Chủ nhật 06/10/2024 05:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Đại học quốc gia TP.HCM

09:04 | 25/12/2013

Ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội đồng thẩm định đồ án  Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Đại học quốc gia (ĐHQG) TP.HCM. Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) là đơn vị tư vấn lập đồ án.

ĐHQG TP.HCM quy mô đào tạo 65 nghìn sinh viên được quy hoạch trên diện tích 643,7ha, thuộc địa phận quận Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Trước đó, năm 2003, tại Quyết định số 660/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch ĐHQG TP.HCM tỷ lệ 1/2000 với diện tích đất 643,7ha, quy mô đào tạo 50 nghìn sinh viên.

Sau 10 năm triển khai, nhiều công trình đã được hình thành, nhiều định hướng quy hoạch đã được cụ thể hóa bằng các giải pháp thiết kế cụ thể và đang tiếp tục được hình thành trên mặt bằng dự án.

Tuy nhiên, cũng sau 10 năm, nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo đã có những thay đổi. ĐHQG TP.HCM đã lựa chọn hướng đi là đào tạo chất lượng cao, quy mô 65 nghìn sinh viên.

Trong khu vực dự án cũng đã hình thành đô thị đại học. Công tác triển khai các dự án thành phần cũng xuất hiện các yêu cầu nội tại, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch.

Kế thừa những kết quả nghiên cứu, triển khai đầu tư đã có, đồ án quy hoạch điều chỉnh lần này hạn chế tối đa việc làm chậm tiến độ triển khai chung; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, phù hợp với định hướng phát triển chung của khu vực.

Đồ án đề xuất hình thành không gian đô thị đại học đặc thù, chất lượng cao, phục vụ hoạt động nhà nghiên cứu, đào tạo và học tập; tăng cường kết nối các dự án với các khu vực kế cận, kết nối giữa các khu vực chức năng trong nội bộ dự án.

Cụ thể, đồ án điều chỉnh quy hoạch tiếp tục duy trì 6 khu chức năng chủ đạo gồm khu điều hành; khu đào tạo; khu KTX và nhà công vụ; khu các Viện, trung tâm nghiên cứu; khu trung tâm dịch vụ cộng đồng; công viên cây xanh mặt nước. Các khu chức năng này sẽ thành 2 vùng không gian với trọng tâm là trung tâm dịch vụ công cộng 1 và 2.

Đồng thời, đồ án quy hoạch cũng điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các kết nối về giao thông với các tuyến đường Xa lộ Hà Nội, QL 1A, QL 1K, đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên theo các dự án đang triển khai; hình thành tuyến đường vành đai phía bắc để giới hạn sự phát triển đô thị lan tỏa vào trong khu vực dự án, dịch chuyển các luồng giao thông quá cảnh qua khu vực dự án; hạn chế giao thông cơ giới làm ảnh hưởng đến yêu cầu yên tĩnh và an toàn hoạt động của môi trường học tập, nghiên cứu.

Đồ án điều chỉnh không gian 2 trung tâm dịch vụ công cộng gắn với 2 khu vực KTX sinh viên để hình thành trung tâm lớn về dịch vụ đào tạo và dịch vụ đời sống cho sinh viên. Thiết kế không gian của 2 trung tâm này được tăng cường bởi các công trình sử dụng chung, đặt tại các dự án thành phần theo mô hình phố đại học. Đây cũng là 2 không gian điểm nhấn cho đô thị đại học trong tương lai.

Cũng theo quy hoạch, các không gian công cộng, không gian mở cho các hoạt động đa dạng của sinh viên, cán bộ giảng viên, nhà khoa học sẽ hình thành theo các chủ đề, các khu vực khác nhau.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên các quảng trường công cộng, các tổ hơp công trình, các không gian hoạt động giàu sức sống, các hoạt động văn hóa ban ngày và ban đêm…

Đồ án cũng nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế quy hoạch kiến trúc các dự án khoa/ trường để nâng cao chất lượng không gian, gắn kết không gian chung của toàn dự án cũng như khai thác, phát huy đặc điểm địa hình tự nhiên, bổ sung các công trình cho nhu cầu phát triển trong tương lai…

Khu vực KTX sinh viên được xây dựng bổ sung các dịch vụ công cộng, tăng cường các không gian giao lưu, sân bãi cho hoạt động thể chất, công trình cho các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, đồ án quy hoạch 2 phố đi bộ dành cho sinh viên. Gắn với 2 phố đi bộ là các tổ hợp công trình đa năng phục vụ nhu cầu đa dạng của sinh viên và giảng viên.

Không gian xanh bao gồm các công viên mặt nước tập trung, các công viên sân vườn của các dự án thành phần, cây xanh dọc các tuyến đường được kết nối thành mạng lưới với hạt nhân là các khu vực hồ được cải tạo cảnh quan, thiết kế theo chủ đề để hình thành nên cấu trúc sinh thái, không gian công cộng phục vụ các hoạt động nghỉ dưỡng, giao lưu trong đô thị đại học.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu gia tăng về quy mô, yêu cầu hoạt động của đô thị đại học. Về cơ bản, các tuyến hạ tầng đã được đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng, tuy nhiên chúng vẫn cần xem lại các điểm đấu nối, ví trí, quy mô các công trình hạ tầng đầu mối, các yêu cầu thẩm mỹ của công trình trên mặt đất và đưa về khu điều khiển vận hành chung cho toàn dự án…

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồ án được nghiên cứu công phu, tuân thủ đầy đủ những quy định hiện hành về định hướng sử dụng đất. Dự án ĐHQG TP.HCM sẽ góp phần thực hiện chương trình di dời cơ sở đào tạo  từ trung tâm TP ra bên ngoài.

Việc phát triển các không gian, công trình đặc trưng của đô thị đại học như phố đại học, phố đi bộ, khu vực quảng trường, công viên mở để giao lưu hoạt động, các không gian yên tĩnh, an toàn… sẽ góp phần tạo nên hình thái đặc trưng của đô thị đại học. Tuy nhiên đồ án cũng cần xác định rõ các dự báo cũng như tính toán cho phù hợp điều kiện thực tế.

Kết luận hội nghị thẩm định, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao quá trình triển khai đồ án công phu và đầy đủ.

Thứ trưởng chỉ đạo: Đồ án cần chỉnh sửa theo một số ý kiến đóng góp của các bộ, ban ngành để điều chỉnh, hoàn thiện, sớm trình Chính phủ. Đồ án cũng cần rà soát kỹ những vấn đề phù hợp về quy mô dân số, quy mô cán bộ giảng dạy của trường cho phù hợp với điều kiện thực tế. Hệ thống hạ tầng cũng cần điều chỉnh và rà soát đồng bộ với giải pháp cho 3 điểm nhấn là khu hành chính, khu dịch vụ và KTX…

Thanh Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load