Thứ ba 08/10/2024 12:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thanh Hóa: Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, bao giờ người dân được “an cư lạc nghiệp”

10:07 | 14/11/2018

(Xây dựng) – Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình lên đây lập nghiệp, nhưng trải qua gần 10 năm, các hộ dân tại đây vẫn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn…


Một ngôi nhà quanh năm khóa cửa thuộc Làng Thanh niên lập nghiệp.

Nằm trong 18 dự án (DA) “Làng Thanh niên lập nghiệp” được Trung ương Đoàn triển khai từ năm 2007 - 2013, tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, thuộc vùng đặc biệt khó khăn dọc đường mòn Hồ Chí Minh, Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, có diện tích 600ha, thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như xuân, do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phụ trách và quản lý, tổng kinh phí đầu tư gần 32 tỷ đồng.

Là một trong những chương trình DA lớn, dành cho thanh niên phát triển kinh tế thuộc hệ thống Đoàn Thanh niên, có sự quản lý, chỉ đạo từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

DA Làng Thanh niên lập nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, cuộc sống ổn định cho các hộ gia đình trẻ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn.

Theo anh Nguyễn Gia Cường, người đã có mặt tại đây từ năm 2010 đến nay, hiện là Trưởng thôn Thanh Niên, thuộc cụm dân cư số 2, Làng thanh niên lập nghiệp cho biết: Mỗi hộ dân đến đây được cấp 400m2 đất ở, 3ha đất canh tác, được hỗ trợ 3 gia đình một giếng khoan, một bể nước sinh hoạt 10m3.

Ngoài ra, nếu theo quy định của Nhà nước (theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững – 30A), còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ sản xuất (về cây, con giống, vật tư…) dành cho đối tượng vùng đặc biệt khó khăn (vùng 135). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hầu như các hộ dân tại đây đều không được nhận gì từ các chế độ, chính sách này.

Trong khi đó, nước sạch không đủ dùng vì sau một thời gian sử dụng, các giếng nước đều khô cạn. Nước tưới phục vụ sản xuất cũng không có, con cái sinh ra không được hưởng bảo hiểm xã hội (dành cho trẻ dưới 6 tuổi), không có các chính sách an sinh xã hội. Thậm chí các cháu cũng không được uống Vitamin A vì không có trong danh sách, người chết cũng chưa có nghĩa trang chôn cất…

Đặc biệt, bà con cần vay vốn để phát triển sản xuất cũng không được, vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Do cuộc sống quá khó khăn, thu nhập chính chỉ dựa vào vài vườn sắn, mía, cây ăn quả thì bấp bênh, nên nhiều hộ dân đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhiều hộ khác còn bám trụ thì cũng trong tình trạng “chân trong chân ngoài”, chỉ ở nhà khi đến kỳ thu hoạch sắn, mía, dành phần lớn thời gian để đi làm thuê, làm mướn khắp nơi.


Trụ sở Tổng Đội Thanh niên xung phong, Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.

Cũng theo Trưởng thôn Cường, cách đây vài năm, trên Tổng đội có thông báo, mời các hộ lên tham dự mô hình DA chăn nuôi bò sinh sản. Tuy nhiên, khi triển khai thấy có đưa về một số bò giống, nhưng số bò này để trên Tổng đội, bà con không ai được nhận, sau đó ai nuôi, còn hay đã bán cũng không ai biết?

Cũng chung tâm trạng buồn như Trưởng thôn Cường, anh Lê Đình Thành, cụm dân cư số 2 cho biết: Anh quê gốc Hoằng Hóa, lên đây từ ngày thành lập Làng Thanh niên. Mười mấy năm lao động, gắn bó với quê hương mới, hy vọng và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, nhưng cuộc sống vẫn quanh năm khó khăn, thiếu thốn đủ bề.

Chỉ đơn giản như việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, bà con phải nhờ người khác đứng tên mới mua được bảo hiểm y tế tự nguyện. Nhiều người muốn vay vốn phát triển sản xuất cũng không thể vì không sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Vì thế, nhiều người đã bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Theo người dân, cụm dân cư số 2 có tổng số 54 hộ dân, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng một nửa ở lại, trong số này, lại có khoảng hơn chục hộ thường xuyên đóng cửa, đi làm ăn xa.

Theo chân anh Thành dạo một vòng quanh cụm dân cư số 2. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà tường xây gạch, mái lợp fibro xi măng, diện tích khoảng vài chục m2, những mảnh vườn tạp lơ thơ vài cây bưởi diễn, cam quýt, vài chú lợn còi thơ thẩn kiếm ăn trên những vạt đồi sắn trải dài.

Trong đó, nhiều ngôi nhà vắng chủ lâu ngày, cửa khóa gỉ sét và núp trong cây dại… thực tại như một bức tranh buồn nơi Làng Thanh niên. Đã gần 10 năm, thời gian đủ để những thanh niên lập nghiệp năm xưa đi qua nửa cuộc đời, có thể gây dựng cho mình một cơ ngơi đầy đủ.

Nhưng cuộc sống của những người dân này vẫn chưa hết bấp bênh, chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi của một công dân, chưa thể “an cư” để “lạc nghiệp”.


Phóng viên Báo điện tử Xây dựng làm việc với Chủ tịch xã Xuân Hòa.

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn cho biết: Ngày 05/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập thôn Thanh Niên, thuộc xã Xuân hòa, huyện Như Xuân, trên cơ sở cụm dân cư số 2, Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, với diện tích 600ha, 124 hộ, 320 khẩu.

Trên cơ sở đó, số hộ dân của thôn Thanh Niên đã được bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng toàn bộ diện tích đất đai thuộc DA vẫn thuộc quản lý của Tỉnh Đoàn.

Trước nhu cầu và kiến nghị của người dân, UBND xã cũng như huyện đã nhiều lần có văn bản, đề nghị Tỉnh Đoàn Thanh Hóa bàn giao diện tích đất thuộc DA về địa phương để quản lý, hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ.

Nhưng đến nay, mặc dù đã qua nhiều lần làm việc, nhiều cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của các cấp, ngành hữu quan và cả ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nguyện vọng chính đáng của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết.

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hoàng Văn Thanh cho biết: Về DA Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, mỗi hộ gia đình tham gia đều đã được cấp đất ở, đất sản xuất theo đúng quy định. Về nước sinh hoạt, theo DA thì cứ 3 hộ dân đã được cấp một giếng + bể chứa nước 10m3.

Tuy nhiên, thời gian đầu tất cả các giếng khoan, khi bàn giao cho dân đều có nước, sau một thời gian, giếng cạn, Tỉnh Đoàn dù rất muốn hỗ trợ người dân nhưng không có kinh phí (không có trong danh mục của DA), về nước sản xuất cũng vậy, người dân muốn có nước phải tự đầu tự sửa chữa, đầu tư.

Đối với vấn đề sản xuất, thời gian đầu, Ban Quản lý DA đã đứng ra tín chấp, bảo lãnh cho các hộ vay vốn sản xuất, nhưng sau đó đã quen thì dân tự lo.

Cũng theo Phó Bí thư Thanh, kể từ ngày thành lập thôn Thanh Niên, bàn giao về cho xã quản lý, các hộ dân của thôn này đã đã hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước như mọi người dân sở tại. Trong đó có các chế độ về BHYT, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh.

Riêng vấn đề bàn giao đất để từng bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ, trên cơ sở đề nghị của huyện, các ngành chức năng, UBND tỉnh đã có văn bản về việc thu hồi đất DA Làng Thanh niên lập nghiệp tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân.

Theo đó, giao Tỉnh Đoàn phối hợp với xã và huyện, kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể diện tích, vị trí đất… cần bàn giao diện tích đất về địa phương quản lý làm cơ sở giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và diện tích cần giữ lại để Tổng đội Thanh niên xung phong làm kinh tế.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó, ngày 7/9/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã có công văn, thống nhất chủ trương bàn giao kết quả Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, giao cho Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết vấn đề này.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương. Hy vọng, nguyện vọng muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân thôn Thanh Niên, thuộc Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sẽ sớm được đáp ứng. Qua đó, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống trên vùng quê mới.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load