(Xây dựng) - Ngày 17/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá tình hình, hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19 và tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách về công tác chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kiểm tra công tác sản xuất và phòng chống dịch tại Công ty TNHH NY Hoa Việt tại Hậu Lộc. |
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ 24/4-17/8, tỉnh Thanh Hóa có 180 ca mắc Covid-19, trong đó 62 ca được chữa khỏi đã xuất viện, 118 ca đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, sức khỏe ổn định, 1.215 trường hợp F1, 8.520 trường hợp F2. Về cơ sở cách ly, trên địa bàn tỉnh hiện có 254 khu cách ly tập trung. Toàn tỉnh có 309.000 người đang sống tại các tỉnh, thành khác, trong đó 31.157 người có nguyện vọng về địa phương. Theo dự báo, khoảng 10 ngày tới, sẽ có đến 28.600 người trở về địa phương.
Trong số những người đã trở về và sắp về, có rất nhiều người từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh, thành phía Nam (những vùng đã từng là “ổ dịch” và hiện đang được xác định là vùng trọng điểm dịch). Theo thống kê, trong số những ca ghi nhận mắc Covid-19 thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều là những trường hợp trở về từ các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, do làm tốt việc khai báo y tế, truy vết, khoanh vùng dập dịch nên tới nay, tất cả các ca dương tính với SASR– CoV-2 đều được phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời, không lây lan ra cộng đồng. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 liên tục được phát hiện trong 3 ngày gần đây, bao gồm: 4 ca tại khu cách ly tập trung huyện Như Xuân (sáng 16/8); 3 ca tại khu cách ly tập trung huyện Nông Cống (sáng 18/8) và 5 ca tại các khu cách ly tập trung thị xã Nghi Sơn (3 ca), tại khu cách ly tập trung huyện Như Xuân (2 ca) vào sáng 19/8. Tất cả đều là người về từ vùng dịch và đều đã chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.
Để đối phó với đại dịch Covid-19, giữ vững “vùng xanh” an toàn trong dịch bệnh, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm “2 chống, 3 xây” bao gồm: Chống chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chống dịch bệnh xâm nhập từ cộng đồng; xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn, không để bị động trong phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch để không xảy ra khủng hoảng về an sinh xã hội; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thích ứng với những diễn biến của dịch bệnh trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam, huyện Yên Định (Báo Thanh Hóa). |
Theo đó, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết. Đẩy mạnh phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiểm soát xử lý nghiêm các vụ vi phạm, nhất là các trường hợp xe ôtô, mô tô không đủ điều kiện ra vào tỉnh qua các chốt kiểm dịch, linh hoạt trong việc đón công dân từ tỉnh ngoài trở về, thực hiện tốt 5K và khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly… không để lây chéo trong khu cách ly và lây lan ra cộng đồng.
Là địa bàn trọng điểm, đóng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, thành phố Thanh Hóa hiện có tới 57.000 người đang sinh sống tại các tỉnh, thành khác, trong đó hơn 16.000 người đã trở về địa phương. Từ ngày 29/4 đến nay, đã có gần 10.000 người thực hiện cách ly y tế tại nhà, trong đó còn 643 người đang tiếp tục cách ly. Số từ vùng dịch về được cách ly tập trung 890 trường hợp, trong đó từ ngày 29/4 đến nay 589 trường hợp. Đã xong cách ly 693 người, còn lại 197 người đang cách ly, đã tiêm vắc xin đợt 3 trước ngày 15/8.
Nhằm đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo thành phố Thanh Hóa đặc biệt coi trọng, phát huy vai trò của các tổ giám sát cộng đồng, các đội tuyên truyền lưu động, đội phản ứng nhanh. Cùng với đó, UBND các phường, xã thường xuyên tổ chức các tổ tuần tra, kiểm soát liên ngành gồm: Công an, dân phòng, quy tắc đô thị, cán bộ UBND phường, xã, liên tục có mặt tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhà ga, bến xe, các khu phố hoạt động thương mại sầm uất, các tụ điểm buôn bán... vừa dùng loa nhắc nhở, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, vừa kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã xử lý phạt hành chính 853 trường hợp, với số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, tại chợ đầu mối Đông Hương, Ban quản lý chợ đã tiến hành sắp xếp lại các gian hàng thông thoáng hơn, cùng với đó, siết chặt công tác kiểm soát xe đi, đến, tiến hành test nhanh và quản lý chặt các lái xe, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với người xung quanh và thực hiện triệt để thông điệp 5K.
Một trong các chốt kiểm soát huyện Thạch Thành tại vùng sâu, vùng xa. |
Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, có địa bàn rộng, nhiều vùng hẻo lánh, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình, lại có nhiều đường nhỏ, liên xã, liên huyện dẫn đến các thôn, xã của 2 tỉnh bạn. Để phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với đặc thù của một huyện miền núi, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện đã thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành (ngoài 2 chốt của tỉnh trên đường Hồ Chí Minh), gồm 1 chốt giáp ranh với tỉnh Hòa Bình tại xã Thạch Lâm, 3 chốt giáp ranh với tỉnh Ninh Bình tại các xã Thành Yên, Thành Minh và Thành Công. Mỗi chốt gồm 9 người, chia làm 3 ca, trực liên tục 24/24 giờ.
Mặc dù phải làm việc, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, dân cư thưa thớt, không có điện, nước sạch, lều lán tạm bợ, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ, động viên của huyện, các đoàn thể xã hội và chính quyền, người dân địa phương, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt vẫn bền bỉ, kiên trì bám trụ, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, Thạch Thành cũng đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh, thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” mỗi khi nhận được thông tin về các trường hợp có người từ tỉnh ngoài, nhất là các vùng dịch bệnh trở về địa phương. Qua đó, cùng lực lượng tại chỗ kịp thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly, nhanh chóng phát hiện các trường hợp F0, F1 (nếu có), không để dịch bệnh phát sinh, lây lan tại địa bàn.
Xác định ý thức người dân, vai trò của lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, nhất là đối với địa phương miền núi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân về dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức như: Qua hệ thống truyền thanh, mạng xã hội, xe thông tin lưu động, pa nô, áp phích, bảng tin, tờ rơi… cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, thông tin sai sự thật. Những việc này đã nâng cao rõ rệt nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc về dịch bệnh Covid-19.
Về hoạt động của các Tổ giám sát cộng đồng, mặc dù, làm việc theo tinh thần tự nguyện, không có chế độ đãi ngộ, nhưng ý thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch, các thành viên Tổ giám sát cộng đồng đều làm việc hết mình, không kể thời gian, giờ giấc. Nhờ đó, tất cả các trường hợp công dân trong thôn, xóm, làng, bản từ địa phương khác trở về đều được khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly kịp thời, đúng quy định. Để động viên lực lượng này, tuy ngân sách còn hạn hẹp, nhưng UBND huyện Thạch Thành đã quyết định trích ngân sách, hỗ trợ mỗi Tổ giám sát cộng đồng 2 triệu đồng (ngoài 3 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ).
Khác với huyện miền núi Thạch Thành, trong công tác phòng chống dịch, Hậu Lộc lại có những đặc thù, khó khăn riêng của một huyện vùng biển. Đó là khó khăn về nhân lực y tế cơ sở, phần lớn mỗi xã, thị trấn chỉ có 03 cán bộ, nhân viên, không có y tế thôn. Ngoài ra, ý thức một số người dân chưa cao, nhiều người là đàn ông, trai tráng thường đi khai thác hải sản dài ngày trên biển, nhiều người từ vùng dịch trở về chưa tự giác khai báo y tế... do đó, ngoài thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ phòng chống dịch như: Test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, điều tra truy vết... Hậu Lộc đã thành lập 3 đội cơ động đáp ứng nhanh với dịch bệnh, thành lập Tổ thường trực phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện, trực 24/24 giờ trong ngày để theo dõi diễn biến, cập nhật đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày, hàng giờ, tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó.
Cùng với đó, trong công tác phòng, chống dịch, Hậu Lộc đã tập trung làm tốt công tác giám sát người đến, về địa phương từ nước ngoài, tỉnh ngoài. Đến nay, trên địa bàn huyện có 6.520 người từ nước ngoài, tỉnh ngoài về được theo dõi sức khỏe. Trong đó 5.055 người đã qua 14 ngày không có biểu hiện về dịch bệnh, 1.318 người đang theo dõi cách ly tại nhà, 147 người đang cách ly tập trung. Đáng chú ý, trong số người trở về có hàng trăm người từ các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đều được giám sát, theo dõi, kiểm tra y tế, cách ly chặt chẽ, nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, chưa có trường hợp nào phát hiện nhiễm bệnh.
Về công tác tuyên truyền, ngoài các hình thức phổ biến, các xã vùng biển của huyện còn tổ chức tuyên truyền đến tận các phương tiện khai thác hải sản mỗi khi về bến, nâng cao đáng kể ý thức về phòng, chống dịch đối với các ngư dân, hầu hết đều là trụ cột của các gia đình.
Thành phố Thanh Hóa quyên góp, ủng hộ “Hướng về thành phố mang tên Bác”. |
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch, UBND huyện Hậu Lộc đã tập trung chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhanh Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Kết quả, đến nay toàn huyện đã rà soát, lên danh sách 139 đơn vị, gồm 7.670 lao động được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số tiền tạm tính 12 tháng là gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19 gồm 21 đối tượng, số tiền 352.800.000 đồng; hỗ trợ 60 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động 180 triệu đồng. Hiện, các hồ sơ, danh sách hỗ trợ đã được trình các cấp có thẩm quyền, chờ phê duyệt của tỉnh để tiến hành chi trả.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, các cấp, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn Thanh Hóa, từ miền núi đến đồng bằng, vùng biển tùy tình hình, đặc điểm, đặc thù của mỗi địa phương, đều có những giải pháp linh hoạt, phù hợp, huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc trong nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, giữ vững “vùng xanh” an toàn, tạo điều kiện cho phát triển mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội.
Đào Nguyên
Theo