Thứ ba 16/04/2024 22:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc sẽ dừng đến sau 2020

09:48 | 20/03/2018

(Xây dựng) - Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng sẽ dừng thi công đến sau năm 2020.


Hồ Núi Cốc. Ảnh: Internet

Quyết định trên mới được tỉnh Thái Nguyên đưa ra sau khi kiểm điểm tiến độ dự án sau 2 năm triển khai.

Thông tin tại lễ động thổ công trình được tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức vào tháng 2/2016 cho biết: Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương,) vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.

Tại siêu Dự án Hồ Núi Cốc, doanh nghiệp Xuân Trường sẽ xây dựng tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2.

Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: TP Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ gồm các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương của TP Thái Nguyên; thị trấn Quân Chu và các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu của huyện Đại Từ; xã Phúc Tân của thị xã Phổ Yên.

Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha).

Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm: Khu tâm linh có chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch; vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với tỉnh lộ 261.

Mục tiêu của nhà đầu tư là sẽ xây dựng đồng bộ Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc nhằm kết nối khu du lịch hồ Núi Cốc với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử với khu vực TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2035.

Sau 2 năm triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia, đến nay, một số dự án thành phần đã được nhà đầu tư khởi động, triển khai ngoài thực địa, nhất là các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài; đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 với Hồ Núi Cốc; tuyến đường ven Hồ Núi Cốc và các dự án đầu tư ngoài ngân sách do doanh nghiệp đầu tư như: Khu du lịch tâm linh; khu dịch vụ đón tiếp, khu làng văn hóa dân tộc và hai cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc...

Cụ thể, đối với Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài UBND TP Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện giải ngân trên 1.500tỷ đồng.

Dự án đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 đến khu vực đền Gàn, Hồ Núi Cốc, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã triển khai xong công tác giải phóng mặt bằng và ngân sách tỉnh đã tạm ứng 85 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện dự án.

Dự án xây dựng tuyến đường ven Hồ Núi Cốc (đoạn từ điểm cuối đường Bắc Sơn kéo dài đến Đoàn An điều dưỡng 16 Hồ Núi Cốc), sau khi UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và cắm mốc quy hoạch tuyến đường ven hồ Núi Cốc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch và đang triển khai ngoài hiện trường, đồng thời bắt đầu giải ngân...

Đối với Dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện ứng 16 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp đã thông được toàn bộ tuyến đường từ đường tỉnh ĐT 261 vào đền Gàn Hồ Núi Cốc để làm đường công vụ phục vụ thi công Khu tâm linh đền Gàn và đang lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường khu vực dự án với diện tích khoảng 20ha...


Một trong rất nhiều văn bản được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành nhằm đánh giá tiến độ công trình.

Như vậy có thể thấy một phần tiền không nhỏ của nhà nước đã được giải ngân đầu tư để triển khai thực hiện dự án; thế nhưng trên thực tế đến thời điểm này "siêu dự án" xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc nhóm A theo quy định, trình tự thủ tục phải xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư vẫn chưa được thực hiện xong các văn bản pháp lý liên quan.

Ngoài hiện trường khi triển khai thực hiện dự án vấp phải hàng loạt khó khăn không dễ tháo gỡ như việc duy trì cao độ mực nước Hồ Núi Cốc để đảm bảo du lịch đòi hỏi nguồn lực rất lớn để đầu tư hệ thống hồ, đập, tràn xả lũ. Khu vực triển khai Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc ảnh hưởng đến 16 dự án đã được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư nên việc giải quyết quyền lợi giữa các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để các mục tiêu của dự án phù hợp với thực tế, tháng 10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn xây dựng của dự án từ 9.980 tỷ đồng xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương; chuyển 3 hạng mục dự án ra khỏi danh mục đầu tư của dự án; đồng thời nhất trí chủ trương đầu tư các hạng mục này theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT..

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên tháng 10/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa khẳng định lại rằng Dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư rất lớn, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương (chưa cân đối vốn cho dự án), việc cân đối vốn cho dự án chỉ được thực hiện khi có nguồn bổ sung đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn và phải được Quốc hội và Chính phủ xem xét.

Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Nguyên đã được HĐND tỉnh thông qua và phân bổ nguồn vốn được giao tại Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 17/5/2017 (chưa cân đối được vốn cho Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc).

Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo xin ý kiến và ngày 15/1/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.

Việc Dự án dừng triển khai trên cơ sở chưa được Chính phủ phê duyệt, vốn chưa được cấp đã rõ, nhưng nhiều vấn đề đặt ra như trách nhiệm của các bên với những bước đi ròng rã 2 năm qua cùng quy trình thực hiện dự án, chi giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách ứng trước sẽ được ứng xử ra sao… chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh ở những bài viết sau.

Tỷ phú Nguyễn Văn Trường - ông chủ của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình biết đến là một tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay. Ông Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế…

 

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load