(Xây dựng) - Đó là quan điểm mới được UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo tại Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang và quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường giao thông ngõ, phố hiện hữu tại các đô thị trên địa bàn tỉnh được ban hành vừa qua.
Bên cạnh tuyến đường Việt Bắc “chất lượng cao” tại trung tâm thành phố Thái Nguyên vẫn còn những con đường gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống nhân dân như thế này. |
Trong những năm qua, các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm tập trung đầu tư phát triển theo Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch đô thị được phê duyệt. Không gian đô thị ngày càng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng; kiến trúc cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại, sầm uất, nhất là tại các thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, lạc hậu chưa đáp ứng tương xứng với tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ; còn tồn tại việc thi công cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, lắp đặt đường dây, đường ống kéo dài, chậm đưa công trình vào sử dụng; đường dây điện, viễn thông giăng mắc còn thiếu an toàn, gây mất mỹ quan đô thị; việc huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Đặc biệt, theo UBND tỉnh Thái Nguyên các tuyến đường giao thông ngõ phố hiện hữu đã hình thành lâu đời, mật độ dân cư đông đúc, chật hẹp, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông thiếu đồng bộ, hệ thống đường ống thoát nước yếu kém, có nơi chưa có gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống nhân dân.
Để tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang và quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường giao thông ngõ phố hiện hữu tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng đời sống dân sinh trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư xây dựng cổng trình và các đơn vị Quản lý: Triển khai lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (nếu có), quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị, trong đó quan tâm lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu, đảm bảo phát triển hải hòa các khu vực đô thị phát triển mới với các khu vực dân cư hiện hữu. Thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 17/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch. Theo đó, khi lập quy hoạch đô thị cần rà soát, đánh giá kỹ hạ tầng kỹ thuật, trong đó phải xác định hiện trạng các tuyến đường giao thông ngõ phố hiện hữu về quy mô, kết nối, khả năng đáp ứng giao thông tĩnh, lưu thông của người và phương tiện, từ đó xác định quy mô mặt cắt phù hợp quy hoạch, bố trí bãi đỗ xe đảm bảo quy chuẩn xây dựng, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và các chuẩn khác có liên quan; cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải lấy ý kiến về đồ án quy hoạch của người dân sinh sống trong khu vực hiện hữu, các đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cải tạo, chỉnh trang đô thị hiệu quả, đồng bộ, tránh chồng chéo.
Thực hiện công bố, công khai, đăng tải hệ thống dữ liệu quản lý quy hoạch quốc gia đầy đủ, chính xác, kịp thời; áp dụng tiến bộ đổi mới phương pháp truyền tải thông tin quy hoạch để tiện tra cứu, tham gia ý kiến phản biện. Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết trường hợp thực sự cần thiết, đủ điều kiện, đúng quy trình.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Nghiêm cấm điều chỉnh giảm quy mô, diện tích đất cây xanh, mặt nước, mặt cắt lộ giới đường không phù hợp quy chuẩn.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị phải đảm bảo nguyên tắc tăng mật độ đất giao thông, tăng quy mô lòng đường, vỉa hè trong khả năng tối đa có thể. Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư nói chung, trong đó có dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông trong khu vực hiện hữu đô thị. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công xây dựng công trình trong phạm vi lòng đường, vỉa hè đường giao thông hiện hữu phải thẩm định, kiểm tra, giám sát từ khi thiết kế đến thi công, nghiệm thu đảm bảo việc hoàn trả đúng theo hiện trạng ban đầu; yêu cầu đơn vị thi công có bảng tiến độ thi công và cam kết thực hiện đúng tiến độ để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hộ dân hai bên đường cũng như các phương tiện lưu thông trên tuyến đường. Khắc phục triệt để tình trạng mặt đường, nền đường mới đầu tư đã xuống cấp, gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến niềm tin và đời sống người dân.
Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thực hiện nghiêm công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý dứt điểm đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thực hiện công tác quản lý lòng đường, vỉa hè: Các cấp, các ngành phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, tháo dỡ các mái đua, mái vẩy, biển quảng cáo vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời; đảm bảo vệ sinh môi trường, lòng đường, hè phố xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh.
Chỉ thị của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng nêu rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan và chủ đầu tư trong việc tham mưu phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch và các quy định về quản lý, đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung, trong đó có các tuyến đường giao thông trong khu vực hiện hữu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thành
Theo