Thứ ba 23/04/2024 22:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Châu Á soán ngôi đắt đỏ nhất thế giới của Hong Kong

10:48 | 01/12/2021

Tel Aviv (Israel) đã trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới, soán vị trí dẫn đầu của Hong Kong (Trung Quốc), theo xếp hạng do The Economist Intelligence Unit (EIU) công bố ngày 1.12.

thanh pho chau a soan ngoi dat do nhat the gioi cua hong kong
Tel Aviv và Singapore (ảnh) là 2 thành phố Châu Á đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2021. Ảnh: AFP

Vì sao Hong Kong "tụt hạng"

Thành phố Tel Aviv của Israel lần đầu tiên tăng 4 bậc để dẫn đầu bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ nhất thế giới do đồng tiền mạnh hơn, giá hàng hóa và ôtô tăng.

Hong Kong (Trung Quốc) - thành phố từng đắt đỏ nhất thế giới - ở vị trí thứ 5 trong năm nay do giá quần áo và dịch vụ chăm sóc cá nhân, trong đó có cả giá cắt tóc, giảm.

Trong khi đó, Singapore tăng 2 bậc để xếp vị trí thứ 2 cùng với Paris (Pháp), trong khi Zurich (Thuỵ Sĩ) đứng thứ 4.

Trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới còn lại có New York (Mỹ), Geneva (Thuỵ Sĩ), Copenhagen (Đan Mạch), Los Angeles (Mỹ) và Osaka (Nhật Bản).

Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm 2021 đã so sánh 173 thành phố thông qua giá của khoảng 200 sản phẩm, bao gồm thực phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình, giá thuê nhà, phương tiện đi lại và giải trí.

thanh pho chau a soan ngoi dat do nhat the gioi cua hong kong
Hong Kong nhiều năm liền là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: AFP

Báo cáo lưu ý rằng, dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay, khi giá cước vận chuyển và giá dầu tăng cao, dẫn đến giá hàng hóa cao hơn.

Bà Upasana Dutt, nhà nghiên cứu kinh tế tại EIU, cho biết, dù hầu hết nền kinh tế khắp thế giới đang phục hồi sau dịch COVID-19 với các chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng nhiều đô thị lớn vẫn đang ghi nhận dịch bệnh tái bùng phát, khiến giới chức phải áp đặt các biện pháp hạn chế.

“Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cao hơn" - bà lưu ý. Nhu cầu tiêu dùng dao động cũng ảnh hưởng đến thói quen mua hàng và niềm tin của nhà đầu tư ảnh hưởng đến tiền tệ, tiếp tục thúc đẩy giá tăng.

Trung bình, giá hàng hóa và dịch vụ tăng 3,5% trong năm nay, đạt mức cao nhất trong 5 năm, tăng so với 1,9% của năm ngoái. Tỉ lệ lạm phát ở mức khoảng 2,8% vào năm 2019.

Chi phí vận tải có mức tăng giá lớn nhất, với giá xăng không chì tăng 21%. Hong Kong vẫn là thành phố có giá xăng đắt nhất thế giới, với một lít xăng không chì được bán với giá 2,50 USD.

Biến chủng Omicron đe dọa dự báo hiện tại

Theo báo cáo của EIU, dẫn đầu danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2021 chủ yếu là các đô thị ở Châu Âu và Châu Á đang phát triển. Những thành phố của Trung Quốc xếp ở vị trí tương đối vừa phải. Ba thành phố hàng đầu của Trung Quốc trong bảng xếp hạng năm nay là Thượng Hải (19), Thâm Quyến (22) và Bắc Kinh (36), tất cả đều tăng vài bậc so với năm ngoái.

Hầu hết các thành phố ở Mỹ đều tụt hạng sau khi chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế trong gói kích thích COVID-19, làm giảm giá trị của đồng USD với các loại tiền tệ khác.

Bà Dutt cho biết, chi phí sinh hoạt sẽ tăng hơn nữa trong năm tới khi lương tăng ở nhiều lĩnh vực, các ngân hàng trung ương cũng dự kiến tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Điều này có nghĩa là vấn đề tăng giá sẽ bắt đầu được điều chỉnh từ năm nay.

thanh pho chau a soan ngoi dat do nhat the gioi cua hong kong
Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đặt ra mối đe dọa với sự phục hồi của thế giới. Ảnh: AFP

Báo cáo EIU dự báo lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu trung bình khoảng 4,3% vào năm 2022. Chi phí sinh hoạt ở hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ ổn định nếu gián đoạn chuỗi cung ứng giảm xuống và tình trạng phong tỏa được nới lỏng.

Tuy nhiên, biến thể Omicron gần đây được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể đáng lo ngại" có thể đe dọa triển vọng này. Bà Dutt chỉ ra, có những dấu hiệu cho thấy biến thể SARS-CoV-2 mới có khả năng dễ lây lan và có độc lực hơn nhiều so với biến thể Delta. Biến thể này cũng có thể lây lan nhanh chóng trên toàn cầu trong bối cảnh một số khu vực trên thế giới đang vật lộn ứng phó với các biến thể SARS-CoV-2 cũ.

“Điều này không chỉ dẫn đến việc áp đặt các hạn chế mạnh hơn với đi lại và hoạt động mà chúng tôi dự kiến tăng lạm phát toàn cầu sẽ kéo dài hơn dự báo hiện tại" - bà nói.

Theo THANH HÀ/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load