Lãnh đạo TP.HCM đã tiên phong, khởi xướng, đột phá nhiều chủ trương, cách làm, đem lại hiệu quả to lớn, tạo sức lan tỏa ra cả nước, giúp TW kịp thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước. Với truyền thống năng động, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo và người dân Thành phố đã xây dựng nên một đô thị hiện đại, mang trong mình sứ mệnh và tầm vóc lớn lao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), TTXVN thực hiện chùm bài nhìn lại truyền thống sáng tạo, tư duy đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhận diện những lực đẩy mới giúp thành phố tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Bài 1: Nhiều thành tựu nhờ tư duy đổi mới
Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức khi mô hình kinh tế kế hoạch tập trung theo cơ chế bao cấp đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí cản trở sự phát triển. Đứng trước thách thức đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong, khởi xướng, đột phá nhiều chủ trương, cách làm, đem lại hiệu quả to lớn, tạo sức lan tỏa ra cả nước, giúp Trung ương kịp thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Từ tư duy “xé rào”
Vào năm 1991, từ đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Để đến năm 1992, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ra đời Khu chế xuất Linh Trung.
Tiếp đến vào năm 1993, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán thành phố, xây dựng thị trường vốn và đến năm 2000, Chính phủ cho phép triển khai đề án và Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.
Tương tự, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành năm 2000, từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi các bài học phát triển tại Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Tư duy đổi mới, “xé rào” đã giúp kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá, tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết; trong đó, có tình trạng đói nghèo. Vì thế năm 1992, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, mạnh dạn tổ chức, khởi xướng và triển khai chương trình “xóa đói giảm nghèo” và sau này trở thành cuộc vận động lớn, nhanh chóng đi vào thực tiễn và tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, lan toả khắp cả nước.
Qua 35 năm đổi mới (1986-2021), kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước thể hiện vài trò dẫn đầu, thu ngân sách của Thành phố vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước, bình quân chiếm 1/3 ngân sách cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ của cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Nhìn lại những thành quả đã đạt được, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực cho rằng thành phố luôn đi đầu trong việc vượt qua khó khăn, thách thức và chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Với trọng trách đầu tàu kinh tế đất nước, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng hối thúc thành phố phải sáng tạo không ngừng, từ đó, đã xuất hiện hàng loạt mô hình lớn như: Khu chế xuất, khu công nghiệp Tân Thuận, Linh Trung; Khu phần mềm Quang Trung, chuỗi siêu thị Co.op và đặc biệt là khu công nghệ cao thành công ở một đất nước chưa phát triển, mạnh dạn tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có những đề xuất, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn sinh động và đòi hỏi của cuộc sống. Không cam chịu tình trạng thiếu hàng hoá và ách tắc trong phân phối lưu thông, thành phố đã tìm cách "bung ra" sản xuất theo yêu cầu, năng lực và tháo gỡ việc “ngăn sông cấm chợ," góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay.
Báo cáo chính trị Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước.
Nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước, đóng góp hơn 22% kinh tế và 27% thu ngân sách của cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là khu công nghệ cao thành công nhất cả nước, hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD, xuất khẩu 5 năm qua đạt 63 tỷ USD.
Hiệu quả từ nhiều cơ chế đặc thù
Trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; trong đó, có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù. Cụ thể năm 2000, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đến năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Trong năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Chính phủ ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định về một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh...
Đặc biệt năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 (2017-2020) đã có 32 dự án được thông qua danh mục chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với diện tích hơn 1.843ha. Đã có 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng được thông qua chủ trương đầu tư. Thành phố đã thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đối với 3.359 cơ sở của 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và 3.329 cơ sở ngoài khu công nghiệp có phát sinh nước thải sản xuất ô nhiễm phải xử lý với tổng số tiền hơn 48 tỷ đồng.
Về đề án huy động vốn đầu tư xã hội, từ năm 2018-2020, thành phố đã vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài gần 14.500 tỷ đồng để đầu tư công, giảm áp lực ngân sách thành phố. Đối với cơ chế ủy quyền, thành phố đã ủy quyền 59 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố, ủy quyền 26 nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho các sở ngành, quận huyện.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chi hơn 18.000 tỷ đồng thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ tháng 7/2021, thành phố sẽ tổ chức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. Ngoài ra, hiện nay thành phố đang phối hợp với một số bộ liên quan đến thực hiện cơ chế thành phố giữ lại 50% tiền thu được từ việc tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, ngày 16/11/2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Tuy nhiên, từ năm 2009-2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường và đã chứng minh hiệu quả, công việc triển khai nhanh chóng, bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc, thời gian, quyền làm chủ của người dân luôm được đảm bảo, phát huy và tiết kiệm ngân sách.
Theo tính toán, giai đoạn 2021-2026 với việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, Thành phố sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 131/2020/QH14 là sự ghi nhận, tin tưởng và sự động viên lớn của Trung ương dành cho thành phố, tạo điều kiện để Thành phố có thể giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính của đất nước./.
Theo Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)