Thứ bảy 20/04/2024 00:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão lũ

15:46 | 13/08/2019

(Xây dựng) - Trong các ngày từ 30/7 - 4/8, do ảnh hưởng cơn bão số 3 kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài kèm giông lốc, cùng với nước lũ trên thượng nguồn đổ về đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và của cho các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là hai huyện biên giới Mường Lát và Quan Sơn.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy đi thăm người dân bản Na Sá.

Tại Mường Lát và Quan Sơn, nước lũ đổ về quá nhanh và đột ngột đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; hơn 1.698 ngôi nhà ngập sâu trong nước; 402 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng nặng; 27 nhà phải di dời khẩn cấp; 2.954 ha lúa, hoa màu bị ngập, cây trồng các loại, hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, công trình công cộng, trường học, trạm Y tế, viễn thông bị sập đỏ hoặc hư hại nặng, nhiều xã, thôn, bản bị cô lập, chia cắt do nước lũ; hàng trăm gia đình trở nên trắng tay do mất hết nhà cửa, hoa màu và tài sản… Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra lên tới 822 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại về giao thông là lớn nhất với 387 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tặng quà người dân.

Ngay trong và sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, ngành của tỉnh, các địa phương đã huy động tối đa nhân lực, vật lực tổ chức các đoàn tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân cùng lũ.

Đặc biệt là công tác cứu trợ đã được tiến hành khẩn cấp, kịp thời tại Mường Lát và Quan Sơn. Tại đây, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 5.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ cùng nhiều phương tiện, thiết bị, phối hợp với lực lượng của Mường Lát, Quan Sơn tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Lữ đoàn Công binh của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cùng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương lắp đặt cầu phao dã chiến bắc qua sông Luồng vào bản Na Sá, xã Na mèo (huyện Quan Sơn) nơi có 26 nhà dân bị cuốn trôi cùng nhiều người chết, mất tích để vận chuyển hàng hóa, đồ cứu trợ.

Ngay từ ngày 03/8, khi mưa lũ đang dồn dập, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Phòng chống bão lụt tỉnh cùng các cấp, ngành hữu quan và sau đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Phụ nữ Việt Nam… đã tổ chức các đoàn công tác, trực tiếp về Quan Sơn, Mường Lát để thăm hỏi, trao quà cứu trợ và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ngay khi giao thông còn đang bị chia cắt, các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải… lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện đã đi bộ băng rừng, vượt lũ dữ vào với người dân bản Na Sá để thăm hỏi, tặng quà động viên và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đặc biệt, ngày 08/8, Đoàn công tác do đồng chí Phạm Minh Chính - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương dẫn đầu đã đi thăm và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quan Sơn. Sau khi nắm tình hình, đoàn công tác đã có mặt tại bản Na Sá, trực tiếp thăm hỏi, trao quà động viên, chia xẻ những mất mát, đau thương với người dân vùng lũ.

Cùng với công tác cứu trợ, ngành Giao thông vận tải tỉnh đã huy động cao nhất máy móc, nhân lực làm việc ngày đêm khắc phục các điểm sạt lở, chia cắt. Đến chiều 07/8 đã thông tuyến Quốc lộ 15C, đảm bảo giao thông đến huyện Mường Lát. Những điểm còn lại trên Quốc lộ 16, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới đang được khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở.

Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà người dân bản Na Sá.

Đặc biệt, ngay trong khi mưa lũ còn đang dồn dập, giao thông bị chia cắt, hàng loạt phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đã không quản gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm lăn lộn tại hiện trường để đưa tin, bài phản ánh tức thì những diễn biến của mưa lũ, những mất mát đau thương mà người dân đang phải gánh chịu cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn của địa phương. Những tin tức cập nhật, nóng hổi của báo chí đã góp phần lay động hàng triệu con tim của độc giả trong cả nước, với tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, hàng trăm đoàn thiện nguyện đã dồn dập đổ về Mường Lát, Quan Sơn.

Chỉ trong vòng vài ngày, nhất là sau khi có cầu phao qua sông Luồng, hàng cứu trợ, gồm: Mỳ tôm, nước uống, quần áo, nhu yếu phẩm… đã không còn nơi cất giữ tại xã Na Mèo và nhiều nơi khác. Do đó, nhiều phóng viên phải lên diễn đàn, kêu gọi các nhà hảo tâm nên thay đổi phương thức từ “cứu trợ” sang “hỗ trợ” nhằm giúp người dân có thể gượng dậy sau bão lũ.

Cùng với các hoạt động cứu trợ trong nhân dân. Ngay trong những ngày mưa lũ, các Sở, ngành của tỉnh cũng đã có sự hỗ trợ kịp thời tới người dân hai huyện Mường Lát, Quan Sơn.

Trong đó, Sở Công thương đã huy động và hỗ trợ cho Quan Sơn 20 tấn gạo, 2.860 thùng mỳ tôm, 273 kg lương khô, 6.333 lít nước khoáng đóng chai. Hỗ trợ Mường Lát 20 tấn gạo tẻ, 1.988 thùng mỳ tôm.

Sở Tài nguyên môi trường cấp hóa chất khử trùng và xử lý môi trường sau lũ, cử đoàn thăm hỏi, tặng quà huyện Mường Lát 50 triệu đồng, huyện Quan Sơn 100 triệu đồng.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 100 thùng hàng gia đình, 126 triệu đồng cho các hộ có người chết, mất tích, nhà sập, trôi hoàn toàn tại Quan Sơn; hỗ trợ 100 suất quà trị giá 120 triệu cho các hộ dân bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, Mường Lát.

Đồng thời tiếp tục kêu gọi, huy động sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Sở Y tế hỗ trợ huyện Quan Sơn cơ số thuốc, thường trực xe cứu thương, thành lập bệnh viện dã chiến tại bản Na Sá để chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng lũ. Chung tay góp sức với đồng bào vùng lũ, sáng 8/8, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đến thăm, ủng hộ huyện Quan sơn một số hàng hóa, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn trị giá 6 tỷ đồng.

Cảnh tan hoang sau lũ tại bản Na Sá.

UBMTTQ tỉnh sau khi ra lời kêu gọi, tính đến 16h chiều 12/9 đã tiếp nhận được 3.933126.000 đồng; 10.000 USD; 05 tấn gạo hỗ trợ của các tổ chức cá nhân (con số ủng hộ sẽ còn tăng lên nhiều trong những ngày tới). Đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng/người; bị thương 2 triệu đồng/người; hỗ trợ, động viên gia đình anh Thao Văn Súa - Trưởng Công an xã Pù Nhi, Mường Lát (tử vong trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão lũ) 30 triệu đồng; hỗ trợ các nhà bị sập đổ hoàn toàn, cuốn trôi 30 triệu/hộ; hỗ trợ 5 tấn gạo cho hai huyện Mường Lát và Quan Sơn. Cũng theo MTTQ tỉnh, ngoài số tiền, hàng cứu trợ đã thống kê trên, còn có hàng chục tỷ đồng được các doanh nghiệp, đơn vị chuyển trực tiếp đến người dân vùng lũ, không thông qua MTTQ.

Sau khi đã tạm thời giải quyết nỗi lo trước mắt. Trong những ngày này, các lực lượng Bộ đội, Biên phòng, Công an, Đoàn viên Thanh niên đang sát cánh cùng các địa phương dọn dẹp đường xá, dựng lại nhà cửa, nhất là tu sửa trường lớp, chuẩn bị cho năm học mới của các cháu học sinh.

Nhằm tìm giải pháp lâu dài ổn định cuộc sống của người dân vùng thiên tai, bão lũ, ngày 0/8 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy, cùng với lãnh đạo hai huyện Quan Sơn và Mường Lát đã tổ chức họp, bàn về các giải pháp, cơ chế chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân địa phương.

Các lực lượng bộ đội, thanh niên dọn dẹp giúp dân.

Theo đó, vấn đề tìm địa điểm, xây dựng nhà ở tái định cư cho người dân được coi là cấp thiết và quan trọng số một. Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung cao độ tinh thần, lực lượng, quyết tâm đến ngày 30/11/2019 phải có nhà ở mới “tốt hơn nhà cũ bị lũ cuốn trôi” cho người dân. Địa điểm tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về phong tục tập quán, sản xuất tăng gia và đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, cơ bản đáp ứng các tiêu chí Nông thôn mới.

Với sự chung tay góp sức, “nhường cơm xẻ áo” của cả cộng đồng, sự quan tâm sâu sắc của các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Cuộc sống của người dân vùng lũ tại Thanh Hóa nhất định sẽ sớm ổn định trở lại và tốt hơn trước.

Đào Nguyên – Trần Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load