Thứ năm 25/04/2024 19:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Nghiệm thu phần mỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp

22:34 | 09/09/2020


(Xây dựng) - Hội đồng nghiệm thu phần mỹ thuật Dự án xây dựng phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên đã tiến hành nghiệm thu phần mỹ thuật, công trình phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”.

thai nguyen nghiem thu phan my thuat du an dau tu xay dung phu dieu tai quang truong vo nguyen giap
Công trình phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” đã được nghiệm thu phần mỹ thuật.

Theo Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 26/8/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng nghiệm thu phần mỹ thuật Dự án xây dựng phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên có 21 thành viên do ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên làm Chủ tịch Hội đồng.

Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” là tác phẩm đã được trao giải Nhất tại cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp năm 2014 do UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Tác phẩm do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Phong và các cộng sự thực hiện.

Trải qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến góp ý của Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn, công trình phù điêu đã hoàn thành phần mỹ thuật trên chất liệu đá xanh nguyên khối.

Ở bức phù điêu bên trái: Mặt trước thể hiện nội dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ với các hình ảnh khắc họa gồm: Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cứu Quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; tình quân dân; Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại ATK Định Hóa; Đại tướng chúc mừng, động viên lực lượng phòng không sau chiến thắng tiến công lần thứ 3, đánh chiếm cứ điểm đồi A1; hình ảnh cờ Tổ quốc trên nóc hầm Đờ Cát.

Mặt sau phù điêu bên trái là một số hình ảnh văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên với các hình ảnh khắc họa gồm: Hồ Núi Cốc, múa lân sư rồng, hát Then của dân tộc Tày, lễ hội Lồng Tồng và một số hoạt động trong lễ hội.

Ở bức phù điêu bên phải: Mặt trước thể hiện nội dung Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển với các hình ảnh khắc họa gồm: Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mảng công nghiệp, khoa học kỹ thuật; khối đại đoàn kết dân tộc, khối giáo dục – y tế, sản xuất nông nghiệp, đồi chè thấp thoáng.

Mặt sau phù điêu bên phải là một số hình ảnh văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên với các hình ảnh khắc họa gồm: Hát Soọng Cô (của người Sán Dìu), văn hóa trà, múa tắc xình (của dân tộc Sán Chay), múa rối Tày, lễ cấp sắc (của dân tộc Dao), hình ảnh ngôi nhà sàn.

Đây là một trong những công trình có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc thành phố Thái Nguyên; công trình mang tính giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, thể hiện tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phù điêu được thể hiện trên chất liệu đá xanh tự nhiên, tỷ lệ 1/1 đúng kích thước và đảm bảo theo thiết kế, nội dung đã được phê duyệt, hài hòa với tổng thể cảnh quan xung quanh, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu: Nhà thầu thi công đã chuyển đúng mẫu phác thảo lên phù điêu; hình ảnh sắc nét, sống động, chân thực; phù điêu đã thể hiện thành công những câu chuyện lịch sử, các nhân vật được mô tả mang tính khái quát cao thông qua các hình khối, các mảng màu sáng tối, đặc biệt nhân vật trung tâm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa rất có thần thái.

Bên cạnh đó, các khắc họa văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên được thể hiện rõ nét, chân thực, không pha lẫn với các vùng miền khác. Các khớp nối của phù điêu được mài nhẵn, tạo cảm giác mềm mại, thanh thoát.

Sau khi thực địa, Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá chất lượng nghệ thuật của công trình. Kết quả: 20/20 phiếu (1 thành viên vắng mặt) đồng ý nghiệm thu, đánh giá công trình đạt loại A. Không có phiếu đánh giá loại B hoặc không đồng ý nghiệm thu, đánh giá công trình đạt loại C.

Hiện, các nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án để sớm bàn giao đưa vào sử dụng.

Được biết, theo Quyết định số 3297/QĐ-UBND ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp tại thành phố Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng là hơn 71 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 440 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 6,1 tỷ đồng, chi phí khác gần 3,8 tỷ đồng và hơn 8,1 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load