(Xây dựng) - Ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký Quyết định số 788/QĐ-BXD công nhận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Quyết định công nhận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Theo đó, đô thị Tĩnh Gia bao gồm toàn bộ địa bàn Tĩnh Gia cũ với tổng diện tích 45.561ha, gồm 33 xã và một thị trấn. Trong đó, khu vực nội thị dự kiến gồm thị trấn Tĩnh Gia và 21 xã: Hải Châu, Hải Ninh, Triều Dương, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Nhân, Hải Hòa, Bình Minh, Hải Thanh, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Hải Bình, Tĩnh Hải, Mai Lâm, Nghi Sơn, Nguyên Bình, Yến Thượng và Trường Lâm.
Trong năm qua, công tác xây dựng và phát triển Tĩnh Gia trở thành đô thị động lực về kinh tế - xã hội luôn được các cấp, ngành của tỉnh và huyện quan tâm. Quy hoạch vùng nam Thanh – bắc Nghệ đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg, ngày 16/9/2009. Theo đó định hướng đến năm 2025 sẽ hình thành TP Nghi Sơn.
Theo Đề án đã được phê duyệt, đô thị Tĩnh Gia cách Hà Nội 200km, có QL1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, có cảng biển nước sâu Nghi Sơn – Hòn Mê, đặc biệt có Khu kinh tế Nghi Sơn với nòng cốt là nhà máy lọc – hóa dầu Nghi Sơn và là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm ven biển được Chính phủ lựa chọn đầu tư tập trung giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với đó, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra Quyết định phê duyệt quy hoạnh đô thị Tĩnh Gia đến năm 2035. Theo đó, trong tương lai gần, đây sẽ là đô thị động lực gắn với phát triển kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, lấy công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản làm trọng tâm, gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, được vận hành theo cơ chế đặc biệt. Đồng thời đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao thương hàng hóa, kết nối vùng bắc Lào, đông bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia, quốc tế qua hệ thống đường bộ và cảng nước sâu Nghi Sơn.
Với những lợi thế trên, Tĩnh Gia trong những năm gần đây đã liên tục bứt phá, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt gần 60%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng; về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đang đóng vai trò chủ lực với tỷ lệ tới 88,6%. Trở thành đô thị loại IV sẽ là thời cơ thuận lợi để Tĩnh Gia phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế - xã hội trong những năm tới đây.
Đào Nguyên
Theo