Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung được thực hiện từ tháng 10/2004 - tháng 10/2011 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Bộ Xây dựng (Cục Phát triển đô thị) là cơ quan chỉ đạo và điều phối dự án. Ban Quản lý 6 tỉnh có dự án Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi trực tiếp quản lý thực hiện các tiểu dự án.
Ban Điều phối họp triển khai dự án.
Đây là một mô hình tổ chức thực hiện dự án rất thành công: Thực hiện từng bước tiến trình phân cấp phân quyền, tăng cường trách nhiệm trực tiếp quản lý tại địa phương. Dự án thường xuyên có sự hỗ trợ từ kỹ thuật đến thể chế từ Ban Điều phối (Bộ Xây dựng). Ban Điều phối là đơn vị vừa có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo dõi báo cáo với Bộ Xây dựng và Chính phủ về tình hình thực hiện, hỗ trợ các địa phương đệ trình các vấn đề chung cần có sự quyết định của cấp cao. Đồng thời Ban Điều phối cũng tạo sự liên kết hài hòa giữa các bên nhà tài trợ, các ban, ngành Trung ương và địa phương để giải quyết các công việc của dự án.
Dự án gồm 5 hợp phần, bao gồm hợp phần A: Nâng cao nhận thức và cải thiện vệ sinh hỗ trợ người nghèo; hợp phần B: Thoát nước và phòng chống ngập lụt; hợp phần C: Nước thải và cải thiện vệ sinh công cộng; hợp phần D: Quản lý chất thải rắn; hợp phần E: Hỗ trợ thực thi dự án và chương trình tăng cường thể chế.
Khu vực được lựa chọn để thực hiện dự án.
Mục tiêu lâu dài của dự án là cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của người dân và giảm tỷ lệ nghèo đói tại 6 khu vực dự án và các vùng phụ cận; đảm bảo phát triển kinh tế vùng miền một cách cân bằng và giảm di cư từ khu vực miền Trung ra Hà Nội và TP.HCM.
Các sản phẩm đầu ra của dự án bao gồm mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng môi trường đô thị; Cải thiện năng lực về mặt kỹ thuật và quản lý của các Cty môi trường đô thị; Cải thiện năng lực quy hoạch và quản lý đô thị của các UBND thị xã; Tăng cường các chính sách quản lý đô thị thông qua đưa ra những nội dung mới hỗ trợ Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị - Bộ Xây dựng; Phát triển cơ chế thu phí thích hợp để đảm bảo sự bền vững của dịch vụ môi trường đô thị; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong lập và quản lý quy hoạch đặc biệt là sự tham gia của người nghèo; Thúc đẩy nhận thức về sức khoẻ cộng đồng và tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý đô thị và trong các tổ chức.
Sau 6 năm thực hiện, dự án đã tổ chức được 19 khóa đào tạo và hội thảo trong và ngoài nước; Hơn 2.800 hộ được vay vốn từ quỹ quay vòng của dự án để xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh và bể tự hoại; Đầu tư xây dựng: 71,38km cống thoát nước; 38,4ha hồ điều hòa; 16,1km kênh thoát nước; 7,2km đê phòng chống ngập lụt; 4 cửa ngăn triều; 2 trạm bơm nước mưa nước thải; cải tạo được 103 nhà vệ sinh công cộng; 52ha bãi chôn lấp rác thải; 7km đường vào bãi chôn lấp rác; 10 bãi chôn lấp rác thải tạm thời và một số hạng mục khác; Đầu tư mua sắm được 882 xe và thiết bị chuyên dụng lớn phục vụ công tác vận hành và bảo dưỡng, mua sắm được 8.042 thùng rác và xe đẩy tay.
Dự án sau khi hoàn thành đã làm nhiều đô thị thêm khang trang, sạch đẹp.
Dự án mang lại lợi ích trực tiếp cho tổng số khoảng 504 nghìn người dân tại 6 địa phương tham gia dự án, trong số đó 50% là phụ nữ. Người dân khu vực đô thị và nông thôn ở những khu vực xung quanh các đô thị tham gia dự án này cũng được hưởng lợi ích gián tiếp. Dự án mang lại những tác động tích cực về xã hội và giới cho tất cả các nhóm thu nhập, kể cả những lợi ích cho các nhóm thu nhập thấp, phụ nữ và trẻ em. Tất cả các hợp phần của dự án đóng góp đáng kể cho việc cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sức khỏe cộng đồng.
Theo TS Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), trong quá trình thực hiện, dự án có nhiều điểm thuận lợi. Ngay từ ban đầu, dự án đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự ủng hộ nhiệt tình của nhà tài trợ, Ban Điều phối dự án Trung ương đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm điều phối chung toàn bộ dự án, giải quyết mọi vấn đề khó khăn, bất cập xảy ra trong suốt quá trình thực hiện. Dự án đã kết nối chặt chẽ giữa nhà tài trợ, các bộ, ngành liên quan và 6 tỉnh dự án; hỗ trợ các địa phương về thủ tục, thể chế của dự án. Các bộ, ngành liên quan đã ủng hộ và phối hợp một cách tích cực trong các hoạt động. Dự án luôn tranh thủ sự tham gia của cộng đồng, các cấp, ban ngành liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện, dự án cũng gặp một số khó khăn do yếu tố khách quan là do dự án thuộc vùng thời tiết khắc nghiệt, mưa bão nhiều nên ảnh hưởng tiến độ thực hiện, công tác GPMB chậm trễ… trong thời gian thực hiện dự án gặp phải các đợt khủng hoảng tài chính, giá cả lạm phát đáng kể do đó việc linh hoạt trong điều chỉnh công việc và tài chính đáp ứng điều kiện thực tế là rất phức tạp.
Ông Phạm Hữu Thành - điều phối viên dự án cho biết, để dự án có được thành công tốt đẹp, những vấn đề sau cần được quan tâm: Đó là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư - tư vấn - nhà thầu - các bộ, ngành - nhà tài trợ với vai trò của Ban Điều phối dự án; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương; công tác lập hồ sơ thanh quyết toán cần được quan tâm một cách đúng mức, đảm bảo hồ sơ thanh quyết toán phù hợp với khối lượng thi công xây lắp hoàn thành; sự tham gia của cộng đồng trong các giai đoạn của quá trình triển khai dự án; nên tách riêng phần tài trợ cho từng gói thầu cụ thể cho thuận tiện dự án; thủ tục giữa chính sách của các nhà tài trợ với quy định của Chính phủ Việt Nam cần phải có sự hài hòa; nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý và có cơ chế ưu đãi thích hợp đối với các cán bộ trực tiếp thực hiện dự án và cuối cùng là cần có cải tiến trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Ông Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế: Trước đây, thị trấn Lăng Cô rất bức xúc về vấn đề môi trường, cảnh quan đô thị. Nay được sự ủng hộ giúp đỡ của dự án, môi trường được cải thiện nhiều, kể cả người dân và lãnh đạo chúng tôi rất mừng vì có sự thay đổi lớn cho khu vực, hy vọng với cảnh quan môi trường cải thiện, vấn đề du lịch sẽ được phát triển tốt hơn.
Bà Ngô Thị Lệ Hằng, An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô: Từ trước đến giờ gia đình tôi rất khó khăn, khu vệ sinh gia đình rất bất tiện do không hợp vệ sinh. Nay có dự án hỗ trợ, động viên và giúp tài chính, nay gia đình tôi đã có khu vệ sinh đẹp đẽ, khang trang và thuận lợi. Tôi rất phấn khởi.
Sau những nỗ lực của các thành viên tham gia dự án từ Trung ương đến địa phương, Dự án đã thành công một cách toàn diện. Đây có thể là mô hình thích hợp cần được nhân rộng cho các chương trình dự án phát triển đô thị và nâng cấp đô thị, đặc biệt là dự án có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA.
Khánh Phương
Theo baoxaydung.com.vn