Bằng mọi giá khống chế dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

thanh pho thanh hoa no luc hoan thanh thang loi muc tieu kep

thanh pho thanh hoa no luc hoan thanh thang loi muc tieu kep
Công nhân các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Lễ Môn trở lại sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội.

Một lãnh đạo Công an phường Lam Sơn cho biết, trong những ngày cao điểm dịch, công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch được ưu tiên số một, bất kể ngày đêm. Vì thế, có hôm gần 1h sáng (khi nhận được thông tin của F0 vừa cung cấp) các anh vẫn trực tiếp tìm đến nhà đối tượng F1 ở ngoại ô thành phố, gọi cửa động viên, thuyết phục gia đình đồng ý cho người nhà là F1 đi cách ly tập trung.

Với tinh thần “chỉ có cao hơn, mạnh hơn, không chậm hơn, thấp hơn” so với quan điểm chỉ đạo phòng, chống dịch của Trung ương và của tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã tập trung huy động tối đa nhân lực và kinh phí cho nhiệm vụ chống dịch, nhất là trong thời gian giãn cách. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, liên tục, kết hợp kiểm tra, nhắc nhở, xử lý để người dân chấp hành nghiêm túc quy định giãn cách theo Chỉ thị 16.

Trong thực hiện Chỉ thị 16, để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, cũng như không để đứt gẫy hoạt động kinh tế, giao thương, thành phố đã linh hoạt quy định khung giờ “tháo chốt” kiểm soát vào cuối giờ làm việc buổi sáng và buổi chiều, để người dân, nếu có việc thật sự cần thiết có thể được đi lại trên đường.

Cùng với đó, thành phố đã tập trung đẩy nhanh công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-Cov 2 toàn dân và tiêm chủng vắc xin. Theo đó, đã huy động tới 1.336 người tham gia công tác này. Kết quả, chỉ trong ít ngày, đã tổ chức 622 tổ, xét nghiệm được 367.068 người (99,8% dân số). Trong đó, xét nghiệm PCR cho 2.443 người trong khu vực phong tỏa và khu dân cư quanh Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, tổng số mẫu xét nghiệm (3 lần) bằng phương pháp PCR là 7.444 mẫu.

Đồng thời, đã thiết lập thêm 7 khu cách ly tập trung, 2 khu cách ly y tế để giám sát, cách ly cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hợp Lực và 2 chốt kiểm soát cổng phía bắc và phía nam của Bệnh viện Hợp Lực.

Tiếp đó, để đánh giá kết quả kiểm soát dịch sau thời gian giãn cách, thành phố đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS - Cov 2 lần 2 đối với các khu vực, đối tượng nguy cơ cao, gồm lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch và lấy mẫu ngẫu nhiên người dân có nguy cơ cao trên địa bàn. Kết quả đã xét nghiệm PCR được 1.129 mẫu, âm tính 100%; test nhanh 3.372 mẫu, 100% âm tính. Kết quả này là cơ sở cho việc tháo dỡ lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tiến tới đưa thành phố trở lại thời kỳ bình thường mới.

thanh pho thanh hoa no luc hoan thanh thang loi muc tieu kep
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trao các nhu yếu phẩm cho đối tượng trong khu cách ly tập trung của thành phố.

Song song các giải pháp phòng, chống dịch, riêng trong thời gian giãn cách xã hội từ ngày 02-04/9, thành phố huy động xã hội hóa các nguồn lực phòng chống dịch được 1,1 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật 350 triệu đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ suất ăn, bữa cơm không đồng, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, thiết bị phòng dịch… cho nhân dân, các lực lượng tham gia phòng chống dịch, trị giá hàng tỷ đồng.

Nỗ lực cho “mục tiêu kép”, phát triển kinh tế - xã hội trong đại dịch

Song song với công tác phòng, chống dịch. Với quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng các tầng lớp nhân dân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn,thách thức gay gắt tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng.

Một số chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ và kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 8,4%. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 10,3%; dịch vụ tăng 5,4%; ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,3%. Nhiều chỉ tiêu như sản lượng lương thực, tổng giá trị xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, huy động vốn của các tổ chức tín dụng… tăng khá so với cùng kỳ, dự báo sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Theo đó, tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 25.550 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại sôi động, thị trường phong phú, dồi dào, thương mại điện tử tăng mạnh, giá cả ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 46.586 tỷ đồng, bằng 71,7% kế hoạch và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Về giá trị xuất khẩu, tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng khá, toàn thành phố vẫn duy trì 45 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với 28 mặt hàng xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1.298 triệu USD, đạt 74,2% kế hoạch và tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Ngoài các lĩnh vực trên, riêng 2 ngành dịch vụ vận tải và ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó vận chuyển hàng hóa ít chịu ảnh hưởng hơn, đạt 19,8 triệu tấn, tăng 5,1% cùng kỳ, vận chuyển hành khách đạt 10,08 triệu lượt khách, giảm 15,3% so với cùng kỳ.

Về dịch vụ du lịch, số lượt du khách đến thành phố giảm mạnh, ước khoảng 0,79 triệu lượt khách, giảm tới 55,5% so với cùng kỳ, doanh thu khoảng 995,4 tỷ đồng, giảm tới 61% so với cùng kỳ, công suất sử dụng phòng khách sạn đạt bình quân 8-10%.

Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí sản xuất cũng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch một cách chặt chẽ. Nhưng nhờ tuân thủ nghiêm túc 5K cùng các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả nên thành phố vẫn duy trì ổn định hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt 27.910 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 3.338 tỷ đồng, bằng 86,1% kế hoạch và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và mỗi xã một sản phẩm (Ocop) vẫn được duy trì. Trong tháng 9 đã có 1 sản phẩm đạt Ocop 4 sao và 6 sản phẩm đủ điều kiện đang chờ hội đồng của tỉnh đánh giá, Chương trình xây dựng Nông thôn mới sau khi về đích, đang được tập trung cho mục tiêu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân, thành phố Thanh Hóa đã hoàn thành “mục tiêu kép” về phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã cơ bản ổn định, đời sống người dân, nhất là các đối tượng chính sách được đảm bảo. Bộ máy chính quyền và người dân đã có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu trong công tác đối phó với dịch bệnh, có thể chủ động, sẵn sàng các phương án, giải pháp phù hợp đối phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là ổ dịch mới bùng phát tại thị xã Bỉm Sơn, trong vòng ít ngày đã có tới trên 100 ca F0 và đã lây lan sang một số địa phương khác, trong đó có thành phố Thanh Hóa. Để giữ vững trạng thái bình thường mới, duy trì phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch hiệu quả, hơn lúc nào hết, mọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố luôn tuân thủ nghiêm túc “vắc-xin + 5K”, đề cao ý thức phòng trừ dịch bệnh, quyết tâm phấn đấu giữ vững “vùng xanh” trong đại dịch. Theo lãnh đạo thành phố, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm và số một hiện nay vẫn là công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load