Thứ sáu 26/04/2024 06:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: 100m đường “treo” 20 năm làm khổ người dân

17:23 | 05/07/2020

(Xây dựng) - Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân - Thế Lữ, phường Đông Thọ (thuộc khu nhà ở chung cư Mai Xuân Dương), thành phố Thanh Hóa chỉ 100m đường được quy hoạch mà hơn hai thập kỷ vẫn không được triển khai, khiến đời sống của khoảng 20 hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

thanh hoa 100m duong treo 20 nam lam kho nguoi dan
Ông Trịnh Đình Phương - Bí thư Chi bộ, Trưởng khối phố Đội Cung 1 bức xúc bên dự án “treo” suốt 20 năm.

20 năm chưa xong 100m đường

Theo phản ánh của người dân khu phố 1, Đội Cung, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa: Khoảng năm 1993, khu dân cư này thuộc diện quy hoạch khu Mai Xuân Dương. Năm 1999 - 2000, UBND thành phố Thanh Hóa tiến hành quy hoạch, xây dựng và hình thành khu dân cư Mai Xuân Dương. Các hộ dân ở đây thuộc diện thu hồi đất và tái định cư đi nơi ở mới để làm tuyến giao thông nối đường Lê Chân với đường Thế Lữ cho khu dân cư Mai Xuân Dương và chợ Đông Thọ. Song từ đó đến nay, dự án mãi vẫn “đắp chiếu”, các hộ dân vẫn chưa được tái định cư đến nơi ở mới mà vẫn sống trong cảnh chờ đợi...

Dự án “treo” suốt 20 năm khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Bà Trịnh Thị Phượng cho biết: Gia đình bà thuộc diện tái định cư để phục vụ dự án, song đã hơn 20 năm qua, bà vẫn chưa biết mình bao giờ được tái định cư, tái định cư ở đâu? Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp là nơi chung sống của 3 thế hệ với 12 nhân khẩu. Ngôi nhà dần xuống cấp, cũ kỹ nhưng bà vẫn không thể cùng các con xây dựng hay cơi nới để có thêm không gian sinh hoạt.

Theo bà Phượng, Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân - Thế Lữ, phường Đông Thọ (thuộc khu nhà ở chung cư Mai Xuân Dương), thành phố Thanh Hóa chỉ 100m đường, song không hiểu vì lý do gì mà 20 năm rồi dự án vẫn không được triển khai thực hiện. Nhiều lần bà Phượng cũng như các hộ dân đã làm đơn gửi cấp chính quyền, đồng thời trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri vấn đề này cũng đưa ra bàn bạc xem xét, thế nhưng trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ với các vị lãnh đạo khác nhau, dự án vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Còn bà Hoàng Thị Duyên tuổi đã cao, sức yếu lại còn bị tai biến nhưng vẫn phải sống trong căn nhà dột nát, nắng thì như cái lò thiêu, mưa thì bị ngập nước. Bà Duyên phàn nàn: “Nhà nằm ngay phía sau chợ Đông Thọ nên thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ khu vực buôn bán gà, vịt trong chợ. Tôi đã chờ đợi suốt 20 năm để được di dời… cứ tình trạng này, không biết tôi có còn sống để được chứng kiến ngày cả khu phố được giải tỏa?”

Nhiều người dân nơi đây mong muốn được di dời, tái định cư. Tuy nhiên, với những người làm nghề như gia đình anh Phạm Hùng Thắng thì không muốn di dời. Anh Thắng cho biết, gia đình đã ổn định sống ở đây từ năm 1971. Hiện, anh làm nghề cắt tóc để nuôi 4 thành viên trong gia đình. Anh không muốn di dời đến nơi ở mới bởi anh làm nghề ở đây đã quen, đến nơi ở mới anh mất nhiều khách hàng, thu nhập cũng ít đi. Đại điện lãnh đạo thành phố đã giao cho Ban Giải phóng mặt bằng tiến hành rà soát, tổng hợp và lên phương án để thực hiện dự án trong năm nay. Tuy nhiên theo anh, Nhà nước nên tính toán hợp lý về đền bù, hỗ trợ sinh kế thì người dân mới yên tâm chuyển đến nơi ở mới!

Do thiếu vốn và quỹ đất?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đình Phương - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu phố 1 Đội Cung, phường Đông Thọ cho biết: Cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do dự án “treo” suốt 20 năm. Suốt thời gian ấy, không một gia đình được xây mới nhà cửa, cơi nới hay sửa chữa gì. Một công trình vệ sinh kiên cố cũng khó tìm thấy ở 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Cũng theo ông Phương, toàn bộ dự án có chiều dài chỉ khoảng 100m và có hơn 20 hộ dân nằm trong vùng phải di dời. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua dự án nằm trong tình trạng “treo” nên người dân rất bức xúc. “Cuối năm 2019, chính quyền thành phố có mời các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án lên phường để làm việc. Tại lần gặp gỡ này, đại diện một số phòng, ban của thành phố đã đưa ra phương án để thực hiện giải phóng mặt bằng triển khai dự án, người dân cũng đã thống nhất di dời và ký cam kết. Thế nhưng, sau buổi làm việc này, mọi việc vẫn như cũ”, ông Phương cho biết thêm.

Nguyên nhân của một dự án kéo dài suốt 2 thập kỷ được ông Đỗ Xuân Thủy - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Đông Thọ nói: Cái chính vẫn là kinh phí và quỹ đất. Kinh phí để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng của thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó là sự không thống nhất trong việc áp giá đền bù giữa người dân và chính quyền khiến cho dự án vẫn “đắp chiếu”.

Theo ông Thủy, dự án có chiều dài gần 100m với khối lượng xây lắp khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 26 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay, kinh phí giải phóng mặt bằng đối với dự án quá lớn, tìm vị trí quỹ đất tái định cư tương xứng với khu vực được giải phóng mặt bằng gặp khó khăn... Trong cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 25/6, tại UBND phường, đại điện lãnh đạo thành phố đã giao cho Ban Giải phóng mặt bằng tiến hành rà soát, tổng hợp và lên phương án để thực hiện dự án trong năm nay.

Thiết nghĩ, UBND thành phố Thanh Hoá cần phải xem xét, quan tâm ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện dự án này, giải quyết những bức xúc và khó khăn cho người dân.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load