(Xây dựng) - Tỉnh Thái Nguyên đã và đang có những động thái tích cực nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong việc duy trì, giữ gìn, bảo vệ công trình đê điều, kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa lũ.
Thái Nguyên hiện có 6 tuyến đê với tổng chiều dài gần 50 km trải dọc theo bờ hữu sông Cầu và bờ tả sông Công. Các tuyến đê này có nhiệm vụ bảo vệ các khu dân sinh, kinh tế, khu công nghiệp và hàng nghìn héc ta đất canh tác cho thành phố Thái Nguyên và 2 huyện Phú Bình, Phổ Yên.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2012 đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó, đã giải quyết được 67 vụ, còn 131 trường hợp tồn tại. Tình trạng vi phạm chủ yếu là làm lều quán, xây tường rào, làm mái hiên… trong hành lang bảo vệ đê. Cá biệt có trường hợp xây dựng công trình kiên cố, đổ rác thải trong hành lang bảo vệ đê kè, cống ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều.
Trước tình hình trên, từ tháng 11/2015 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Nguyên đã triển khai thực hiện giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc duy trì, giữ gìn, bảo vệ công trình đê điều, kịp thời xử lý sự cố đê điều trong mùa mưa lũ.
Báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tính đến đầu năm 2016, trên các tuyến đê đã có 139 trường hợp xây dựng nhà tạm, lều quán, mái tôn… trong hành lang đê tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Các trường hợp còn lại Chi cục tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến đê đi qua để tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ.
Trong 3 địa phương được chọn thực hiện điểm giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều năm 2015 là xã Hà Châu (huyện Phú Bình), xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên), phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) thì xã Hà Châu thực hiện đạt kết quả tốt nhất với 102 trường hợp đã giải tỏa, 11 trường hợp còn lại đang thực hiện. Trong khi đó tại xã Đông Cao, dù chỉ có 16 trường hợp vi phạm nhưng mới có 1 hộ tự tháo dỡ toàn bộ, 12 hộ tháo dỡ 1/5 đến ½ diện tích vi phạm; thậm chí phường Quang Trung còn chưa thể có con số thống kê cụ thể…
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tư xây dựng tại các tuyến đê tại Thái Nguyên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, phường nơi có các tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật: ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết nên dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới.
Trong khi đó nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Pháp lệnh Đê điều nên gây khó khăn cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc giải toả, di dời các công trình vi phạm.
Ở một số vụ vi phạm, mặc dù đã có chế tài, hướng dẫn, nhưng chưa có trường hợp nào bị các địa phương xử phạt hành chính về lĩnh vực đê điều.
Đặc biệt, một số địa phương, ngành khi cấp phép cho các hoạt động sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê chưa quan tâm đến phạm vị điều chỉnh của pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão cũng như không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn nên đã cấp đất, giao đất, cho thuê đất, thực hiện hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, hành lang thoát lũ...
Vẫn còn nhiều công trình vi phạm chưa bị xử lý.
Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngành sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiến hành giải toả các công trình trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị. Đối với các công trình nhà ở riêng biệt không thuộc khu dân cư tập trung, xử lý giải toả theo hành lang bảo vệ đê 25m, tính từ chân đê trở ra.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đồng thời phối hợp với chính quyền cấp huyện và cấp xã, nơi có tuyến đê đi qua để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật đê điều và phòng, chống lụt bão; tiếp tục triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật đê điều đối với các phường, xã có đê...
Để giải quyết dứt điểm những vụ vi phạm còn tồn tại trên các tuyến đê, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh đến hết quý IV năm 2016, thay vì hết quý IV năm 2015, như Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 23/9/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Nguyễn Thành
Theo