- Bóc trần âm mưu lập dự án lò mổ tập trung để khai thác cát, sỏi tại Thái Nguyên
- Thái Nguyên: Lập dự án lò mổ tập trung để... khai thác cát, sỏi
(Xây dựng) - Trước tình trạng còn một số bất cập trong khai thác, tập kết, vận chuyển, mua bán cát sỏi trái phép trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị về quản lý các hoạt động này.
Tình trạng lợi dụng lập dự án để khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra và chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực; các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khoáng sản trái phép. Hoạt động khai thác trái phép khoáng sản nói chung và khoáng sản cát sỏi nói riêng đã từng bước được chấn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát cho thấy hiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: thiếu sự tập trung, đồng bộ trong công tác quản lý, tại một số địa phương cấp huyện, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn chưa được quan tâm đúng mức; việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, kém hiệu quả; đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản cát sỏi trái phép trên Sông Cầu, Sông Công, các suối nhánh ở các huyện: Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, Phú Lương và Đồng Hỷ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách. Công tác quản lý, giám sát về các bến bãi tập kết, khối lượng, nguồn gốc trong quá trình vận chuyển còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Trước tình hình trên, ngày 19/4, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành Chị thị số 9/CT - UBND về việc tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển cát sỏi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản cát sỏi trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai liên quan đến hoạt động khoáng sản cát sỏi, các trường hợp lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép; Chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã lập Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, quản lý việc khai thác, tập kết, vận chuyển, mua bán cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản cát sỏi; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý tài nguyên khoáng sản cát sỏi, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cát sỏi đối với cán bộ, công chức thuộc UBND cấp huyện, cấp xã và các lực lượng chuyên ngành, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khoáng sản để nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản cát sỏi tại địa phương. Tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện và phản ánh kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là các địa phương chưa cấp mỏ để phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý việc khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản cát sỏi đã cấp phép; đảm bảo việc khai thác, chế biến cát sỏi phải gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan và an toàn lao động.
UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chỉ đạo UBND các xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ khoáng sản cát sỏi chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện các biện pháp để phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản cát sỏi trái phép từ khi mới xảy ra; trục xuất ra khỏi địa bàn các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép không phải là người địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; Xây dựng Kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản cát sỏi chưa khai thác. Lập kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện giám sát thường xuyên đối với những địa bàn thường xảy ra hoạt động khai thác cát sỏi trái phép. Trường hợp cần hỗ trợ thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện kiểm tra, giải quyết. Trường hợp cần được hỗ trợ của cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết; Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát tất cả các địa điểm tập kết, mua bán khoáng sản cát sỏi trái phép trên địa bàn quản lý, thu giữ toàn bộ số lượng khoáng sản cát sỏi và xử lý theo quy định pháp luật (nếu số lượng khoáng sản kiểm tra không có nguồn gốc hợp pháp);
Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh trong việc xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân trong bộ máy quản lý có hành vi buông lỏng, bao che cho các hoạt động khoáng sản trái phép, để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trong một thời gian dài (từ 10 ngày trở lên). Đảng uỷ, HĐND, UBND cấp xã nơi để xẩy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong thời gian dài mà không tự giải toả, xử lý được thì phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Huyện uỷ, HĐND, UBND cấp huyện.
NTV
Theo