Thứ sáu 20/09/2024 01:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thái Nguyên: Khai thác không đúng thiết kế, nhiều mỏ đá phải dừng hoạt động

16:07 | 06/03/2023

(Xây dựng) - Sau khi thực hiện rà soát, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định dừng hoạt động nhiều mỏ đá do đã khai thác không đúng thiết kế nên khi nổ mìn gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường.

Thái Nguyên: Khai thác không đúng thiết kế, nhiều mỏ đá phải dừng hoạt động
Khai thác, chế biến đá xây dựng tại mỏ đá Trúc Mai thuộc xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 02/03/2023, tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã phối hợp với một số Sở, ngành liên quan họp thống nhất phương án xử lý khu vực có nguy cơ sạt lở đá gây mất an toàn cho các hộ dân ở xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn. Theo đó, chính quyền địa phương tiếp tục yêu cầu Công ty TNHH Chiến Thắng (chủ đầu tư mỏ đá Lân Đăm 3) phối hợp khắc phục hậu quả sạt lở do khai thác đá xảy ra từ hồi tháng 5/2021 và lên phương án hỗ trợ di dời 4 hộ dân trong vùng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tìm hiểu được biết: Các xã Quang Sơn, Tân Long huyện Đồng Hỷ là địa bàn có nhiều mỏ khai thác đá tại tỉnh Thái Nguyên, nơi thường xuyên có 7 điểm mỏ hoạt động khai thác rầm rộ. Bao gồm 6 mỏ thuộc địa phận xã Quang Sơn là: Lân Đăm 1, Lân Đăm 2, Lân Đăm 3, Việt Cường, vật liệu xây dựng Bắc Thái và Hà Nội; cùng 1 điểm thuộc địa phận xóm Đồng Luông, xã Tân Long là mỏ Minh Hiển.

Phản ánh về hệ quả của khai thác đá không đúng quy trình, ông Trần Văn Trung - Trưởng xóm Nông Trường, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên cho biết: “Từ khi mỏ đá Cát Kết của Công ty TNHH Hằng Ngọc Tú đi vào hoạt động đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của nhân dân xóm làng chúng tôi. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì nước thải, bùn, đất, cát sỏi của mỏ chảy tràn qua đường rồi trút xuống đồng ruộng và đường bê tông của xóm. Cụ thể đã làm hỏng và gẫy vỡ tuyến đường bê tông của xóm rộng 3m, dài 150m và làm ảnh hưởng đến cả cánh đồng ruộng đang canh tác, làm thiệt hại đến hoa màu của các hộ dân”.

Trước đó, khoảng tháng 5/2022, trong quá trình khai thác mỏ Cát Kết của Công ty TNHH Hằng Ngọc Tú đã làm sạt lở đất đá vào căn nhà gia đình ông Vũ Văn Cường. Đất, đá đè lấp khiến ông Cường phải nhập viện, cùng nhiều vật dụng trong gia đình bị hư hỏng.

Theo quy định, việc thực hiện khai thác đá phải được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên (Thông tư số 20:2009/BCT của Bộ Công Thương); trong đó bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện mở vỉa, cắt tầng để tránh gây sạt lở… Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của phóng viên bằng mắt thường cũng có thể dễ nhận thấy, các mỏ khai thác đá tại khu vực này đều không thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Một giám đốc điều hành mỏ đá cho hay: Theo quy định, tất cả các mỏ đá phải khai thác cắt tầng (từ trên xuống), nhưng phần lớn các mỏ đá thực hiện từ dưới chân theo kiểu “đánh hàm ếch”, vì mỗi khi nổ mìn, lượng đá sụt xuống nhiều hơn, năng suất cao hơn, giá thành lại rẻ nên nhiều mỏ đã lựa chọn phương án thay thế này…

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết: Việc khai thác không đúng thiết kế sẽ gây mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường nên năm 2022 Sở đã tạm dừng cấp phép vật liệu nổ cho hàng chục mỏ. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, Đoàn liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra hoạt động tại các mỏ đá, với mục đích đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị hoạt động đúng quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với những mỏ khai thác không đúng thiết kế phê duyệt, Sở sẽ tạm dừng, không cấp phép vật liệu nổ.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 20 mỏ đá được cấp phép hoạt động. Trong số đó, không ít mỏ trong quá trình hoạt động đã khai thác không đúng thiết kế nên khi nổ mìn gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tạm dừng cấp phép vật liệu nổ đối với các mỏ này.

Ông Lăng Văn Bẩy - xóm Làng Mới, nơi có mỏ đá Tập Trung cho biết: Từ khi doanh nghiệp tiến hành khai thác mỏ đời sống, người dân trong xóm bị ảnh hưởng rất lớn. Sau khi Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra thực tế, phát hiện nhiều vi phạm của mỏ (trong đó có việc khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt), cơ quan chức năng đã tạm dừng cấp vật liệu nổ đối với mỏ từ cuối tháng 6/2022 đến nay, cuộc sống của người dân mới đỡ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi và đá bay.

Đối với mỏ đá Hang Trai 1, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình từ tháng 6/2022 đến nay cũng bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ do không thực hiện khai thác cắt tầng theo đúng thiết kế.

Sau khi bị tạm dừng hoạt động, mỏ đá Hang Trai 1 đã chủ động khắc phục những tồn tại được Đoàn liên ngành của tỉnh chỉ ra. Đặc biệt, đơn vị đã thiết kế đường từ chân mỏ đến đỉnh núi để đưa thiết bị lên núi, thực hiện phương án khai thác cắt tầng theo đúng thiết kế. Hiện, Sở Công Thương cũng đang chuẩn bị thẩm định kết quả khắc phục tồn tại mỏ đá theo đề nghị, nếu đạt yêu cơ quan chức năng sẽ cho phép mỏ hoạt động khai thác trở lại…

Trước đó, từ tháng 01/2023, Sở Công Thương Thái Nguyên đã cho phép mỏ đá Đồng Phú, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ hoạt động trở lại sau khi mỏ này bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ từ tháng 7/2022 do đã tuân thủ quy định về phương án khai thác cũng như bảo vệ môi trường.

Có thể nói, mặc dù có nhiều sức ép từ phía doanh nghiệp chế biến và người dân về thiếu nguồn nguyên liệu, nhưng quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên trong việc chấn chính hoạt động khai thác tại các mỏ đá đã từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn lao động, môi trường và hạn chế thất thoát tài nguyên của đất nước.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load