- Thanh Hóa: Cần “mạnh tay” với hành vi coi thường pháp luật của Cty Công Thanh
- Thanh Hóa: Biệt thự “khủng” không phép “mọc” trên đồi, Cty Công Thanh coi thường pháp luật
(Xây dựng) - Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phản ánh về tòa biệt thự “khủng” và khu nhà ở công nhân của Cty CP Tập đoàn Công Thanh (Cty Công Thanh) xây dựng khi chưa được cấp phép. Tiếp tục tìm hiểu, được biết ngoài 2 công trình được phản ánh trước đó thì doanh nghiệp này còn có hàng loạt dự án triển khai dở dang, kéo dài cùng nhiều vi phạm khác về trật tự xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Nhà máy Xi măng công Thanh
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, hiện Cty Công Thanh có 10 dự án (DA) đã và đang triển khai tại Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 36.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các DA được cấp phép đầu tư đều có diện tích sử dụng đất rất lớn, bao gồm: DA nhà máy Nhiệt điện Công Thanh; DA Biển Golden Coart Reort; DA Cty CP Xi măng Công Thanh; DA trạm nghiền Xi măng Công Thanh; DA Cảng chuyên dụng Công Thanh; DA Cảng số 6 - Khu kinh tế Nghi Sơn; DA xây dựng nhà ở công nhân; DA tuyến băng vận chuyển clinker từ nhà máy xi măng đến cảng chuyên dụng công Thanh; DA sân golf kết hợp du lịch sinh thái; DA khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại (tại TP Thanh Hóa).
Tuy nhiên đến nay, ngoài DA nhà máy xi măng dây chuyền 1, công suất 1,4 triệu tấn clinker/năm đi vào hoạt động năm 2007 và dây chuyền 2, công suất 3,6 triệu tấn/năm, đi vào hoạt động năm 2016. Thì các DA còn lại của Cty Công Thanh, do nhiều nguyên nhân đều được triển khai dang dở, chậm tiến độ kéo dài.
Chưa hết, một số DA đã được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục cấp phép. Trong đó, có DA trạm nghiền xi măng Công Thanh, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, diện tích sử dụng 1,4 ha, địa điểm tại xã Tân Trường, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2009. Hiện trạm nghiền công suất 2 triệu tấn/năm này đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục về đầu tư, xây dựng. Cùng với DA trạm nghiền xi măng, DA nhà ở công nhân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng được xây dựng “chui”.
Đáng chú ý, một số DA quy mô sử dụng đất và tổng mức đầu tư lớn, được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư. Nhưng đến nay hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”, đó là DA Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng, diện tích 70 ha, đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2008, địa điểm tại Khu công nghiệp số 2, Khu kinh tế Nghi Sơn. Đến nay, DA mới chỉ xong thủ tục về môi trường, chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chậm tiến độ kéo dài; DA mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh, tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 22,5 ha, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư năm 2011, hiện chưa được triển khai thực hiện và có những vi phạm về đất đai.
DA mở rộng bến cảng chuyên dụng Công Thanh đã bị thu hồi.
DA tuyến băng tải vận chuyển clinker từ nhà máy xi măng đến cảng chuyên dụng Công Thanh, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương năm 2015, đến nay vẫn chưa được triển khai, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Sở Xây dựng theo quy định. Cùng chung số phận là DA Khu du lịch Golden Coast Resort, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, diện tích 13,36 ha được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, xây dựng từ năm 2006, tại xã Hải Hòa và xã Bình Minh (Tĩnh Gia), đến nay đã 12 năm vẫn còn nằm trên giấy. Cũng kéo dài trên chục năm mà vẫn “án binh bất động” là DA sân golf kết hợp du lịch sinh thái, được chấp thuận đầu tư từ năm 2007. Đến nay chủ đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng. Thêm nữa, mặc dù “treo” đã lâu thế nhưng DA lại không thuộc quy hoạch hệ thống sân golf Việt Nam đến 2020 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hiện vẫn chưa được thu hồi.
Ngoài các DA đã nêu, Cty công Thanh còn thêm một DA chậm tiến độ khác, đó là DA khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc và cho thuê và dịch vụ thương mại tại TP Thanh Hóa, diện tích gần 18.000m2, được cấp phép từ năm 2009, thời hạn giao đất 50 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, Cty vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như các hồ sơ, thủ tục liên quan để đưa vào triển khai DA.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chủ trì cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Cty Công Thanh.
Trước thực trạng có tới 9 DA chậm triển khai trong nhiều năm của Cty Công Thanh, ngày 28/02/2017, căn cứ Tờ trình của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1946/UBND-THKH, về việc chấm dứt hoạt động DA đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và phần mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh, do Tập đoàn Công Thanh làm chủ đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Cùng với đó, yêu cầu Cty CP Xi măng Công Thanh tập trung nguồn lực để thực hiện các DA đang triển khai tại Thanh Hóa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận, sau khi có Quyết định chấm dứt đầu tư, thu hồi DA, Cty Công Thanh vẫn tiếp tục san lấp, thi công DA mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh, cũng như chưa tích cực triển khai các DA đang đầu tư như yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù vậy, với chủ trương tạo điều kiện hết mức, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cùng các cấp, ngành liên quan đã tổ chức hội nghị nhằm nghiên cứu, hỗ trợ Cty Công Thanh trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng. Đồng thời thành lập đoàn công tác liên ngành, trực tiếp xem xét, rà soát kỹ từng DA của Công Thanh, qua đó đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các DA theo tiến độ. Mặt khác, kiên quyết rà soát, thu hồi những DA có biểu hiện vi phạm về hồ sơ, thủ tục cũng như kéo dài quá lâu.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Đào Nguyên – Trần Cường
Theo