Thứ hai 02/12/2024 18:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Hồ Chí Minh: Du lịch nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hiệu quả

14:48 | 29/11/2024

(Xây dựng) - Những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân; làm khởi sắc lên những vùng nông thôn của Thành phố Hồ Chí Minh mà lâu nay ít ai biết đến.

Thành phố Hồ Chí Minh: Du lịch nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hiệu quả
Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.

Mỗi huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc mỗi huyện trên địa bàn Thành phố có ít nhất 1 sản phẩm du lịch nông thôn, nông nghiệp.

Theo đó, đến năm 2025, mỗi huyện, gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ vận dụng tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn.

Tại Chương trình lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với nông dân mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thành phố trong những năm gần đây có chuyển biến rất căn bản. Thành phố đang hướng đến nền nông nghiệp đô thị, Nhà nước và nông dân cùng thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, vấn đề phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Thành phố đã có những mô hình như: các sản phẩm OCOP, các khu homestay, các quán ăn đồng quê... Tuy nhiên, mức độ phát triển còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của Thành phố.

"Người nông dân hiện nay còn sản xuất riêng lẻ, chưa liên kết được để tăng sức mạnh phát triển. Ngoài nhà nông cần có Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, nhà nghiên cứu, thậm chí nhà báo cùng với nhà nông bàn cách phát triển nền nông nghiệp du lịch cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện cho nông dân Thành phố phát triển, tạo điều kiện cho nền du lịch nông nghiệp Thành phố phát triển", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, xây dựng 2 - 3 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ; xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo duy nhất

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sinh thái tại ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) giai đoạn 2 nhằm tăng khả năng tiếp cận và nâng chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng trong không gian sinh thái nông nghiệp, tôn vinh và giới thiệu nét đẹp của nông dân và làng nghề truyền thống đến khách du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh: Du lịch nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hiệu quả
Du khách tham quan một mô hình trồng rau thủy canh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ du lịch Thiềng Liềng cho biết, cả ấp Thiềng Liềng chỉ có một đường độc đạo hình oval dài 4km uốn quanh ruộng muối, sông, rạch và rừng ngập mặn. Thiềng Liềng chưa chịu nhiều tác động của con người cho nên ấp vẫn giữ cho mình sự mộc mạc, nét tự nhiên không phải miền biển nào cũng có.

“Ở đây ngoài cánh rừng ngập mặn bao bọc xung quanh với hệ sinh thái vô cùng phong phú, còn có núi Giồng Chùa. Đây được xem là ngọn núi đá tự nhiên duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những tiềm năng du lịch độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho Thiềng Liềng để thu hút du khách đến tham quan”, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho hay.

Giai đoạn 2 phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sinh thái tại ấp Thiềng Liềng sẽ có thêm nhiều hoạt động, trải nghiệm mang tính phổ biến, tiếp cận được nhiều du khách hơn. Trong đó, đề cao vai trò của rừng và môi trường - một điểm mạnh của Cần Giờ.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, trong giai đoạn 2 sẽ gia tăng sự trải nghiệm cho du khách và kéo dài thời gian lưu trú. Điều này phải vận động bà con xây dựng thêm homestay Hoàng Tử Nhím, homestay view sông Ba Huyền, không gian hội tụ Út Ngọc... Đặc biệt, mở rộng không gian du lịch cộng đồng đến khu vực núi Giồng Chùa, hộ giữ rừng Út Đẹp. "Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, chúng tôi đã nâng tổng số điểm đến từ 16 ở giai đoạn 1 lên thành 24 điểm đến", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin.

Từ đầu năm 2023, khi điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra mắt đến nay, đã có gần 5.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Qua đó, đã góp phần cùng với địa phương giải quyết việc làm cho gần 30 trường hợp trong ngày nghĩ, lễ, Tết và cuối tuần; giúp cho 2 hộ gia đình thoát nghèo với thu nhập mỗi tháng từ 4 - 5 triệu đồng.

Cuối năm 2023, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng được bình chọn là một trong "100 điều thú vị" của Thành phố Hồ Chí Minh và mô hình này cũng đang trong chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sở Du lịch Thành phố đang hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất mô hình du lịch cộng đồng là ứng viên nhận giải thưởng ASEAN năm 2025.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới

Mô hình nói trên là một trong những điển hình về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Từ những vùng nông thôn kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con đã nghĩ ra nhiều cách làm hay, cách làm sáng tạo để nâng tầm các sản phẩm của quê hương, trong đó có sản phẩm du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị cũng như phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: ban hành Quyết định số 1943 về phê duyệt Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 6002 về phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung cho dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch”. Triển khai chương trình kích cầu du lịch Thành phố năm 2024. Tiếp tục triển khai Kế hoạch truyền thông điểm đến “Thành phố Hồ Chí Minh - Chào đón bạn” năm 2024. Nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển này Thành phố đang mở rộng nhiều mô hình tích hợp đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân kết hợp du lịch:

Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Việc phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đang hướng đến bền vững, có trách nhiệm. Với mong muốn góp phần cùng ngành du lịch Thành phố, phát triển gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử truyền thống kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cùng đó, xây dựng môi trường du lịch thân thiện gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm để giới thiệu, quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch nông thôn cho người dân tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp đến du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên tài nguyên bản địa và lợi ích cộng đồng.

Phương Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load