(Xây dựng) - Thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 – 2021 được ban hành, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa đã lập tức bắt tay vào cuộc, chạy đua với thời gian để đạt mục tiêu hoàn thành công tác này trước ngày cuối cùng của năm 2019.
Bài 1: Khởi động và “chạy đà” thuận lợi
Công sở xã nông thôn mới Nga Mỹ được đầu tư xây dựng mới sẽ tạm thời “bỏ trống” sau khi sáp nhập với thị trấn Nga Sơn.
Để triển khai “cuộc cách mạng” quan trọng này, ngày 4/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã ký Quyết định phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh. Theo phương án đã được phê duyệt, mục tiêu chung của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã (sáp nhập các xã, thị trấn chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số) nhằm: Tổ chức hợp lý ĐVHC phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khả năng quản lý của cơ sở; gắn với việc mở rộng, thành lập đô thị để tăng tỷ lệ đô thị hóa theo mục tiêu đề ra; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, tinh giản biên chế (10% so với hiện nay); nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ cơ sở…
Để đạt mục tiêu trên, theo phương án chung, việc sáp nhập, sắp xếp phải tuân thủ các nguyên tắc bao gồm: Sau sắp xếp, các đơn vị mới phải đạt diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị địa phương sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, điều lệ tổ chức chính trị - xã hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tên ĐVHC mới phải phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển, được sự thống nhất cao của nhân dân... Ngoài ra, phương án sắp xếp, sáp nhập cũng tính đến các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của đội ngũ công chức, viên chức cấp xã.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng làm việc với Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy Phạm Văn Tiến về công tác sắp xếp ĐVHC mới.
Căn cứ thực tế địa phương, theo phương án, toàn tỉnh sẽ sắp xếp, sáp nhập 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị (11,9%), thành lập thêm một thị trấn. Theo đó, sau sắp xếp toàn tỉnh có 559 ĐVHC cấp xã, gồm 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn, ngoài TP Sầm sơn không thuộc diện sắp xếp, còn lại tất cả các huyện, thị, thành phố đều có ĐVHC phải sắp sếp. Trong đó, huyện Thọ Xuân là đơn vị có số xã, thị trấn liên quan đến sắp xếp cao nhất, với 20 xã, thị trấn sáp nhập thành 9 xã, thị trấn, tiếp đến là Hoằng Hóa với 11 xã, thị trấn trong diện sắp xếp, sáp nhập thành 5 xã, thị trấn.
Về giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã: Đối với tổ chức Đảng, sắp xếp tương ứng với ĐVHC mới. Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy chỉ định Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy của ĐVHC cấp xã mới. Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) do ban Thường trực UBMTTQ huyện hiệp y với Đảng ủy xã quyêt định thành lập UBMTTQ ĐVHC cấp xã mới; công nhận danh sách Ủy viên ủy ban, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp xã (lâm thời). Các Đoàn thể chính trị - xã hội được sắp xếp tương ứng với ĐVHC mới. Đối với tổ chức chính quyền địa phương, Đại biểu HĐND các ĐVHC xã trước khi sắp xếp hợp thành ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2016 – 2021; UBND đơn vị mới do HĐND bầu theo quy định tại Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cùng với các công tác trên, việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, có thể nói là vấn đề hết sức quan trọng, tác động đến việc làm, đời sống, tâm tư của nhiều người, từ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến các đoàn thể chính trị - xã hội, những cán bộ không chuyên trách... Theo đó, ngoài tối đa 12 chức danh gồm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND (1 hoặc 2 người), HĐND, lãnh đạo các Đoàn thể chính trị - xã hội. Hướng giải quyết sắp xếp, bố trí số người dôi dư sau sáp nhập giai đoạn 2020 – 2025 (ước tính có thể lên tới hàng nghìn người), cũng đã được xem xét, tính toán với các phương án cụ thể gồm: Bố trí đến các xã còn thiếu cán bộ; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã; tuyển dụng vào công chức cấp huyện, làm viên chức các xã còn thiếu; nghỉ hưu theo quy định, tinh giản biên chế nếu đủ điều kiện và có nguyện vọng.
Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Thông qua phương án tổng thể được xây dựng, nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng và phù hợp với thực tiễn địa phương. “Chiến dịch” sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Thanh Hóa đã được khởi động và có bước “chạy đà” trơn tru, thuận lợi. Chỉ một thời gian ngắn sau khi UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt phương án tổng thể, tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã lập tức bắt tay vào việc nhằm hoàn thành công tác sắp xếp, sáp nhập ĐVHC theo đúng lộ trình đã định. Đáng chú ý, việc lấy ý kiến cử tri đã cho thấy sự đồng thuận rất cao trong các tầng lớp nhân dân về công tác này.
Tuy nhiên, để đi đến đích trong một thời gian có thể nói là rất gấp rút, với “hàng núi” công việc phải giải quyết, nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến đời sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của rất nhiều đối tượng, đến truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương... mục tiêu hoàn thành công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã của Thanh Hóa vào ngày cuối cùng của năm 2019 sẽ còn gặp không ít gian nan, thách thức.
Đào Nguyên
Theo