Thứ tư 24/04/2024 22:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Để Sầm Sơn không còn cảnh “du lịch một mùa”

22:51 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Trong tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Lương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy thành phố Sầm Sơn đã nêu rõ tiềm năng, lợi thế cùng những bất cập, yếu kém về công tác phát triển du lịch của thành phố biển này. Đồng thời, nêu những giải pháp khắc phục “biến” Sầm Sơn thành thành phố của lễ hội, du lịch, nơi vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước để thay thế tình trạng “du lịch một mùa” như hiện nay.

thanh hoa de sam son khong con canh du lich mot mua
Ông Lương tất Thắng - Bí thư Thị ủy Sầm Sơn trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho bãi biển đẹp, có núi, có rừng, cảnh quan hùng vĩ, gắn với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước. Trong đó, Hòn Trống Mái đã từng đi vào văn học với tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn Khái Hưng (nhóm Tự Lực văn đoàn). Cùng với đó là những truyền thuyết dân gian đượm màu kỳ bí, những lễ hội Cầu ngư, lễ hội Bánh chưng bánh dày, bơi chải… diễn ra vào mùa Xuân hàng năm. Tất cả đã làm nên một Sầm Sơn có sức cuốn hút, mời gọi du khách bốn phương về với thành phố biển này để tham quan, nghỉ dưỡng.

Với nhãn quan nhìn xa, trông rộng, cách đây 65 năm, khi mà đất nước còn đang bộn bề những khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng trong một lần về thăm Sầm Sơn, Bác Hồ đã nhìn ra lợi thế của nơi này và căn dặn cán bộ, nhân dân Sầm Sơn: “Phải biết xây dựng, tận dụng lợi thế nơi này để phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2015 trở lại đây, Sầm Sơn đã có sự bứt phá, chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị biển ngày một đổi mới, khang trang và hiện đại. Cùng với những tòa khách sạn cao tầng, những đường phố rộng rãi, những điểm mua bán, vui chơi, nghỉ dưỡng… cảnh tượng nhếch nhác với thợ ảnh dạo, người bán hàng rong đeo bám du khách, xả rác bừa bãi, bàn ghế, tình trạng “chặt chém”… đã từng bước được đẩy lùi, lượng du khách về với Sầm Sơn ngày một tăng.

Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng khách đến Sầm Sơn đạt trên 22,5 triệu lượt người, chiếm trên 50% du khách toàn tỉnh, tăng 8,9% bình quân hàng năm và gấp 1,69 lần so với 5 năm trước đó. Về doanh thu đạt 19.212 tỷ đồng, gấp 2,78 lần giai đoạn 2011 – 2015, tăng bình quân hàng năm 19,4%. Cùng với việc cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo nên hình ảnh thân thiện trong mắt du khách, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao. Thành phố đã chú trọng phát huy giá trị bề dày văn hóa, lịch sử kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trong nước và quốc tế. Tổ chức thành công, tạo được ấn tượng, bản sắc riêng qua các lễ hội như: Lễ hội Tình yêu hòn Trống Mái; Lễ hội Carnival đường phố… qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đón du khách về nhiều hơn với Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Ghi nhận những đổi thay của thành phố trẻ này, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh Sầm Sơn là một trong 5 khu du lịch hàng đầu của Việt Nam.

thanh hoa de sam son khong con canh du lich mot mua
Hòn Trống Mái – một địa điểm du lịch nổi tiếng của Sầm Sơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả trên. Hoạt động du lịch của Sầm Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với lợi thế được thiên nhiên ban tặng. Đó là sản phẩm, loại hình du lịch còn ít, đơn điệu, mang tính mùa vụ, người làm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp, văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn minh du lịch chưa đủ làm hài lòng du khách, chưa có kết nối đáng kể với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Về hạ tầng, chưa có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao, trò chơi cảm giác mạnh, hạ tầng dịch vụ, thương mại, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách cao cấp, nhiều tiền, du khách quốc tế… do đó, khách đến đây chủ yếu là khu vực nội địa bình dân, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu thấp, bình quân chỉ 500.000 đồng/người mỗi ngày.

Cùng với đó, các vấn đề về môi trường như: Xử lý nước thải, chất thải rắn, ứng phó sạt lở bờ biển chưa được giải quyết triệt để. Nhất là vừa qua, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, cho thấy du lịch Sầm Sơn chưa mang tính bền vững, dễ bị tổn thương do tác nhân của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi thời tiết.

Xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế. Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu: “Du lịch” là một trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh; “Phát triển du lịch” là một trong 6 chương trình trọng tâm, đóng góp vào sự phát triển đồng bộ của Thanh Hóa, theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ chính trị về “Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Trong thời gian tới, Sầm Sơn cần phải tập trung toàn lực, thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả 6 giải pháp, nhiệm vụ sau:

Một là: Trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/1017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch thành ngành Kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 58-NQ/TW về phát triển Thanh Hóa đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng các Nghị quyết liên quan của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đương nhiệm cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trên cơ sở đó có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá, đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển du lịch. Phải xác định du lịch là ngành Kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả nhiều mặt về văn hóa, kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng. Đóng vai trò động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

Hai là: Tiếp tục nghiên cứu tổng thể du lịch ở cấp độ toàn tỉnh. Có tính tới yếu tố khu vực, quốc gia và quốc tế để xây dựng đề án phát triển các khu, điểm, tour, tuyến du lịch trọng điểm nhằm kết nối Sầm Sơn với các trọng điểm du lịch khác của tỉnh như: Thành Nhà Hồ, Bến En, suối cá Cẩm Lương, Lam Kinh… từ đó làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú cũng như thu hút du khách về với Thanh Hóa, trong đó có Sầm Sơn.

Ba là: Đa dạng hóa các phẩm du lịch, bằng mọi cách làm cho Sầm Sơn không chỉ là nơi du lịch biển, mà phải là thành phố của các chương trình nghệ thuật lễ hội (cả truyền thống và hiện đại), nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn, diễn ra trong suốt bốn mùa, mang tầm quốc gia, quốc tế; là trung tâm nghỉ dưỡng, dưỡng lão; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tập huấn, thi đấu thể thao hàng đầu cả nước. Một trọng điểm về vui chơi giải trí, công viên chuyên đề của khu vực Bắc Trung bộ và Nam Bắc bộ.

Để làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, thành phố phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải thực hiên quyết liệt, làm thay đổi mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư đúng kế hoạch, tiến độ. Nhất là với các dự án lớn, trọng điểm về du lịch, như dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan, lễ hội, tổ hợp đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn; khu đô thị sinh thái ven sông Mã, khu đô thị sinh thái biển Đông Á.

Bốn là: Tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh, đồng bộ, hiện đại. Đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của du khách; giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường, thông qua đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn, hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố; quản lý tốt trật tự và cảnh quan đô thị. Tạo sự hài lòng, thoải mái và yên bình cho du khách khi về Sầm Sơn.

Năm là: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; đổi mới phương thức, công cụ, nội dung tuyên truyền, quảng bá du lịch, thông qua ứng dụng công nghệ số, các kênh thông tin uy tín và mạng xã hội. Trong đó, ưu tiên nhắm trực tiếp đến từng phân khúc, đối tượng khách hàng cụ thể. Xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện.

Sáu là: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ du lịch. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong xây dưng nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện; ban hành các phương án, quy chế quản lý du lịch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trên mọi lĩnh vực hoạt động du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý Nhà nước và nghiệp vụ du lịch cho các cán bộ quản lý du lịch từ thành phố đến cơ sở. Đào tạo cán bộ quản lý trực tiếp các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng và đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ.

Với những giải pháp đúng và trúng, tạo cho Sầm Sơn có đầy đủ những yếu tố cần và đủ. Các giải pháp trên, nếu được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cao. Chắc chắn Sầm Sơn sẽ trở thành một trong những địa chỉ du lịch, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan hàng đầu trong nước và quốc tế trong tương lai không xa.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load