Hồ Núi Cốc là công trình đại thuỷ nông của tỉnh Thái Nguyên. Công trình này được xây dựng từ năm 1973 - 1982 thì hoàn thành. Với diện tích mặt hồ rộng khoảng 25km2, dung tích 176 triệu m3 nước, độ sâu 35m… từ nhiều năm nay, Hồ Núi Cốc đã làm tốt nhiệm vụ giữ nước tưới tiêu cho các huyện Phổ Yên, Sông Công, Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên và một số huyện của tỉnh Bắc Giang.
Một trong những công trình xây dựng không phép vi phạm lấn chiếm lòng hồ.
Có lẽ khi xây dựng Hồ Núi Cốc những người làm công tác quy hoạch và thiết kế cũng chỉ quan tâm đến yếu tố giữ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ chưa nghĩ đến tiềm năng khai thác du lịch Hồ Núi Cốc. Nhưng, với 89 hòn đảo lớn, nhỏ tự nhiên trên mặt hồ đã tạo Hồ Núi Cốc một vẻ đẹp thơ mộng giữa thiên nhiên tạo nên một điểm nhấn rất riêng. Chính vì vậy khi mà giá đất đang thay đổi từng ngày người dân quanh khu vực lòng hồ tái lấn chiếm cùng với các dự án khai thác du lịch đã làm lòng Hồ Núi Cốc ngày một thu hẹp.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi mặt nước Hồ Núi Cốc dưới cao trình 38m khiến một phần diện tích lòng hồ thuộc địa phận các xã Tân Thái, Vạn Thọ của huyện Đại Từ bị “mắc cạn”. Lợi dụng cơ hội này nhiều hộ dân nơi đây đã tái lấn chiếm lòng hồ, họ thoải mái tăng gia sản xuất, xây dựng trái phép dưới lòng hồ mà không bị bất cứ cơ quan chức năng nào “sờ gáy”. Chính sự buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền địa phương đã vô hình chung tiếp tay cho người dân sai phạm dẫn đến những hệ luỵ, vướng mắc khó giải quyết cho các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên.
Dọc con đường dẫn vào Hồ Núi Cốc thuộc xã Tân Thái (Đại Từ) hàng loạt các nhà hàng, nhà nghỉ mọc lên dưới lòng hồ. Nhìn những công trình bề thế, hoành tráng hiên ngang hướng ra mặt hồ không ai nghĩ rằng đó là những công trình xây dựng trái phép. Các công trình này nằm cách UBND xã Tân Thái không xa, thế nhưng không hiểu sao nó vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đi qua khu trung tâm vui chơi giải trí Hồ Núi Cốc đến khu vực giáp ranh giữa hai xã Tân Thái và Vạn Thọ không khó để thấy được diện tích lòng Hồ Núi Cốc đã bị nhiều hộ dân nơi đây tái lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp và xây dựng, ngoài phần diện tích được phép của các cơ quan quản lý.
Trải qua năm tháng khi không bị bất cứ một cơ quan chức năng nào nhắc nhở, các hộ dân đã biến đất hồ thành đất của nhà mặc dù biết đó là vi phạm.
Một điều trớ trêu thay chính các hộ dân này đang vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý công trình thuỷ lợi thế nhưng họ lại có những kiến nghị ngược cơ quan quản lý. Số là trong mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lượng mưa kéo dài và diễn ra liên tục khiến dung tích nước mặt hồ dâng lên bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích hoa màu mà một số hộ dân ở các xã Tân Thái, Vạn Thọ và một vài xã lân cận của huyện Đại Từ lấn chiếm dưới lòng hồ. Lẽ ra họ phải chấp nhận “sống chung với lũ”, phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên, thế nhưng ngược lại những hộ dân nơi đây lại kiến nghị trực tiếp với Cty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên - đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác và quản lý Hồ Núi Cốc - đòi được bồi thường.
Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên, từ năm 1991 đến năm 1999 có tổng số 310 hộ dân ở các xã thuộc huyện Đại Từ, Phổ Yên và TP Thái Nguyên đã tái lấn chiếm lòng hồ, đặc biệt nghiêm trọng là đã có 185 hộ được cấp GCNQSD đất. Theo sổ sách còn ghi lại, năm 1978 khi thực hiện công tác GPMB để xây dựng Hồ Núi Cốc các hộ dân này đã nhận tiền đền bù của Nhà nước. Chính điều này đã gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý của Cty.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Thịnh - Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên khẳng định: Việc các hộ dân ở các xã Tân Thái, Vạn Thọ của huyện Đại Từ tái lấn chiếm khu vực lòng Hồ Núi Cốc để sản xuất nông nghiệp cho mục đích cá nhân không được xem xét đền bù thiệt hại hoa màu do thiên tai gây ra vì chính họ đang là đối tượng vi phạm. Trong những năm qua khi các hộ dân ào ào lấn chiếm lòng hồ, Cty đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, kiến nghị các cơ quan chức năng cùng phối hợp nhưng cũng không cải thiện được tình hình do có nhiều đơn vị cùng quản lý về chế tài xử phạt trong lĩnh vực vi phạm hành chính.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ người dân tái lấn chiếm lòng hồ mà các DN kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cũng đua nhau lấn chiếm Hồ Núi Cốc theo kiểu mạnh ai người ấy làm. Vi phạm nghiêm trọng nhất có lẽ là Cty CP Khách sạn công đoàn Hồ Núi Cốc với hàng loạt các công trình xây dựng vi phạm đã bị lập biên bản nhưng sau đó câu chuyện xử lý vi phạm lại im re!
Đã đến lúc UBND tỉnh Thái Nguyên cần thắt chặt công tác quản lý Hồ Núi Cốc, xử lý ngay các đối tượng cố tình vi phạm, từng bước tháo gỡ những nút thắt tái lấn chiếm lòng Hồ Núi Cốc. Có như vậy Hồ Núi Cốc mới không những là điểm tựa an toàn cho sản xuất mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.
Quang Hưng
Theo baoxaydung.com.vn