(Xây dựng) - Ngày 30/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã chủ trì buổi họp với Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035.
Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế của toàn thị xã
Trình bày trước Hội đồng, nhóm tác giả đồ án là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phân tích lý do và sự cần thiết lập quy hoạch; mục tiêu, tính chất, quy mô của quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh…
Theo đó, thị xã Kỳ Anh được thành lập theo Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với diện tích tự nhiên hơn 28 nghìn ha và dân số 85.508 người; bao gồm toàn bộ phạm vi của Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (9 xã), thị trấn Kỳ Anh và 2 xã Kỳ Hoa và Kỳ Hưng của huyện Kỳ Anh trước đây.
KKT Vũng Áng thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh có cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương và các tuyến đường giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua. Đây là KKT động lực có tầm quốc tế và là một trong 5 KKT trọng điểm ven biển của cả nước đang được Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư. Khu vực này tập trung số lượng lớn lao động của Hà Tĩnh.
Bên cạnh vai trò là một trung tâm công nghiệp, thị xã còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển, các khu trang trại sinh thái gắn với vùng cảnh quan chân núi Bàn Độ, núi Hoành Sơn…
Mục tiêu lập quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế của toàn thị xã, phát triển tốt ngành kinh tế mũi nhọn, trong mối tương quan bền vững tổng thể và hài hòa của toàn nền kinh tế, môi trường và xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, lập quy hoạch cũng làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch.
Theo nhiệm vụ quy hoạch chung, tính chất đô thị Kỳ Anh là đơn vị hành chính; là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, trọng tâm là công nghiệp và dịch vụ cảng biển; là đô thị có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ.
Những vấn đề chú trọng
Theo Đồ án, phạm vi lập quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 là toàn bộ phạm vi trong địa giới hành chính của thị xã với diện tích tự nhiên hơn 28 nghìn ha. Phía Đông giáp vịnh Bắc bộ, phía Tây và phía Bắc giáp huyện Kỳ Anh; phía Nam giáp huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Dân số hiện trạng của thị xã Kỳ Anh năm 2014 là 85.508 người; trong đó dân số nội thị là 54.208 người. Tốc độ tăng trưởng dân số giai đoạn 2009 - 2014 trung bình là 6%/năm, trong đó, một lượng lớn tăng cơ học là do lao động nhập cư làm việc trong các dự án xây dựng các cơ sở công nghiệp và đô thị.
Đồ án Nhiệm vụ quy hoạch chung còn chỉ ra các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của Kỳ Anh; các nguyên tắc về tổ chức không gian, kiến trúc, kết nối hạ tầng kỹ thuật…
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Đình Toàn kết luận: KKT Vũng Áng hiện đang được cả nước đặc biệt quan tâm, do vậy, thị xã Kỳ Anh cũng là một đô thị mang nhiều tính chất đặc thù. Nhiệm vụ quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh tuy được triển khai từ lâu nhưng kết quả vẫn còn sơ sài, không chỉ ra được đặc thù riêng của thị xã Kỳ Anh. Đồ án cũng cần xác định mối liên hệ thị xã với KKT Vũng Áng.
Thứ trưởng lưu ý, Đồ án phải chỉ rõ ranh giới của thị xã Kỳ Anh và KKT Vũng Áng. Dân số cơ học của thị xã trong tương lai là khá lớn do vậy, Đồ án phải chủ động quy hoạch khu nhà ở cho người lao động; xây dựng cơ chế quản lý đất đai một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, cần phân vùng rõ ràng như vùng phát triển nhiệt điện, công nghiệp sản xuất, vùng phát triển đô thị…
Thị xã hiện tại sẽ gồm đô thị và nông thôn, ranh giới đất đai do đó, cần nghiên cứu ranh giới quy hoạch rộng hơn cho tương lai. Hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các đường mới cần có sự kết nối vùng. Đặc biệt, đây là vùng có lợi thế về du lịch nên trong nhiệm vụ cần nhắc đến phát triển du lịch cho thị xã…
Thứ trưởng yêu cầu phía Chủ nhiệm Đồ án và chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện thủ tục pháp lý trình Bộ Xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Ngọc Hà
Theo