Thứ bảy 14/12/2024 10:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên triển khai công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè

23:31 | 07/04/2017

(Xây dựng) - Ngày 5/4, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 1289/UBND-QHXD chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng triển khai công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trong các đô thị trên địa bàn tỉnh cần được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các đoàn thể; trước mắt tập trung triển khai đồng bộ việc lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè các tuyến đường trục chính trong các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, việc triển khai thực hiện theo 4 bước gồm: UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện đo đạc, cắm mốc hành lang vỉa hè, xác định cụ thể mức độ vi phạm của từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; Lập biên bản vi phạm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm; Sau đó, thực hiện kiểm tra nhắc nhở và định ra thời hạn thực hiện tự tháo dỡ; Cuối cùng sẽ là tổ chức tháo dỡ đối với các trường hợp không chấp hành và xử phạt theo quy định.


Công trình xây dựng sai phép này dù đã có Quyết định dừng thi công nhưng vẫn ngang nhiên lên tầng 5 và đang hoàn thiện.

Tại Công văn này, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo chính quyền phường, xã, thị trấn triển khai, xây dựng dự toán, bố trí kinh phí công tác đo đạc, cắm mốc hành lang vỉa hè, lập hồ sơ vi phạm. Các Sở, Ban, ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình tổ chức đo đạc, cắm mốc hành lang vỉa hè, lập hồ sơ vi phạm.

Theo đó việc xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức đo đạc, cắm mốc hành lang vỉa hè, xác định mức độ vi phạm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ công trình vi phạm thực hiện trong tháng 4/2017, triển khai đồng bộ việc tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm trong tháng 5/2017.

Sau một năm

Nhằm đưa công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh vào nền nếp và hoạt động hiệu quả, ngày 15/3/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 8/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương đô thị, đồng thời ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh để trực tiếp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và đôn đốc các Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý trật tự đô thị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Báo cáo đánh giá của Sở Xây dựng cho thấy, sau khi Chỉ thị 08/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên được ban hành, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, hiệu quả tích cực; thể hiện từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng cấp phép xây dựng, thực hiện quy hoạch xây dựng, kiểm tra, xử lý vi phạm quản lý trật tự xây dựng cho đến chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường đô thị... Theo đó, đã có 9/9 huyện, thành, thị thành lập Ban Chỉ đạo quản lý trật tự đô thị; trên 2.800 công trình được cấp phép xây dựng theo quy định; các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư đã cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng các quy định; lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 73 công trình xây dựng vi phạm trong hoạt động xây dựng; một số phường, xã thành lập đội tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; nhiều hàng quán, trái vẩy vi phạm hành lang an toàn giao thông được tháo dỡ,...

Còn nhiều việc phải làm

Báo cáo của Sở Xây dựng Thái Nguyên cũng chỉ rõ: Bên cạnh kết quả làm được, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất là trong quy hoạch, kiến trúc công trình và mặt đứng các tuyến phố trong các đô thị; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật nổi và ngầm; thực hiện cấp phép xây dựng và quản lý cấp phép xây dựng, biển quảng cáo, trái vẩy, nhà tạm..


Công trình xây dựng không phép nằm ngay trên đường lớn tại trung tâm TP Thái Nguyên đến nay đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, thực tế công tác quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng tại các đô thị lớn của Thái Nguyên còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp xây dựng không phép, xây dựng sai phép không được xử lý triệt để như công trình của công ty Quang Đạt tại Thị xã Phổ Yên, các công trình sai phép trên đường Việt Bắc và công trình không phép trên đường Quang Trung ở TP Thái Nguyên… khiến tình trạng này ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, riêng UBND TP Thái Nguyên trong năm 2016 đã ban hành Quyết định cưỡng chế buộc phải tháo dỡ, phá dỡ 15 công trình xây dựng nhưng đến thời điểm này chưa có một công trình nào trong số này được thực hiện theo đúng quyết định đã ban hành.

Trong khi đó, sau khi có Chỉ thị 08/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm 4 chương 17 điều, nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc phản ánh thông tin, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương.

Vì vậy, rất nhiều người cho rằng tỉnh Thái Nguyên cần quyết liệt hơn nữa, quy trách nhiệm tới từng cá nhân, tập thể trong việc quản lý và xử lý trật tự đô thị cũng như trật tự xây dựng trên địa bàn. Có như thế mới có thể đưa hoạt động xây dựng nói riêng và trật tự đô thị nói chung đi vào nền nếp như mong muốn.

NTV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load