Thứ năm 28/03/2024 16:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Đẩy nhanh chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

17:03 | 22/06/2021

(Xây dựng) - Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến “chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ngày 22/6, tỉnh Thái Nguyên đã cùng các ngành bàn và triển khai các giải pháp cụ thể về nội dung này.

thai nguyen day nhanh chuyen doi so cua nganh nong nghiep va phat trien nong thon
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên kiểm tra mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã bước đầu thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành, trong đó xây dựng hệ thống website của Sở và đơn vị trực thuộc, cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện thủ tục trực tuyến… góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu nông lâm nghiệp thủy sản cũng đã được xây dựng với 16 cơ sở dữ liệu theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số. Phần mềm quản lý cây xanh (smarttrees.thainguyen.gov.vn) đã hoàn thành 80% chức năng. Hệ thống đo mưa tự động (Vrain) và hệ thống camera giám sát phục vụ công tác phòng chống thiên tai đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây.

Đối với Hội Nông dân, thời gian qua đã ký kết chương trình phối hợp nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Voso.vn; đã đầu tư phòng họp trực tuyến kết nối với các đầu mối cấp tỉnh và các huyện, thành phố thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện một số đề tài, dự án liên quan đến hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như: Xây dựng thành công mô hình hệ thống tưới nước tự động chăm sóc cây chè được đầu tư, lắp đặt và chạy thử nghiệm tại hộ dân; xây dựng được bản đồ thích nghi cho cây ba kích với tỷ lệ 1:25.000; đề xuất khu vực trồng tích hợp và giải pháp để phát triển cây ba kích tại huyện Phú Lương; xây dựng và vận hành các công cụ truyền tải các thông tin từ các thiết bị đã lắp đặt đến người dùng như website, APP, thông qua các thiết bị di động qua tin nhắn SMS cho các đối tượng có liên quan nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc, dự báo thời tiết có các tính năng như giám sát lượng mưa, hiển thị các thông số thời tiết, hiển thị dự báo thời tiết…

Tuy nhiên, những kết quả về thực hiện chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa đồng bộ hóa giữa website của Sở và các đơn vị trực thuộc; việc cập nhật dữ liệu chưa được thường xuyên... Để có thể đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Thái Nguyên, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; một giải pháp được đưa ra là cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và chia sẻ dữ liệu dùng chung; đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ; sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức...

Giải pháp trước mắt, theo ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên là: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU theo hướng gọn đầu mối, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn; xây dựng phần mềm quản lý của ngành, đặc biệt là quản lý chất lượng. Đặc biệt, ngành cũng cần phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan thực hiện phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load