Thứ năm 18/04/2024 10:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Những bước phát triển ngoạn mục

19:00 | 24/04/2022

(Xây dựng) - Từ một tỉnh thuần nông với cây chè, cây lúa, củ khoai cùng cỗ máy công nghiệp nặng (Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên) già cỗi, kém hiệu quả, đã được cấp ủy, chính quyền Thái Nguyên mạnh dạn trong định hướng chuyển mình, để nhanh chóng đưa địa phương này dẫn đầu về sản xuất sản phẩm công nghệ cao của miền Bắc.

thai nguyen nhung buoc phat trien ngoan muc
Thành phố Thái Nguyên chuẩn bị thực hiện dự án tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5ha tại phường Trưng Vương.

Tăng trưởng kinh tế thần tốc

Nổi bật của sự dịch chuyển từ cây lúa và cỗ máy công nghiệp nặng là Khu liên hợp gang thép, cùng các hầm mỏ khai thác kim loại đen phục vụ sản xuất công nghiệp nặng, sang kinh tế công nghệ cao, đó là ngày 25/3/2013, Tập đoàn Samsung đã quyết định khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh, linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình.

Khi tổ hợp công nghệ cao này đi vào hoạt động, đã tạo ra việc làm mới cho con em nông dân, với mức thu nhập cao hơn chục lần so với làm nông nghiệp truyền thống. Từ đây, hàng chục nghìn người lao động khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với Samsung và có cuộc sống ổn định tại đây.

Từ điểm nhấn thành công về phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Yên Bình, tiếp đến 5 khu công nghiệp lớn hình thành và đi vào hoạt động như: Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ Yên, Điềm Thụy, Quyết Thắng với tổng diện tích 1.420ha, thu hút được 239 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 8,662 tỷ USD và trên 16.000 tỷ đồng.

Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đạt hơn 30 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 100.000 lao động, với thu nhập bình quân mỗi lao động phổ thông đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên hiện có 35 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha. Trong đó chỉ có 16 cụm có chủ đầu tư hạ tầng, 24 cụm có quy hoạch chi tiết, 15 cụm đã đi vào hoạt động ổn định, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 44%, thu hút được 71 dự án đầu tư của các doanh nghiệp và đang tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương.

Phát triển nhanh trong suốt 2 nhiệm kỳ, đã giúp cho mảnh đất Thái Nguyên rất nhiều cơ hội lớn không chỉ trong trước mắt, mà còn về lâu dài, bởi hàng loạt hạ tầng các khu công nghiệp lớn hình thành và đi vào ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động không chỉ trong tỉnh, mà các tỉnh thành miền Bắc đều có nhiều lao động đến với Thái Nguyên và đạt thu nhập ổn định, thậm chí còn thoát nghèo nhờ có việc làm thường xuyên tại những doanh nghiệp.

Việc tăng trưởng còn được thể hiện rõ nhất tại kết quả thu ngân sách của năm sau luôn cao hơn năm trước, theo lũy tiến tăng trưởng ổn định suốt 10 năm, góp phần đẩy số thu tăng nhanh từ 1.535 tỷ đồng năm 2010, chỉ trong vòng 10 năm, đã có số thu ngân sách Nhà nước đã tăng gần 10 lần (đạt hơn 15.260 tỷ đồng năm 2020), giúp Thái Nguyên trở thành top địa phương có thu ngân sách cao của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế cùng hạ tầng đồng bộ, đã thành một kỳ tích lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế địa phương, từng ngày dẫn dắt trở thành tỉnh có hội nhập kinh tế sâu rộng không chỉ trong khu vực, mà còn vươn ra thị trường thế giới, góp phần tạo ra nhiều việc làm có tay nghề và kỹ thuật cao tại các khu công nghiệp, tăng thu nhập và đời sống dân sinh cũng khấm khá từng ngày, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ cao, được xuất phát từ Thái Nguyên đã có mặt khắp nơi trên thế giới.

Sự bứt phá đi lên còn giúp cho Thái Nguyên tìm được chỗ đứng mới trong thập niên đầu thế kỷ 21, khi nhanh chóng chuyển mình từ nguồn gốc nền công nghiệp nặng lạc hậu, sang lựa chọn nền công nông nghiệp công nghệ cao theo xu thế thời đại 4.0, đã giúp mảnh đất, con người gắn với lúa chè Thái Nguyên năm xưa, nay được khởi sắc toàn diện, xứng đáng là điểm sáng của thành phố vệ tinh vùng Thủ đô Hà Nội, thủ phủ của vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa.

Trong quá trình phát triển, sự tăng tốc cùng những linh hoạt của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân để về đích sớm, sẽ khó tránh khỏi những sai sót, đặc biệt là việc vận dụng chính sách trong thu hồi đất lúa, màu, đất trồng rừng để làm khu dân cư, khu - cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, đã để lại những băn khoăn, thậm chí cả khiếu nại, rồi cả những bức xúc của một số người dân tại những nơi phải nhường đất ở, đất sản xuất để bàn giao cho chính quyền làm các khu công nghiệp, khu khai thác chế biến khoáng sản, khu dân cư, khu nông nghiệp công nghệ cao... đều đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, làm rõ, để giúp giải tỏa mọi nghi vấn của một số người dân về cách làm quyết đoán của chính quyền, giúp cho chính quyền cùng người dân đều nhìn thấu mọi sự việc, kể cả những thiếu sót, để kịp thời sửa chữa cùng đưa Thái Nguyên vững bước hơn trên con đường hội nhập.

thai nguyen nhung buoc phat trien ngoan muc
Chè vẫn là cây trồng chủ lực và trà vẫn là sản phẩm chính của Thái Nguyên.

Thêm một nhiệm kỳ sôi động?

Nhiệm kỳ mới 2021-2025 đã khởi động, người dân Thái Nguyên luôn tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp tại Thái Nguyên sẽ ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong xử lý các tình huống hành chính, để nhiệm kỳ mới có thêm nhiều đột phá, thành công trong đáp ứng tốt các điều kiện hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân sinh.

Ngay sau khi ổn định tổ chức, Thái Nguyên đã quyết sách nhiều dự án lớn với mục tiêu thay đổi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh, mạnh và bền vững hơn. Theo đó, hàng loạt dự án quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; mở rộng và phát triển không gian đô thị, phát triển khu công nghiệp, làm cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; quyết định chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tương lai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và thời gian tiếp theo đã được thông qua như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc gần 4 nghìn tỷ đồng; Dự án xây dựng quần thể khu văn hóa - thể thao - công viên cây xanh thị xã Phổ Yên quy mô 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh, xã Cao Ngạn - thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng; dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên tầm quốc tế 22.000 chỗ ngồi xây dựng tại xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình; Dự án đường du lịch Sông Công - Núi Cốc với tổng kinh phí trên 740 tỷ đồng…

Đáng chú ý là Dự án Samsung Electro-Mechanics tại Khu công nghiệp Yên Bình sẽ được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 920 triệu USD, từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD.

thai nguyen nhung buoc phat trien ngoan muc
Các dự án đường, dự án khu dân cư, khu đô thị hứa hẹn tiếp tục tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đã quyết định mời gọi đầu tư hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư nông thôn với mục tiêu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó dành nguồn lực đầu tư cho khu vực phía Nam tỉnh; đầu tư phát triển các đô thị đã xác định trong danh mục, đặc biệt là các đô thị có vai trò hạt nhân cấp vùng để thúc đẩy phát triển đô thị ở quy mô lớn, phát triển kết nối du lịch, dịch vụ với mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 40,5%, sau điều chỉnh tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ là 19 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV và 10 đô thị loại 5.

Đặc biệt, sau khi có phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên của Thủ tướng Chính phủ, Thái Nguyên đang gấp rút triển khai sắp xếp lại các cơ quan - đơn vị hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5ha tại phường Trưng Vương, đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn cho mỹ quan đô thị.

Mới đây, ngày 10/4/2022 chính thức đánh dấu sự ra đời của thành phố Phổ Yên, trực thuộc tỉnh Thái Nguyên theo nội dung Nghị quyết số 469 NQ-UBTVQH15 ngày 15/02/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên. Đây là thành phố thứ 3 thuộc tỉnh Thái Nguyên sau thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công. Sự kiện về trước thời hạn 2 năm này đã góp phần thúc đẩy quyết tâm của Thái Nguyên phấn đấu đưa huyện thuần nông Phú Bình, Đại Từ trở thành thị xã ngay trong nhiệm kỳ này.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load