Thứ năm 28/03/2024 19:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố quyết không bị nước biển nhấn chìm

15:13 | 14/02/2021

Lagos là thành phố đông dân nhất châu Phi, cũng là vùng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi lũ lụt và nước biển dâng. Để sống sót, nơi này phải thay đổi mọi mặt, từ kiến trúc tới giao thông.

Việc đi lại ở Lagos, Nigeria trở nên khó khăn vào mùa mưa, khi có nhiều đường không thể đi lại. Với hơn 24 triệu dân, Lagos là đầu tàu kinh tế của Nigeria, và là điểm đến của người “tứ xứ” từ khắp châu Phi đến tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng sức ép lên môi trường và hạ tầng ngày càng tăng.

Nhiều đường phố thường xuyên ngập lụt, một phần do hệ thống thu gom rác thiếu hiệu quả trước 6.000-10.000 tấn rác thải ra mỗi ngày. Sau mỗi trận mưa lớn, rác ứ đọng khiến việc đi lại khó khăn.

Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ khiến Lagos có lượng mưa tổng cộng giảm đi, nhưng cường độ mỗi trận mưa sẽ tăng lên, khiến nguy cơ ngập lụt cũng tăng. Ngoài ra, thành phố có nền thấp này cũng chịu nguy cơ từ nước biển dâng.

Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C (so với thời tiền công nghiệp), Lagos có thể phải đối mặt với mức nước biển dâng là 90 cm từ nay đến năm 2100, theo BBC.

Kiến trúc nổi, giao thông đường thủy

Một khu của Lagos có nhiều kinh nghiệm đối phó với mức nước dâng cao, là khu Makoko. Được coi là “Venice của châu Phi”, Makoko là một mê cung các nhà kiểu “nhà sàn” được xây trên cột, và phải dùng canô để đi lại ở đây.

thanh pho quyet khong bi nuoc bien nhan chim
Mô phỏng cộng đồng ven biển dựa vào các cấu trúc nổi, với hy vọng đối phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Công ty kiến trúc NLÉ.

Khu vực này không tiếp cận được nhiều với nước sạch và điện, nhưng đã có những cải tiến như “Trường nổi Makoko”, một cấu trúc được gắn các thùng nhựa rỗng để có thể nổi được. Hình dáng “kim tự tháp” của trường giúp hạ thấp trọng tâm, tăng tính ổn định, và có một mái nhà lý tưởng cho việc che mưa.

thanh pho quyet khong bi nuoc bien nhan chim
Mô hình “Trường nổi Makoko” đang được công ty kiến trúc NLÉ thử nghiệm. Ảnh: Công ty NLÉ.

Một số người dân Lagos lại ấn tượng với một cải tiến khác để thích nghi với cuộc sống gần nước. Đối với một số người, việc đi lại bằng phà còn nhanh hơn việc phải ngồi yên trên đường bộ và chờ hết tắc đường.

Oluwadamilola Emmanuel, quan chức phụ trách giao thông đường thủy tại địa phương, nói loại hình giao thông này đã mở rộng tầm bao phủ trong những năm gần đây, với hơn 42 tuyến phà và 30 bến.

Ngày càng nhiều công ty mở tuyến phà thương mại ở Lagos. Năm 2019, Uber thử nghiệm dịch vụ Uber Boat, với lời hứa mang lại cho hành khách thêm một cách để ra vào khu trung tâm Lagos rẻ hơn và dễ dàng hơn.

Chưa có dữ liệu để khẳng định giao thông đường thủy có “xanh” và bền vững hơn giao thông đường bộ hay không. Nhưng các ước tính của giới chức cho thấy lượng phát thải carbon trên mỗi hành khách đi phà thấp hơn so với các hình thức khác như xe buýt và taxi.

Mặc dù các bến phà được lập ra ở ngày càng nhiều nơi, giao thông đường thủy vẫn chưa giảm được số lượng người phải dựa vào giao thông đường bộ. Nhất là trong đại dịch, số chuyến phà càng giảm đi, và các hạn chế giãn cách xã hội cũng khiến số hành khách đi phà ít đi.

thanh pho quyet khong bi nuoc bien nhan chim
Ngày càng nhiều công ty mở tuyến phà thương mại ở Lagos. Ảnh: Getty Images.Các cấu trúc bảo vệ Lagos

Một cải tiến khác nhằm bảo vệ Lagos trước nước biển dâng là “Bức tường Lagos”, một hàng rào làm từ 100.000 khối bêtông, mỗi khối nặng 5 tấn. Bức tường biển bảo vệ cao 18 m, và sẽ trải dài 8,4 km khi hoàn tất, bao quanh khu Eko Atlantic, một khu được xây dựng trên đất lấn ra biển.

Bức tường được kỳ vọng sẽ bảo vệ cho khu vực mới khỏi các đợt sóng mạnh từ các trận bão ở phía nam Đại Tây Dương. Nhưng giới phê bình đang lo ngại rằng tường biển sẽ bảo vệ một số khu vực, và tăng xói mòn ở các khu vực khác.

thanh pho quyet khong bi nuoc bien nhan chim
“Bức tường Lagos” sẽ trải dài 8,4 km khi hoàn tất. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, có những cấu trúc khác được xây dựng để bảo vệ bờ biển, bao gồm “groyne” (cấu trúc cứng được xây dựng nối ra từ bờ biển, vuông góc với bờ biển, để ngăn tác động của sóng làm đất, cát ở bờ biển bị cuốn trôi ra ngoài). Có 18 “groyne” ở khu Eko Atlantic, cách nhau 400 m, và bao phủ đoạn bờ biển 7,2 km, và các cấu trúc như vậy đang tiếp tục được xây dựng.

Các cấu trúc tường, kè bảo vệ biển có thể dễ thấy và nổi bật hơn cả, nhưng biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống “phòng thủ” của Lagos có thể lại là biện pháp vô hình.

Giới chức liên bang Nigeria đã thiết kế ứng dụng Flood Mobile App để dự báo lũ lụt, có thể giúp các vùng ven biển có thêm chút thời gian để chuẩn bị sẵn sàng. Ứng dụng này cung cấp thông tin dự báo ngập lụt thời gian thực về một địa điểm cụ thể.

Cho đến nay, đã có những cảnh báo sớm được gửi ra đề nghị người dân cảnh giác, nhất là vào những đợt mưa lớn. Dù vậy, tỷ lệ dùng điện thoại di động vẫn nhỏ, ngoại trừ trong nhóm người trẻ, sống ở thành phố.

Nếu không có các thay đổi như trên, hiện tượng nước biển dâng trong thế kỷ này sẽ làm hàng triệu người dân Lagos mất nhà cửa, nhất là ở những nơi có nền thấp như Makoko.

Nhưng Lagos đang học cách sống gần nước, gần biển, tìm ra các giải pháp bảo vệ bờ biển, và dự báo khi nào khả năng ngập lụt tăng cao nhất. Thời gian sẽ trả lời xem liệu sự sáng tạo có thể giúp thành phố lớn nhất châu Phi luôn nổi.

Theo Trọng Thuấn (BBC)/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load