(Xây dựng) - Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của tỉnh. Ngay trong những ngày đầu tháng 5/2019, tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt bắt tay vào công tác sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC). Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay toàn bộ các địa phương trong tỉnh đều đã hoàn tất phương án sáp nhập xã, phường, thị trấn và đang tiếp tục rà soát, tính toán các phương án bố trí nhân lực, chọn địa điểm đặt công sở, đặt tên ĐVHC mới và những vấn đề liên quan.
Nhà thi đấu TDTT xã Nga Mỹ, công trình phục vụ Nông thôn mới, trị giá hơn 2 tỷ đồng, tới đây sẽ tạm thời bỏ không do sáp nhập vào thị trấn.
Để nắm bắt thực tế về công tác này đang diễn ra tại cơ sở. Những ngày vừa qua, PV Báo điện tử Xây dựng đã có chuyến đi thực tế tới một số huyện, xã, thị trấn thuộc các địa bàn miền núi, đồng bằng và vùng biển của tỉnh. Qua làm việc, trao đổi, PV cảm nhận rõ tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc cũng như sự đồng lòng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân sở tại về vấn đề này.
Tuy nhiên, ngoài tinh thần chung là phấn khởi, hồ hởi, vẫn còn không ít những suy tư, băn khoăn và cả âu lo về công việc, về tương lai phía trước. Cùng với đó là những “nỗi niềm” về nơi đặt trụ sở, về tên gọi của ĐVHC mới, bởi đối với không ít người, nhất là các vị cao tuổi, đã từ lâu tên làng, tên xã có từ xưa đã gắn với kỷ niệm tuổi thơ, với niềm tự hào của họ về quê hương, bản quán.
Làm việc với Bí thư huyện ủy huyện miền núi Cẩm Thủy Phạm Văn Tiến, được biết toàn huyện có 6 ĐVHC liên quan đến công tác sáp nhập. Trong đó, chỉ riêng xã Phúc Do sáp nhập về xã Cẩm Tân là do thiếu cả 2 tiêu chuẩn. Còn lại 2 xã Cẩm Sơn, Cẩm Phong sáp nhập về thị trấn Cẩm Thủy là thuộc diện khuyến khích theo Nghị quyết 653/2019/NQ-UBTVQH14. Sau sáp nhập, thị trấn mới mang tên Phong Sơn, có diện tích tự nhiên 34,41 km2, dân số 18.840 người. Như vậy, với sự ra đời của thị trấn mới Phong Sơn, có diện tích và dân số khá lớn, huyện Cẩm Thủy đã tính đến phương án “2 trong 1”. Đó là vừa thực hiện sắp xếp ĐVHC nhằm tạo thuận lợi trong đầu tư, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng tỷ lệ đô thị hóa theo mục tiêu của tỉnh.
Về “bài toán” bố trí, sắp xếp công chức, viên chức sau khi sáp nhập. Theo Bí thư Tiến, từ mấy năm trở lại đây, huyện đã tạm dừng việc bổ nhiệm, tiếp nhận cán bộ, công chức nhằm “để dành” những vị trí này cho những người thuộc diện dôi dư sau sắp xếp. Theo tính toán, toàn huyện sẽ có khoảng 60 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư cần bố trí công tác. Con số này gần đủ với số “ghế trống” mà huyện đã tạm dừng bổ nhiệm, tuyển dụng trong mấy năm gần đây. Như vậy, với sự chủ động từ trước, vấn đề sắp xếp nhân sự sau sáp nhập, một công tác có thể nói là nan giải, khó khăn số một trong sắp xếp ĐVHC đã được huyện Cẩm Thủy giải quyết một cách “nhẹ tênh”. Để làm được điều này, theo tâm sự của Bí thư Tiến cũng là cả một vấn đề, phải có sự thống nhất, quyết tâm cao trong Ban Thường vụ. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo phải gương mẫu, không để quan hệ cá nhân, tình cảm gia đình xen vào công việc, không nể nang trước các trường hợp nhờ vả, gửi gắm, không đưa người nhà, người thân vào bộ máy công tác.
Cũng tương tự như Cẩm Thủy, huyện vùng biển Nga Sơn có 5 ĐVHC liên quan đến sắp xếp. Trong đó, 2 xã Nga Mỹ, Nga Hưng sáp nhập về thị trấn Nga Sơn, 2 xã Nga Nhân, Nga Lĩnh sáp nhập với nhau, lấy tên mới là Nga Phượng. Theo Bí thư Huyện ủy Mai Thanh Hải cho biết: “Để công tác sắp xếp, sáp nhập diễn ra thuận lợi, trước khi lấy ý kiến thăm dò đến từng hộ gia đình, huyện đã tập trung làm kỹ khâu tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên. Nhờ đó đã đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân với tỷ lệ đồng ý lên tới gần 100% về chủ trương sáp nhập cũng như phương án thực hiện. Đối với vấn đề sắp xếp nhân sự, ngoài một số “ghế trống” do tạm dừng việc bổ nhiệm, tiếp nhận cán bộ từ năm 2016 trở lại đây và vận động một số trường hợp về nghỉ trước tuổi, về thôi việc. Đối với số dôi dư sau sáp nhập, huyện đã giao cho Phòng Nội vụ tham mưu việc bố trí cán bộ, công chức. Giao các đoàn thể tham mưu sắp xếp các chức danh lãnh đạo của đơn vị mình. Đồng thời, xin ý kiến tỉnh về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện”.
Bí thư Đảng ủy xã Nga Mỹ Lê Văn Mão, người xin về hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho lớp kế cận.
Sau khi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, chúng tôi đã gặp, trao đổi với một số cán bộ chủ chốt xã Nga Mỹ, địa phương sẽ sáp nhập vào thị trấn Nga Sơn. Theo thông tin của Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Mão, nếu theo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì Nga Mỹ không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị hóa nên việc sáp nhập là cần thiết. Với tỷ lệ cử tri tán thành lên tới 99,97%, mọi khâu chuẩn bị cho việc sáp nhập tại đây đang diễn ra khá thuận lợi. Về tâm tư, nguyện vọng cá nhân, ông Mão cho biết, sau những đêm trăn trở, suy tư, cân nhắc, mặc dù về tuổi tác, ông vẫn có thể tái cử thêm một nhiệm kỳ đại hội. Nhưng vì sự nghiệp chung, để tạo thuận lợi cho tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ kế cận, ông đã quyết định gạt bỏ “cái tôi” của mình, quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi. Được biết, ngoài Bí thư Mão, 2 cán bộ chủ chốt khác của Nga Mỹ là Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Tiến và Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Xuân Dục, dù còn tuổi công tác vẫn quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi.
Là một huyện lớn, nằm tiếp giáp giữa vùng đồng bằng và miền núi của tỉnh. Huyện Thọ Xuân có tới 20 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp, sáp nhập thành 9 xã, thị trấn mới. Trong đó, có một số xã mới hình thành từ 3 xã sáp nhập lại và 3 xã sáp nhập vào 3 thị trấn. Sau sáp nhập, toàn huyện còn 30 xã, thị trấn, giảm 11 xã so với hiện nay. Trao đổi về công tác này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ thư ký, giúp việc; thành lập 9 Tổ chỉ đạo tại 9 cụm xã diện sáp nhập với thành phần chính là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghi quán triệt, hội nghị tập huấn các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện và nghiệp vụ về công tác sáp nhập ĐVHC cho cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức lấy phiếu xin ý kiến nhân dân, nhờ thực hiện bài bản các bước chuẩn bị, nhất là công tác tuyên truyên truyền, vận động, qua thăm dò, gần 100% cử tri đều đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập”.
Nói về quá trình chuẩn bị cho sáp nhập, Bí thư Huyện ủy cho biết: “Những việc cần làm đều đã làm, phương án chung cũng đã được xây dựng chi tiết, công phu, phù hợp với thực tiễn địa phương. Việc chọn trụ sở, đặt tên cho ĐVHC mới cũng đã được bàn bạc và thống nhất. Với sự quyết tâm, đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, công tác sắp xếp ĐVHC chắc chắn sẽ hoàn tất đúng lộ trình đã định”. Tuy nhiên, điều làm ông cũng như nhiều anh em trong tập thể lãnh đạo huyện băn khoăn, suy nghĩ nhiều nhất là công tác sắp xếp, bố trí công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, thị trấn. Với 11 xã giảm sau sáp nhập, số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư rất lớn.
Gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp, nhất là với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Sau sáp nhập, những người diện dôi dư nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, người hoạt động không chuyên trách sẽ đi đâu, làm gì để ổn định cuộc sống? Vẫn biết, Trung ương và tỉnh đã nhìn thấu vấn đề này và có chế độ hỗ trợ cho họ, nhưng như thế vẫn chưa đủ vì nhiều người trong số này vẫn còn trẻ với cả chặng đường dài khó khăn phía trước. Trước vấn đề nan giải này, huyện đang tích cực tìm mọi phương án và xin ý kiến tỉnh để có hướng tháo gỡ.
Phó Chủ tịch thị trấn Thọ Xuân Lê Ngọc Sỹ cho biết, sẵn sàng “nhận bất cứ công việc gì được tổ chức phân công”.
Tạm biệt Bí thư Huyện ủy, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân Lê Ngọc Sỹ. Được biết, mọi công việc chuẩn bị cho công tác sáp nhập tại đây đã hoàn tất, 100% cử tri nhất trí với việc sáp nhập, bà con chỉ băn khoăn là tới đây, trụ sở thị trấn mới chuyển về xã Hạnh Phúc (cách 2 km) sẽ bất tiện khi có việc lên chính quyền. Thêm điều nữa là việc sẽ phải thay thế các loại giấy tờ cá nhân, hộ gia đình như thẻ căn cước, hộ khẩu như thế nào… Nói về nguyện vọng cá nhân, Phó Chủ tịch Sỹ trả lời không chút băn khoăn: “Nếu đủ điều kiện tôi đã xin nghỉ hưu, nhưng do chưa đủ năm công tác nên không thể. Tôi đã xác định tư tưởng từ trước nên không có gì phải suy nghĩ, sẵn sàng nhận bất cứ việc gì được tổ chức phân công”.
Như vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, “cuộc cách mạng” sắp xếp ĐVHC của Thanh Hóa chắc chắn sẽ hoàn thành thắng lợi. Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo của “chiến dịch” này sẽ còn không ít khó khăn, thách thức vì liên quan đến công việc, cuộc sống, tâm tư của nhiều người, cả nhân dân và cán bộ, đảng viên.
Qua trò truyện, tâm sự, chúng tôi biết, để có quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi, về thôi việc hay sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì, những cán bộ đang công tác ở xã, thị trấn đã phải trải qua nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ cân nhắc giữa cái chung và cái riêng. Bên cạnh đó, việc sáp nhập xã, phường, thị trấn cũng nảy sinh một số vấn đề như việc chọn tên ĐVHC mới sao cho phù hợp, được người dân nhất trí. Thêm nữa, nhiều xã diện sáp nhập đã đạt chuẩn Nông thôn mới, có cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, trong đó có trụ sở UBND, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể dục thể thao… đầu tư kinh phí nhiều tỷ đồng, sau sáp nhập sẽ bỏ không, sẽ phải tính toán thế nào để bớt lãng phí tiền của của Nhà nước, nhân dân.
Đào Nguyên
Theo