(Xây dựng) - Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đã lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng. Trong đó có bốn ngôi đền thiêng, trấn giữ bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc; mà dân gian quen gọi là “Thăng Long tứ trấn” đã che chở, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long được bình yên, thịnh vượng tự bao đời.
Tứ trấn Thăng Long.
“Thăng Long tứ trấn” gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, trấn phía Đông; đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang Đại Vương, trấn phía Tây; đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, trấn phía Nam và đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc.
Trấn phía Đông - Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã nằm ở phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay ở số 76 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, là vị Thần Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Tương truyền khi Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, cho xây thành nhưng trầy trật mãi không xong. Vua sai người đến đền Bạch Mã cầu thần thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra một vòng từ Đông sang Tây, đi đến đâu để lại dấu vết đến đó, rồi trở lại đền và biến mất. Vua sai quân lính theo vết chân ngựa mà xây thành thì quả nhiên được.
Bạch Mã - linh vật thiêng liêng được thờ phía trong đền.
Đền quay mặt về hướng Nam, trên khu đất có chiều sâu 37.33m, rộng 15.96m. Đền có quy mô lớn gồm: Tam quan, Phương đình, Đại Bái, Thiêu hương, Cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau. Phương đình mới được xây dựng năm 1839 dưới thời Nguyễn nên mang đậm phong cách kiến trúc thời này.
Những con nghê trên xà ngang và những lồng đèn hình hoa sen trên đầu bốn xà nách gần gũi với kiến trúc Phương đình ở Hội An.
Đại bái có bộ vì kèo được kết cấu theo lối “chồng rường, giá chiêng”, mái phân theo kiểu “thượng tam, hạ tứ”. Trên các cốn gỗ, xà nách, các vì chồng rường có nhiều mảng chạm khắc. Đề tài trang trí là mây lửa, hoa lá. Nối đại bái với nhà thiêu hương là mái vòm “vỏ cua” hình bán nguyệt, trang trí hoa lá.
Trong cung cấm có một sàn gỗ cao, ván bưng ba mặt để làm nơi tọa lạc của thần Long Đỗ. Tượng thần Long Đỗ ngồi trong khảm, luôn được bưng kín. Cả tượng và khảm là sản phẩm dưới thời Nguyễn.
Ban thờ thần Long Đỗ.
Trong các di tích thuộc “Tứ trấn”, đền Bạch Mã trấn phía Đông được xây dựng sớm hơn cả. Tồn tại trong lòng phố cổ với nhiều màu sắc, yếu tố nghệ thuật kiến trúc cùng một hệ truyền thuyết đầy tính lịch sử và triết học về vị thần được thờ; đền Bạch Mã mãi mãi giữ nguyên giá trị về một mốc giới thiêng của kinh thành Thăng Long xưa.
Trấn phía Tây - đền Voi Phục
Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp hai con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền thờ Linh Lang đại vương - ngài là Hoàng tử, con của Vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Hạo Nương. Tương truyền lúc mới sinh trước ngực Hoàng tử có chùm sao Bắc Đẩu, lưng có 28 vì tinh tú xếp như vẩy rồng.
Đôi voi chầu từ ngoài cổng vào tại đền Voi Phục.
Thế kỷ XI, giặc Tống xâm lược nước Đại Việt ta. Vua chiêu mộ người tài giỏi ra đánh giặc. Hoàng tử Linh Lang cầm cờ, cưỡi voi xông ra trận, đánh cho giặc thua tan tác. Sau khi thắng trận, Linh Lang tâu rằng mình không phải người trần rồi hóa thành con giao long dài trăm trượng và biến mất. Trong đền có thờ hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long và trườn xuống hồ.
Đền Voi Phục – Thủ Lệ được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng nằm ở góc phía Tây Nam kinh thành Thăng Long cũ, thuộc địa phận làng Thủ Lệ, nay là công viên Thủ Lệ.
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), di tích đã được UBND quận Ba Đình trùng tu, tôn tạo. Cùng với đó, ngôi điện thờ Mẫu được phục dựng theo nguyên mẫu từ cung Vinh Hoa, do vua Lý Thánh Tông xây dựng. Trong cung thờ tam tòa Thánh Mẫu và bà Vương phi Hạo Nương - người đã sinh hạ Hoàng tử Linh Lang. Công Đồng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế - Vua cha Bát Hải – Vua cha Diêm Vương… Tất thẩy tại đây có 23 pho tượng đồng.
Quang cảnh đền Voi Phục
Toàn bộ khuôn viên thờ cũng đặc biệt tâm linh: “Tiền thờ Thánh - Hậu thờ Mẫu” mang nhiều dấu ấn lịch sử linh thiêng, hợp tự phối thờ Đạo Mẫu, xứng tầm “Thượng đẳng tối linh từ”.
Đường vào đền có nhiều cây cổ thụ, cạnh hồ thủ lệ, khuôn viên rộng rãi nên được coi là một cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội.
Trấn phía Nam - Đình Kim Liên
Đình Kim Liên còn gọi là đền Cao Sơn do thờ thần Cao Sơn. Thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ.
Đình Kim Liên có từ thời vua Lý Thái Tổ. Trước đây thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay đình không còn nguyên dạng (toàn bộ nhà bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại nhà hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai dải vũ.
Trước đình là một cổng gạch gồm 2 trụ cột, bên trên là 2 con nghê. Qua cổng là một sân gạch rộng, hai bên là hai dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian. Tam quan và đình xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê.
Cổng tam quan và bậc thềm mang dấu ấn của thời Lê.
Tam quan xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn góc có bốn cột trụ. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Câu đầu và hai bẩy của bộ vì ngoài được chạm lộng các hình tứ linh.
Đình nằm trên gò đất cao, quay mặt về hướng Nam, kiến trúc của Đình kết cấu chữ “Đinh” (T) gồm bái đường 5 gian và hậu cung.
Tòa bái đường phần khung, cột sơn son thiếp vàng, có nhiều bức chạm với kỹ thuật tinh xảo. Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương, hai bên cạnh Thần có hai nữ thần thờ phối hưởng đó là Thủy Tinh đệ tam - Tôn Nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa.
Đình còn giữ được 39 đạo sắc phong, trong đó 26 đại thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời Nguyễn, cổ nhất là sắc phong năm 1620. Di sản quý báu của Đình đặc biệt còn tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” cao 2,43m – rộng 1,57m – dày 0,22m.
Tấm bia đá trong hốc cây ghi về thần tích và bài minh ca ngợi thần Cao Sơn, do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ 3 (1510)
Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh nằm giữa ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh.
Đền được lập từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010). Vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán. Quán là nơi thời tự của đạo Giáo, dân chúng quen gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Quán Thánh.
Trong đền, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen. Tượng cao 3,96m, nặng 4 tấn. Tượng mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, xõa tóc không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lưng lên một con rùa.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của những nghệ nhân Việt thế kỷ XVII.
Có một quả chuông hiện treo ở gác chuông ngoài tam quan. Chuông cao gần 1,5m, tiếng chuông trong, ngân nga, vang xa và động mãi trong lòng người dân Hà Nội.
Đền Quán Thánh còn được coi là bảo tàng thu nhỏ về đồ đồng với các hiện vật rất có giá trị.
Hiện nay, đền Quán Thánh còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý giá, một hệ thống đại tự và những bài thơ được khắc trên gỗ. Từ pho tượng Trấn Vũ tới các cây đèn, chảo, chuông, khánh, bát bửu… đều bằng đồng.
Đền Quán Thánh là một danh thắng của Thủ đô nằm ven hồ Tây với lối kiến trúc độc đáo, những hiện vật quý giá luôn níu chân nhiều du khách khi đến với Hà Nội.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, bốn ngôi đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh vẫn luôn là những địa điểm linh thiêng được đông đảo người dân và du khách quốc tế quan tâm.
Trần Thị Ngọc Thúy - Lê Hoàng Phương Anh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo