(Xây dựng) – Ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với Nhà máy may xuất khẩu Thiên Nam, do đưa hạng mục công trình (nhà xưởng 01 tầng) vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC).
Nhà máy may Thiên Nam Thanh Hóa. |
Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ đề nghị điều chỉnh dự án của chủ đầu tư và văn bản đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 7/9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3031/QĐ-UBND “chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy may xuất khẩu Thiên Nam Thanh Hóa tại xã Hà Đông, huyện Hà Trung”.
Theo đó, dự án (điều chỉnh) Nhà máy may xuất khẩu Thiên Nam thuộc Công ty TNHH may Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) có quy mô xây dựng gồm: Nhà xưởng 1 + nhà vệ sinh (2 tầng, diện tích xây dựng 7.139m2); nhà xưởng 2 (1 tầng, 7.018m2); nhà nghỉ ca công nhân (2 tầng, 300m2); nhà trưng bày sản phẩm (1 tầng, 300m2); nhà nồi hơi, khí nén (1 tầng, 255m2); nhà bếp (1 tầng, 300m2); nhà để xe số 1 (1.224m2); nhà xe số 2 (327 m2), nhà giặt (1 tầng, 836 m2); trạm xử lý nước thải (158m2); bể nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy (PCCC) (325m2) và một số công trình, hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác.
Tại Khoản 1 Điều 2, Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ: Yêu cầu Công ty Thiên Nam “... chỉ được đưa dự án vào hoạt động khi đảm bảo các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường, PCCC... theo quy định”.
Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu đã nêu trong quyết định của UBND tỉnh, dù chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện buộc phải có theo quy định của pháp luật về công tác PCCC, Công ty Thiên Nam đã đưa nhà máy may vào hoạt động. Trước sự việc này, ngày 15/3/2023, cơ quan có thẩm quyền thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ tại Nhà máy may xuất khẩu Thiên Nam, lập Biên bản vi phạm hành chính số 0014768/BB-VPHC. Đồng thời, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty Thiên Nam Thanh Hóa.
Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và đề nghị của Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 24/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-XPHC, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà máy may xuất khẩu Thiên Nam – Công ty Thiên Nam, người đại diện là ông Phạm Anh Phương, chức danh giám đốc “đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Đưa hạng mục công trình (nhà xưởng 01 tầng) vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”, số tiền phạt 80 triệu đồng.
Cùng với xử phạt bằng tiền, quyết định của UBND tỉnh cũng “buộc thực hiện việc nghiệm thu về PCCC đối với các hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng, hoạt động”.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Nam đã bỏ qua yêu cầu của UBND tỉnh, đưa xưởng may vào hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện về PCCC. Ngoài ra, theo thông tin PV nắm được, cho đến nay đơn vị này cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
Mặc dù hành vi vi phạm là có thật, trong đó vi phạm về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ và UBND tỉnh ra quyết định xử phạt, nhưng khi PV liên hệ để xác minh sự việc, bà Tâm (người được bảo vệ công ty cho biết là đại diện của Công ty Thiên Nam tại Thanh Hóa và cung cấp số điện thoại cho PV) đã cho biết, hiện nay người có quyền phát ngôn là Giám đốc Phương đang đi công tác, nên hẹn PV sang tuần sẽ thông tin lại.
Sau hơn 1 tuần nhưng không nhận được phản hồi của bà Tâm, PV đã liên hệ lại để được đặt lịch làm việc. Nhưng bà tỏ rõ sự “bất hợp tác” khi cho biết, Giám đốc Phương vẫn “đang công tác ở nước ngoài, đi hết nước nọ đến nước kia”. Đồng thời khẳng định “chúng tôi đã có đầy đủ hết rồi” trước câu hỏi của PV về việc chấp hành pháp luật trong quá trình triển khai dự án và đưa nhà máy vào hoạt động của doanh nghiệp?
Công ty Thiên Nam đã bất chấp quy định của pháp luật, đưa nhà máy vào hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng có văn bản chấp thuận về công tác PCCC. Hành vi vi phạm này đồng nghĩa với việc Công ty Thiên Nam chưa coi trọng đến sự an toàn của người lao động. Có thể nói, trong vụ việc này, UBND xã Hà Đông cũng như UBND huyện Hà Trung đã thiếu kiểm tra, xử lý, trong khi lĩnh vực này đang là vấn đề “nóng”.
Trở lại với vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền địa phương. Lâu nay vẫn tồn tại một thực tế, đó là sự “nương nhẹ” của chính quyền đối với sai phạm của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn. Nhất là đối với các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da vì “họ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và đóng góp ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, không thể vì lý do đó mà một số doanh nghiệp có thể xem nhẹ các quy định của pháp luật, nhất là đối với công tác PCCC. Bởi trong thực tế đã có không ít vụ hỏa hoạn xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng về tài sản và sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Đào Nguyên
Theo