Thứ năm 18/04/2024 22:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Vì sao mỏ sắt Trại Cau phải ngừng khai thác?

08:24 | 28/04/2020

(Xây dựng) - Không có kinh phí đền bù, từ tháng 5/2020, mỏ sắt Trại Cau sẽ dừng hoạt động nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân địa phương do sụt lún đất, mất nước.

thai nguyen vi sao mo sat trai cau phai ngung khai thac
Moong tầng sâu Núi Quặng tại mỏ sắt Trại Cau.

Mỏ sắt Trại Cau ra đời cùng với sự xuất hiện của khu gang thép Thái Nguyên mà sau này là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Chính sự có mặt của mỏ sắt Trại Cau, thị trấn Trại Cau (thuộc thành phố Thái Nguyên) cũng mới được thành lập (19/10/1962) và sau này chuyển sang trực thuộc huyện Đồng Hỷ.

Thời kỳ cao điểm, mỏ sắt Trại Cau có khoảng 4.000 chuyên gia nước ngoài, cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Gang thép Thái Nguyên hoạt động, sản xuất thép để xây dựng đất nước.

Sau gần 60 năm khai thác, điều kiện khai thác quặng tại mỏ sắt Trại Cau ngày càng khó khăn, phải khai thác dưới độ sâu 50 - 60m so với mặt đất, địa chất phức tạp, nhưng mỗi năm mỏ sắt Trại Cau vẫn khai thác hơn 100 nghìn tấn quặng phục vụ luyện thép của Tisco.

Mặc dù Tisco có nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu để nấu gang phục vụ luyện phôi và cán thép, nhưng lượng tinh quặng sắt được khai thác ở mỏ sắt Trại Cau vẫn đóng vai trò quan trọng, bởi chất lượng tốt, được dùng để phối trộn trong quá trình nấu gang.

Khai thác sâu, cùng với nổ mìn, hút nước tháo khô moong đã tác động đến khu vực xung quanh. Nhiều nhà dân trong vùng mỏ bị nứt, lún; đất nông nghiệp bị sụt; cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù lượng quặng sắt chất lượng cao manhetit vẫn còn nhưng ở tầng sâu trong lòng đất. Nếu khai thác được số quặng sắt đó thì chi phí bóc dỡ đất đá, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, đền bù, hỗ trợ thiệt hại do hệ lụy của hoạt động khai mỏ gây ra là rất lớn. Đến nay, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân và chi phí khác liên quan, Tisco đã chi gần 45 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên đã đồng hành cùng doanh nghiệp quan tâm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Song do yêu cầu bức thiết cần phải di dân, lên phương án xây dựng khu tái định cư mới lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt quá khả năng của Tisco bởi doanh nghiệp này hiện cũng đang nằm trong giai đoạn cực kỳ khó khăn do công nghệ cũ kỹ, dự án giai đoạn II xây dựng dở dang…

Thấy rằng khả năng khó đáp ứng nổi gánh nặng, sức ép tài chính này, Ban lãnh đạo Tisco đã đi đến quyết định tạm dừng hoạt động khai thác của mỏ sắt Trại Cau từ ngày 1/5/2020.

Thông báo là tạm dừng hoạt động, nhưng ai cũng hiểu là mỏ sắt Trại Cau sẽ không có cơ hội hoạt động trở lại bởi sau một thời gian không khai thác, để vận hành lại mỏ, phải hút tháo khô lượng nước trong moong sẽ rất tốn kém và sụt lún diễn ra. Trong khi đó, với những gì đang diễn ra không khó để thấy rằng Tisco và mỏ sắt Trại Cau không có tiềm lực tài chính để giải quyết sụt lún, hỗ trợ đời sống nhân dân.

thai nguyen vi sao mo sat trai cau phai ngung khai thac
Sụt lún đất thường xuyên diễn ra ở các khu vực gần moong khai thác của mỏ.

Việc tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ sắt Trại Cau là tin vui với các hộ dân chịu ảnh hưởng ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, bởi từ nay bà con sinh sống ở xung quanh khu vực sẽ không phải sống trong cảnh thấp thỏm sợ hãi nhà sập, đất sụt lún, mất nước.

Tuy nhiên, đó lại là mối lo của những người đã và đang gắn bó với mỏ sắt Trại Cau. Đó là câu chuyện 190 cán bộ, công nhân, trong đó đội ngũ dưới 45 tuổi chiếm đến 80% nhiều năm gắn bó với mỏ không có việc làm, đời sống khó khăn.

Ông Mạc Đăng Niên - Giám đốc mỏ sắt Trại Cau cho biết: Trong thời điểm tạm dừng khai thác, chúng tôi sẽ sắp xếp một bộ phận cán bộ, công nhân để trông nom cơ sở vật chất của mỏ. Số lao động còn lại, ai đến tuổi sẽ cho nghỉ chế độ, một số người sẽ sắp xếp công việc khác phù hợp trong công ty, trường hợp không sắp xếp được sẽ cho nghỉ việc và căn cứ vào tình hình tài chính của công ty để có chế độ hỗ trợ phù hợp…

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, Dự án đầu tư khai thác quặng sắt tầng sâu núi quặng của Tisco được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2025 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, công suất khai thác quặng là 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc sản xuất kinh doanh của đơn vị gặp không ít khó khăn, trong khi đó doanh nghiệp lại phải chi khá lớn cho việc bảo vệ môi trường, giải quyết những hậu quả từ hoạt động khai thác. Do đó, việc tạm dừng khai thác của Tisco lúc này được xem là giải pháp tình thế để có thời gian giải quyết những khó khăn đang tồn đọng.

“Về phần quặng sắt phục vụ sản xuất, mỏ sắt Tiến Bộ đi vào hoạt động từ năm 2014 cũng sẽ cơ bản đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho Tisco”, đại diện Tisco cho biết thêm.

Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại hiện trường, nếu không có biện pháp cụ thể ngăn ngừa, nguy cơ sau một thời gian ngừng khai thác (nước đầy, cỏ mọc….) moong tầng sâu núi quặng có thể sẽ trở thành hiểm họa đối với gia súc và người dân địa phương…

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load