Thứ sáu 26/04/2024 00:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tháng tưng bừng của cổ đông bất động sản

08:48 | 02/12/2022

Dù thị giá vẫn thấp hơn 50-70% so với đầu năm, đà phục hồi mạnh trong nửa sau của tháng 11 đã giúp các nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản có tháng giao dịch tích cực nhất từ đầu năm.

Tháng tưng bừng của cổ đông bất động sản
Bất động sản là nhóm cổ phiếu tăng tích cực nhất trong nửa sau của tháng 11. Ảnh: Hoàng Hà.

Kết phiên giao dịch 1/12, cổ phiếu L14 của Công ty CP Licogi 14 (niêm yết trên HNX) tiếp tục ghi nhận mức tăng kịch trần 10%, đóng cửa ở 56.600 đồng/đơn vị. Đáng chú ý, đây đã là phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp của cổ phiếu này sau chuỗi giảm liên tục kéo dài từ đầu năm.

Với đà tăng trần liên tiếp, thị giá L14 đã tăng một mạch hơn 209% chỉ sau nửa tháng, trở thành cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường giai đoạn này. Đà tăng này cũng giúp L14 khép lại tháng 11 với mức tăng ròng hơn 55%, dù trước đó đã giảm sàn liên tục trong hai tuần đầu tháng.

Đây cũng là tháng giao dịch tích cực nhất từ đầu năm của mã cổ phiếu gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT Licogi 14, (hay còn được gọi là thầy A7).

Tuy vậy, đà phục hồi kể trên vẫn chưa thể bù đắp mức giảm của cổ phiếu L14 từ đầu năm (vẫn thấp hơn gần 80%).

Tháng tích cực nhất từ đầu năm

Không riêng cổ phiếu L14, trong nửa sau của tháng 11, thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận đà phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản với nhiều mã tăng gấp rưỡi, gấp đôi giai đoạn này.

Tương tự L14, mã CEO của Tập đoàn CEO cũng ghi nhận mức tăng gần 160% trong nửa sau của tháng 11, hiện giao dịch ở mức 20.000 đồng/đơn vị. Dù vẫn thấp hơn 74% so với giá giao dịch đầu năm, đà phục hồi mạnh trong hai tuần qua đã giúp CEO khép lại tháng 11 với mức tăng gần 42% và là tháng tăng giá đầu tiên sau 10 tháng giảm liên tiếp trước đó.

Cũng ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp giai đoạn này, cổ phiếu NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long đã khép lại tháng 11 với mức tăng 25% và cao hơn 60% so với đáy ghi nhận vào giữa tháng. Giống L14 và CEO, dù phục hồi tích cực, hiện thị giá NLG vẫn thấp hơn gần 80% so với đầu năm.

- Biến động giá cổ phiếu bất động sản trong tháng 11:

Tháng tưng bừng của cổ đông bất động sản

Tháng 11 khép lại cũng đánh dấu giai đoạn giao dịch tích cực nhất của một loạt nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản với mã HQC (Hoàng Quân) tăng gần 90% từ đáy; DIG (DIC Corp), SCR (Sacomreal) tăng 80%; DXG (Tập đoàn Đất Xanh) tăng hơn 70%; KDH (Khang Điền) tăng 55%; CII (Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) tăng 48%...

Tính trong tháng 11, hầu hết cổ phiếu bất động sản kể trên cũng ghi nhận tăng trưởng dương và là tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 3 đến nay.

Bộ đôi cổ phiếu bất động sản giao dịch tiêu cực nhất trong tháng 11 là NVL (Novaland) và PDR (Phát Đạt) sau hơn chục phiên giảm sàn liên tục cũng đã được giải cứu và ghi nhận tăng kịch trần 2-3 phiên gần nhất.

Đà phục hồi của các cổ phiếu bất động sản diễn ra trong bối cảnh thị trường chung đi lên sau giai đoạn giảm liên tục từ đầu năm.

Chỉ số VN-Index đầu năm giao dịch ở vùng trên 1.500 điểm, sau những thông tin tiêu cực liên quan siết tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và ngành bất động sản, đã giảm sâu về vùng 910 điểm vào giữa tháng 11, trước khi ghi nhận đà phục hồi về vùng trên 1.030 điểm hiện tại.

Trong đà phục hồi nói trên của thị trường chung, cổ phiếu bất động sản cũng đóng vai trò là nhóm hỗ trợ tích cực nhất vào đà đi lên.

Theo các chuyên gia, bên cạnh xu hướng phục hồi chung cùng thị trường, cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận đà tăng mạnh trong nửa sau của tháng 11 khi thị trường đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Theo NHNN, hiện tại, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 11,5%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 là 14%, do đó, vẫn còn dư địa để các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đà tăng có kéo dài?

“Dù không nhắc tới ngành bất động sản, việc các ngân hàng được phát tín hiệu cho vay trong hai tháng cuối năm sẽ giúp thị trường chung có thêm dòng tiền, từ đó tác động tích cực đến hầu hết nhóm ngành, bao gồm cả bất động sản”, Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết.

Ông cho biết thêm từ đầu năm, cổ phiếu bất động sản đã chịu áp lực chính bởi câu chuyện dòng tiền khi các kênh huy động vốn tín dụng, trái phiếu đều bị siết chặt. Đặc biệt sau khi một số sai phạm trái phiếu bị xử lý đã khiến nhà đầu tư ồ ạt bán lại trái phiếu trước hạn khiến các doanh nghiệp gặp khó về thanh khoản.

Trong khi đó, những vướng mắc trong thủ tục pháp lý đã khiến doanh số giao dịch bất động sản giảm mạnh, dẫn tới các doanh nghiệp cũng không có nguồn tiền từ hoạt động bán hàng.

Tháng tưng bừng của cổ đông bất động sản
Các chuyên gia đều cho rằng những khó khăn của ngành bất động sản vẫn tồn tại trong giai đoạn cuối năm nay. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài ra, việc NHNN liên tục rút tiền Đồng về để giữ ổn định tỷ giá USD/VNĐ đã khiến khối lượng tiền trong lưu thông giảm đi, ảnh hưởng chung với hầu hết ngành kinh doanh.

“Vì vậy, khi NHNN phát tín phiếu cho các ngân hàng giải ngân cho vay nốt phần hạn mức tín dụng năm nay, thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngành bất động sản nói riêng đã khởi sắc trở lại”, vị này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị giám đốc môi giới này cho rằng đây vẫn là thời điểm nhạy cảm để đưa ra khuyến nghị mua hay bán cho nhà đầu tư. Với cổ phiếu bất động sản, những phiên tăng trần liên tiếp gần đây chỉ mang tính chất “trả điểm” sau chuỗi giảm 80-90% từ đầu năm.

Trong giai đoạn còn lại của năm, những khó khăn của ngành bất động sản vẫn tồn tại và áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn của nhóm doanh nghiệp này vẫn rất cao.

Thống kê của VNDirect cho biết trong quý IV, bất động sản là nhóm có khối lượng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn lớn nhất với hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng này chỉ bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ từ năm 2019 và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.

VNDirect cũng dự báo ngành bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như chính sách thắt chặt tín dụng và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà và các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có cải thiện đáng kể, ít nhất đến khi Luật đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý IV/2023.

Trong khi đó, báo cáo mới của Chứng khoán BSC cho rằng sau khi giảm rất mạnh từ đầu năm, bất động sản, ngân hàng, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, cảng biển đang là các nhóm ngành có định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm.

Các chuyên gia tại đây kỳ vọng nhóm cổ phiếu trên sẽ có hiệu suất tốt so với phần còn lại trong nửa cuối năm 2022. Trong đó, tâm điểm hướng đến của dòng tiền sẽ là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

Theo Quang Thắng/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load