Thứ sáu 20/09/2024 13:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thanh Hóa: Bất cập trong việc quy hoạch sử dụng đất

21:03 | 27/11/2012

Hàng loạt các dự án được triển khai trên địa bàn TP Thanh Hóa trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT - XH của TP Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều dự án còn bộc lộ nhiều bất cập(...). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc quản lý và sử dụng đất tại nhiều phường (xã) trực thuộc.


Nhiều diện tích đất tại nông nghiệp tại xã Quảng Thành không thể gieo cấy.

Nhiều dự án làm “khó” dân

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các xã Quảng Thành, Nam Ngạn, Đông Hải (TP Thanh Hóa) không có khả năng sản xuất do hệ thống kênh tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp không còn hoặc bị chia cắt bởi các dự án được triển khai trên địa bàn TP Thanh Hóa trong những năm qua.

Điển hình như tại xã Quảng Thành, kể từ khi sáp nhập vào TP Thanh Hóa (1996) với hơn 1000 ha đất, thì cũng là lúc nhiều dự án được manh nha, triển khai trên địa bàn xã. Tính từ năm 2002 đến nay, Quảng Thành tiếp nhận 12 dự án (trường học, đường giao thông, doanh nghiệp…) với diện tích đất quy hoạch thuộc vùng dự án là 240 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp). Điều này khiến diện tích đất nông nghiệp của địa phương này bị thu hẹp từ 660 ha xuống còn hơn 400 ha. Hiện nay, do việc thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, khiến cho hơn 20 ha diện tích đất nông nghiệp của người dân không thể sản xuất. Trong đó 3ha khu vực Đồng Hè từ năm 2010 đến nay không thể canh tác, do ảnh hưởng của dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ ngã Ba Voi – Sầm Sơn không có hệ thống tiêu nước… Hơn 3ha tại khu vực Đồng Trối nằm trọn trong 4 dự án mà không có hệ thống tiêu. 2ha tại khu vực Đồng Cây Xanh bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng nghĩa trang chợ Nhàng. Hơn 6ha diện tích đất nông nghiệp tại thôn Thành Mai, thôn Thành Yên không thể sản xuất được từ nhiều năm nay…Đất bỏ không vì không có hệ thống tiêu thoát khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. “Từ thực tế trên, địa phương đã trích ngân sách, cùng nhân dân tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tiêu úng và chống hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, còn về lâu dài thì nhân dân trong xã vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất”, ông Trần Đăng Thông – Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết.

Cùng cảnh ngộ trên, tại khu vực Vườn Kè,  P.Nam Ngạn, sau quy hoạch khu vực này còn gần 10 ha vốn là đất canh tác của hang trăm hộ dân trong phường. Tuy nhiên hiện nay do quy hoạch các mặt bằng 63, 67 và 08, diện tích này không còn khả năng sản xuất. Bức xúc trước tình trạng trên, Bà N.T.T, người dân P. Nam Ngạn, cho biết: “Trước đây, tại khu vực này, bà con nhân dân chủ yếu tập trung gieo cấy lúa, năng suất đạt khoảng 2,5 đến 3 tạ/sào. Tuy nhiên, nhiều năm  trở lại đây,  do ảnh hưởng từ dự án, hệ thống tiêu thoát nước bị hư hỏng cộng với nước thải ra từ khu dân cư nên toàn bộ diện tích trên không thể gieo cấy được. Vì tiếc, lại không muốn để đất bị bỏ hoang, nhiều bà con đã cải tạo trồng rau thực phẩm, nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nên rau cũng không thể sống được…”

Tương tự như 2 địa phương trên, tại xã Đông Hải có 0,9 ha thuộc xứ đồng Sân Bay đã bị bỏ hoang từ năm 2002, 1,5 ha tại xứ Đồng Giằng không thể sản xuất từ năm 2009 do không có hệ thống tưới tiêu. Mặt khác việc xả nước thải từ siêu thị Big C ra kênh tiêu Đồng Giữa đến kênh tiêu Đồng Tròn của xã có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước khu vực lân cận. Tình trạng trên kéo dài đã gây khó khăn trong việc sử dụng đất tại đại phương.

Bất cập từ việc triển khai các dự án!

Thực trạng trên đã khiến nhiều khu vực không thể tiếp tục sản xuất do không có nước tưới hoặc nguồn nước bị ô nhiễm…

Trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề trên, ông Doãn Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Kinh tế (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nguyên nhân của thực trạng trên là do quá trình thực hiện các dự án, nhất là trong thi công, các nhà thầu chưa có biện pháp giải quyết việc ngập úng cục bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu. Một số dự án gây chia cắt hệ thống kênh mương tưới tiêu. Phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án chưa đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của dự án đối với các khu vực lân cận, chưa đề xuất các giải pháp xử lý cụ thể về nước thải, các kênh tưới tiêu... cũng như biện pháp giải quyết đối với diện tích ảnh hưởng không còn khả năng canh tác. Nhiều dự án không tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan thủy nông nên chưa có biện pháp giải quyết việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc có biện pháp nhưng chưa phù hợp, không phát huy hiệu quả. Một số khu vực, diện tích đất nông nghiệp còn lại nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn cho việc đầu tư sản xuất, cải tạo hệ thống tưới tiêu….

Bàn về những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất trong thời gian tới, ông Tiến cho biết thêm: “Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với các ban quản lý dự án và UBND các phường, xã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hệ thống kênh mương tưới tiêu cho số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị UBND các phường, xã chỉ đạo các HTX nông nghiệp vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, khắc phục cục bộ như khoan giếng, dùng bơm dầu để tạo nước tưới cho sản xuất…”

Hy vọng, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa trong việc đưa ra giải pháp nhằm giải quyết những bất cập còn tồn đọng, sẽ là “đòn bẩy” đưa KT-XH địa phương phát triển, góp phần ổn định đời sống nhân dân…

Anh Toản

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load