Thứ bảy 20/04/2024 01:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Tạo cơ chế đặc thù xây dựng hạ tầng nông thôn mới

09:23 | 06/10/2021

(Xây dựng) - Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xuất phát từ thực tế địa phương, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng.

thai nguyen tao co che dac thu xay dung ha tang nong thon moi
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được trên 10.794km đường giao thông nông thôn.

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (năm 2010) toàn tỉnh mới có 01/137 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông theo bộ tiêu chí nông thôn mới (0,7%); đến năm 2020, đã có 119/137 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt tỷ lệ 86,7%); Nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn về xây dựng đường giao thông từ 0,7% lên 86,7%.

Toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 10.794km đường giao thông nông thôn (trong đó: xây mới 5.378km; cải tạo, nâng cấp 5.416km); Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ; bề rộng mặt đường được mở rộng; nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông, trồng hoa, cây xanh… bảo đảm đạt, vượt chuẩn đem lại diện mạo mới cho vùng nông thôn tỉnh Thái Nguyên.

Có được kết quả đó là nhờ địa phương này đã kịp thời ban hành một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xuất phát từ thực tế.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015: Tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho các xã điểm 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã, thực hiện từ năm 2013. Giai đoạn 2016- 2020 Thái Nguyên hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới bình quân 4 tỷ đồng/xã; các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã; xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là 300 triệu đồng/xã và các xã còn lại là 400 triệu đồng/xã. Trong khi đó, về xi măng từ năm 2012 đến năm 2020 tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ 663.200 tấn.

Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua triển khai các dự án, đề án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, như: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020; Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020; Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020; Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2025…

Ngoài ra, từ năm 2011-2020, Thái Nguyên cũng đã bố trí 102.802 triệu đồng (khoảng 10 tỷ đồng/năm) hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn hỗ trợ người dân vay vốn trên 47.312 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành một số cơ chế riêng của địa phương để hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới như: Hỗ trợ một phần kinh phí mua vật liệu chủ yếu (đá, cát, xi măng, ống cống…) làm đường giao thông nông thôn (thị xã Phổ Yên, các huyện Định Hóa, Võ Nhai); Thành lập quỹ xây dựng nông thôn mới (huyện Định Hóa- Võ Nhai); Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa (thị xã Phổ Yên, các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình…); Hỗ trợ nâng cấp cải tạo nghĩa trang xóm, liên xóm (huyện Võ Nhai); Hỗ trợ xây dựng hộ gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới kiểu mẫu (thành phố Sông Công, huyện Định Hóa); Hỗ trợ lập hồ sơ thiết kế đối với các công trình kết cấu hạ tầng đơn giản như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa (huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai…)

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, năm 2021 tỉnh Thái Nguyên có 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và đã đạt 14/19 tiêu chí trở lên; 8 xã đăng ký đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, tỉnh đang hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện chương trình, trình HĐND tỉnh phê duyệt.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load