Thứ tư 24/04/2024 22:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm

09:07 | 21/10/2022

(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022.

thai nguyen thuc day giai ngan von dau tu cong trong nhung thang cuoi nam
9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thái Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt 76,02% so với kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Các huyện, thành phố và các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn.

Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình các dự án, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tối đa tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai làm chậm tiến độ giải ngân vốn. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hồ sơ thanh toán đối với khối lượng của dự án và gửi hồ sơ, trực tiếp làm việc với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo đúng quy định.

Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án bồi thường, bảo đảm tiến độ thực hiện; đẩy nhanh việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại địa bàn các huyện, thành phố; đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân cao, còn thiếu vốn; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên liệu, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá để trục lợi.

Yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương có vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 đến ngày 30/9/2022 đạt dưới 30% làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các chủ đầu tư đến ngày 30/9/2022 có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thái Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt 76,02% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 7 trong số các địa phương có kết quả giải ngân cao nhất.

Dù kết quả chung của cả tỉnh Thái Nguyên đạt cao, nhưng theo Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, còn một số đơn vị chậm giải ngân, gồm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (0%); Chi cục Kiểm lâm tỉnh (0%); Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên (0%); Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (0%); Sở Tài nguyên và Môi trường (0%); Sở Thông tin và Truyền thông (1%); Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (6%); Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên (20%); Sở Giáo dục và Đào tạo (38%)…

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load