Thứ bảy 20/04/2024 11:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Nghệ sỹ, diễn viên nghệ thuật truyền thống “sống mòn” trong đại dịch

08:32 | 21/07/2021

(Xây dựng) - Khoảng 20 năm trở lại đây, do sự bùng nổ của hàng loạt loại hình vui chơi, giải trí, cùng với sự ra đời của mạng internet, sự thay đổi thị hiếu của khán giả,... nền nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Cùng với đó, đời sống, thu nhập của các nghệ sỹ, diễn viên bộ môn này ngày càng khó khăn. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 bùng phát lại càng khiến những người theo “kiếp cầm ca”, thêm lao đao, vất vả trong cuộc mưu sinh.

thanh hoa nghe sy dien vien nghe thuat truyen thong song mon trong dai dich
Nghệ sỹ nhân dân Hàn Văn Hải – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.

Xa rồi “những ngày xưa thương nhớ”

Theo các “lão làng” giới nghệ thuật truyền thống. Từ giữa những năm 1980 của thế kỷ XX trở về trước, trở thành diễn viên các đoàn nghệ thuật như Cải lương, Tuồng, Chèo là niềm mơ ước của rất nhiều người trẻ và cả người không còn trẻ.

Thời ấy, nhà nào ở quê có con, cháu theo nghề này tha hồ danh giá, các cô, cậu diễn viên (nhất là các cô) mỗi khi về nhà đều quần là áo lượt, phấn son rực rỡ, đẹp như tiên trong mắt các trai làng. Vì thế, vào buổi tối trong những dịp này, nhà các nàng luôn là điểm hẹn của các gã trai thuộc dạng “máu mặt” của làng. Ngự trên những chiếc xe “Mô - kích” xả khói xanh lè, các chàng trai đầu bóng mượt, miệng ngậm thuốc lá thơm “Sông Cầu” nườm nượp vào ra, tíu ta tíu tít làm các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng hãnh diện, dù bận nấu nước chè xanh đãi khách, nhưng môi vẫn thường trực nụ cười mãn nguyện. Chỉ khổ cho lũ chó mẫn cán cứ phải sủa liên hồi từ sẩm tối cho đến mãi 10h đêm, lắm con sủa nhiều, chạy nhiều đến mức kiệt sức lăn ra ốm.

Không thua kém các nữ diễn viên, các chàng diễn viên cũng tha hồ đắt giá, tuy không giàu có nhưng về độ “hót” vẫn có thể sánh ngang với các trai tơ đi xuất khẩu lao động nước ngoài về, hay lượn xe máy vè vè trên đường. Đối với nhiều gái làng, các chàng trai này đã ăn diện, lại còn lịch sự, hào hoa, nói năng như “rót mật vào tai”. Do đó, lấy được tấm chồng diễn viên luôn là niềm mơ ước ngọt ngào, cháy bỏng của các cô.

Trong ký ức của nhiều người cao tuổi. Những buổi biểu diễn của các đoàn văn công tỉnh hay những tối có chiếu phim luôn là những kỷ niệm không quên. Mỗi khi có đoàn về, cả làng quê lại trở nên rộn ràng, huyên náo, nhà nhà, người người tranh thủ ăn cơm sớm để còn kịp tìm chỗ ngồi tốt gần sân khấu. Trong suốt thời gian các đoàn lên màn biểu diễn, khán giả ngồi dán mắt lên sân khấu, lúc cười hớn hở, khi khóc sụt sùi, rồi lo âu và phấn khích tùy theo diễn biến của vở diễn, của nhân vật. Những vở tuồng, chèo, cải lương như “Triệu Trinh Nương”, “Quan âm thị Kính”, “Thạch Sanh đánh trăn tinh”, “Lưu bình – Dương Lễ”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “ Đời cô Lựu”... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhiều khán giả xem đi xem lại đến thuộc lòng nhưng vẫn không chán, lắm cụ già “gần lên nóc tủ” vẫn nhớ như in từng lời thoại, từng giọng ca của các nhân vật.

Đến nỗi buồn “khán giả quay lưng”

Sau thời huy hoàng, từ đầu những năm 2000, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập. Do những tác động của kinh tế thị trường, cùng với sự bùng nổ của các loại hình giải trí mới, sự “lên ngôi” của interrnet, sự thay đổi thị hiếu của khán giả, chủ yếu là lớp trẻ, cùng với chế độ đãi ngộ dành cho các diễn viên, sự quan tâm của nhà nước trong việc đào tạo diễn viên của các trường nghệ thuật... nghệ thuật truyền thống dần đi vào cảnh “chợ chiều đìu hiu”.

Không thể “ăn cháo cầm hơi” để theo đuổi đam mê nghệ thuật, hầu hết các nghệ sỹ, diễn viên nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã phải lăn lộn, tìm việc làm thêm nhiều nghề tay trái để mưu sinh. Tùy khả năng, sở trường của mình, mỗi người đều cố tìm lấy một công việc phù hợp, bất kể vất vả, thị phi. Người còn trẻ, có thanh sắc thì đi hát tại các đám cưới, sự kiện…

Ngoài ra, có một số ít trở thành bầu show, chuyên tổ chức sự kiện kiêm MC trong các đám cưới, đám ma, tiệc mừng. Trong số đó, nghệ sỹ ưu tú P.K, sau một thời gian “thử việc”, khi về hưu đã trở thành một MC đám ma chuyên nghiệp. Nhờ trời phú cho giọng nói trầm ấm, truyền cảm, ông P.K dần dần đã “đánh bật” các MC của các “hãng” chuyên làm đám ma trọn gói, trở thành nhân vật quen thuộc của các gia đình ở thành phố mỗi khi nhà có đám hiếu.

Cũng tương tự như nghệ sỹ P.K, chàng diễn viên cải lương trẻ tên H.H lại lấy “nghề tay trái” nhưng cho thu nhập chính là MC đám cưới để tiếp tục “nuôi dưỡng” giấc mơ nghệ thuật. Nhờ có ngoại hình tốt, lại hoạt ngôn và có tài làm thơ “con cóc”, từ chỗ ban đầu chỉ đơn thuần dẫn chương trình, dần dần anh đã tiến lên thành lập hẳn một ê kíp, bao gồm các ca sỹ, người bê quả hộp, đội ngũ nam thanh nữ tú đội mâm lễ vật, chuyên bao trọn gói khoản “văn hóa tinh thần” cho các đám cưới, nạp tài, sự kiện.

Không may mắn như hai trường hợp trên, anh V.L, nhạc công đoàn nghệ thuật Tuồng, sau nhiều năm lay lắt với nghề, đã quyết định “bỏ cuộc chơi” (dù rất đam mê) để về quê, làm thuê cho một xưởng may. Anh tâm sự “Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm lối thoát, tôi đành chấp nhận bỏ đoàn, cất vào tủ cây kèn đã gắn bó với mình một thời tuổi trẻ để có cuộc sống ổn định hơn”.

Tuy nhiên, dù làm gì, thu nhập ra sao, nhưng hầu hết các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công nhà hát đều chung niềm khao khát được hóa thân vào các nhân vật dưới ánh đèn sân khấu. Đã trót đam mê nghiệp diễn viên, với họ, việc không được lên sàn diễn, không được biểu diễn là một nỗi buồn khôn tả.

Sau những năm hoạt động riêng lẻ, trước những khó khăn do biến động của thời cuộc, mô hình các đoàn tuồng, chèo, cải lương không còn phù hợp với tình hình mới. Ngày 27/2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát được thành lập từ sự hợp nhất của ba đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và bổ sung thêm đoàn Dân ca – Dân vũ

thanh hoa nghe sy dien vien nghe thuat truyen thong song mon trong dai dich
thanh hoa nghe sy dien vien nghe thuat truyen thong song mon trong dai dich
Những đêm sáng đèn sân khấu nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ trở thành hoài niệm.

“Sống mòn” trong thời Covid

Việc ra đời Nhà hát nghệ thuật truyền thống tưởng chừng như sẽ đem lại “làn gió mới” cho bộ môn nghệ thuật tinh hoa của dân tộc, được cha ông chắt lọc, sáng tạo từ bao đời truyền lại cho hậu thế. Tuy nhiên, sau ngày ra mắt ít lâu, khi mà những dự định đầy hứa hẹn còn đang chưa kịp triển khai, những khó khăn vẫn bộn bề chưa được tháo gỡ, đời sống của anh em cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát vẫn chưa được cải thiện thì đại dịch Covid-19 quái ác ập tới, làm cả thế giới chao đảo, giáng đòn chí mạng vào cuộc sống của mọi người, mọi nhà. Trong đó có anh chị em nghệ sỹ, diễn viên.

Trao đổi với chúng tôi, Nghệ sỹ nhân dân Hàn Văn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cho biết, khi chưa có dịch Covid, đời sống của nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát đã khó khăn, nay càng bội phần khó khăn. Theo ông Hải, Nhà hát của ông là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên phải cố gắng xoay sở để lấy thu bù chi. Từ năm 2015 trở về trước, ngoài chế độ lương, mỗi năm các đoàn đều được tỉnh cho “một vở kế hoạch”, tức là rót kinh phí để đoàn dàn dựng, tập luyện, đưa ra công diễn một tác phẩm. Nhưng sau do kinh phí hạn chế nên tỉnh cắt.

Không khoanh tay ngồi than thở, trước và sau khi sáp nhập, các đoàn đều chạy vạy ngược xuôi, phát huy mọi mối quan hệ để ký hợp đồng lưu diễn với các địa phương, đơn vị mỗi khi có sự kiện (ngày thành lập, đón Huân Huy chương, các danh hiệu …) để tổ chức biểu diễn. Các buổi diễn này, đều không bán vé (nếu bán sẽ không có ai xem) dù kinh phí ký hợp đồng trọn gói với bên A thường chỉ khoảng trên chục triệu, nhưng cố gắng tằn tiện, trừ chi phí cũng còn dôi ra được chút ít, vừa bồi dưỡng cho anh em, vừa trích một chút vào quỹ công đoàn hoặc mua trang phục, đạo cụ, vừa gom góp trả lương cho số lao động hợp đồng.

Ngoài đi diễn lưu động (chủ yếu là địa bàn miền núi, vùng sâu) vì ở thành phố, thị trấn không có khán giả. Khi chưa có dịch, vào trước kỳ hội diễn hàng năm, các đoàn đều được rót kinh phí để ra vở mới, đem đi thi tài ngoài Hà Nội và nếu giành được huy chương Vàng, Bạc, Đồng, sẽ được thưởng một món tiền, tuy không nhiều nhưng cũng khá lớn đối với “con nhà nghèo”. Theo kế hoạch, nếu bệnh dịch được khống chế, vào tháng 11/2021 này, đoàn Nghệ thuật Cải lương của Nhà hát sẽ tham gia Hội diễn Cải lương toàn quốc tại Hà Nội. Hiện, anh em đang háo hức chờ để chuẩn bị dàn dựng, tập luyện tác phẩm mới, mong mỏi tình hình bệnh dịch có chuyển biến tốt, để lại được “hồi sinh” trong ánh đèn sân khấu, được “khóc, cười” cùng nhân vật và trùng phùng với bạn bè, đồng nghiệp từ Bắc đến Nam.

Trở lại với hiện tại, sau những “ngày vui ngắn chẳng tày gang” được về ngôi nhà mới là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống. Dịch Covid bùng phát đã khiến đời sống của phần lớn anh chị em nghệ sỹ diễn viên nói chung và các đoàn nghệ thuật truyền thống nói riêng đã khó càng thêm khó. Lệnh giãn cánh xã hội ban ra, không còn những đám cưới, những sự kiện được tổ chức linh đình, không còn những đám hiếu nỉ non tiếng nhạc bát âm. Cùng với đó, hàng loạt lễ hội truyền thống hàng năm của tỉnh như Lễ Hội Lam Kinh, Lê Hoàn, Lễ hội đền Bà Triệu… cũng tạm dừng do bệnh dịch, đồng nghĩa với cơ hội tập luyện, biểu diễn, nhận tiền bồi dưỡng của anh chị em nghệ sỹ, diễn viên cũng không còn. Kéo theo đó, các MC đám cưới, đám ma cùng những ca sỹ, nhạc công, đội ngũ phục vụ bưng bê quả hộp, đội mâm lễ vật… đều lâm cảnh thất nghiệp vô thời hạn.

Không chấp nhận “đầu hàng” dịch bệnh. Anh chị em nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát truyền thống, tùy điều kiện, hoàn cảnh, người người đều gắng lăn lộn, tìm cho mình một công việc tạm thời…

Trở lại với cuộc trò truyện cùng Giám đốc Nhà hát kịch truyền thống Thanh Hóa Hàn Văn Hải. Theo ông, mặc dù khó khăn bội phần, nhưng nhìn ra xã hội, các nghệ, sỹ, diễn viên Nhà hát vẫn có thu nhập từ đồng lương, vẫn còn “sướng chán” so với người lao động tự do, người buôn bán nhỏ, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Chỉ thương các em trẻ thuộc diện hợp đồng, mặc dù được đào tạo bài bản, có năng khiếu và đam mê, nhưng chưa được vào biên chế, lâu nay Nhà hát không có nguồn thu để trả lương, phải sống vất vả phụ thuộc vào gia đình. Không biết với thực tại ảm đạm này, liệu các em có còn đủ sức theo đuổi niềm đam mê của mình nữa không?

Nhân nói đến các diễn viên diện hợp đồng, nghệ sỹ Hải tâm tình thêm về nỗi lo lớn nhất của lãnh đạo Nhà hát cũng như các nghệ sỹ lớn tuổi. Đó là thực trạng đáng báo động về sự “cạn kiệt” tài năng, không có đội ngũ kế cận của các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Theo ông, dịch bệnh Covid rồi cũng sẽ qua đi cùng với những khó khăn nhất thời, nghệ thuật truyền thống, tinh hoa “hồn cốt” của dân tộc dù đang trong cơn bĩ cực, tạm thời bị khán giả thờ ơ nhưng nhất định sẽ được phục hồi, được người xem đón nhận trở lại như xưa. Tuy nhiên, nếu không có đội ngũ kế cận, nếu những diễn viên trẻ, tâm huyết, được đào tạo bài bản lần lượt “dứt áo ra đi”, nghệ thuật truyền thống liệu có còn tồn tại?

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load