(Xây dựng)-Trong khi nhiều doanh nghiệp và người dân có nhu cầu về đất ở và đất kinh doanh- dịch vụ thì tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên vẫn còn có khu “đất vàng” bị bỏ hoang từ nhiều năm nay
Kể từ khi trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh 1/9/2010, TP Thái Nguyên- tỉnh Thái Nguyên- đã “thăng hạng” trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút thêm rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo một bước ngoặt lớn cho Thái Nguyên, đem lại cho nơi đây một diện mạo mới.
Quá trình đô thị hóa của TP Thái nguyên diễn ra mạnh mẽ. Tính từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng 10%, từ 70,08% lên 80%. Có 35 khu đô thị, khu dân cư đã và đang được đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông đô thị không ngừng được mở rộng, đã có trên 600km đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các tuyến đường, phố chính được đầu tư đèn chiếu sáng, cây xanh đô thị, cấp điện, thông tin liên lạc, kiên cố hóa hệ thống thoát nước. Phương tiện giao thông tăng nhanh về số lượng, năm 2002 có trên 30 nghìn xe máy, trên 2 nghìn ôtô, đến hết năm 2013 đã có trên 100 nghìn xe máy và gần 10 nghìn ôtô được đăng ký. Dịch vụ thông tin, truyền thông không ngừng phát triển với hàng triệu thuê bao các loại.
Không chỉ phát triển về khu công nghiệp, hiện nay TP Thái Nguyên còn đang tập trung hoàn thiện quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư quy mô lớn, nhằm nâng tầm đô thị, góp phần thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy kinh tế, rút gần khoảng cách phát triển của Thái Nguyên với nhiều tỉnh thành đi trước; đồng thời biến những vùng đất quanh năm cỏ mọc trở thành “vàng”.
Trước đây, tại TP Thái Nguyên chuyện các gia đình cho nhau đất làm nhà, làm vườn diễn ra giản đơn như việc cho nhau con cá, mớ rau cải thiện bữa ăn. Nhưng giờ đây, những tấc đất ấy đã hóa “vàng” khiến không ít người, không ít gia đình tiếc “đứt ruột”. Đã có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười và thậm chí đau lòng khi tình cảm láng giềng, tình cảm gia đình rạn vỡ vì “tấc vàng” lên giá.
Theo phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thái Nguyên, đến nay toàn bộ diện tích đất trên địa bàn đều đã có chủ. Trong khi đó, nhu cầu về đất ở và đất kinh doanh dịch vụ tại thành phố, đặc biệt khu vực các phường trung tâm rất cao.
Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thuận cho biết: Công ty TNHH Minh Thuận đã được các cấp có thẩm quyền trong tỉnh phê duyệt phương án cho thuê đất để xây dựng trường Trung cấp nghề Việt Mỹ từ năm 2010. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai bởi không có mặt bằng khiến công ty phải thuê địa điểm để dạy nghề.
Trái với mong muốn và nhu cầu của Công ty TNHH Minh Thuận và nhiều doanh nghiệp khác, theo phản ánh của người dân, trên địa bàn TP Thái Nguyên còn rất nhiều đất trống nằm tại các vị trí “vàng” bị bỏ không bởi các ông chủ không có điều kiện để đầu tư xây dựng hoặc chỉ thu giữ với ý đồ chờ tăng giá để bán hay cho thuê lại.
Không những thế, ngay tại phường Thịnh Đán, đơn vị hành chính trung tâm phía Tây của TP Thái Nguyên cũng có nhiều vị trí “đất vàng” đang bỏ không, thậm chí có nơi trở thành đất hoang.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tới tổ 6 phường Thịnh Đán. Đúng như phản ánh của người dân, sát ngay bên đường vào từ trung tâm TP Thái Nguyên dẫn vào vùng du lịch Không gian văn hóa trà (thuộc xã Tân Cương) có một khu đất trên 3000 mét vuông đang bị bỏ hoang.
Người dân địa phương cho biết, hơn chục năm nay mảnh đất này đã trở thành vô chủ bởi không thấy cơ quan, đơn vị nào nhòm ngó đến. Vì thế, cũng từ nhiều năm nay mảnh đất đã trở thành nơi đổ các loại rác thải của người dân và doanh nghiệp quanh vùng, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên báo Xây dựng điện tử, ông Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán cho hay: Theo hồ sơ không đầy đủ, mảnh đất bị bỏ hoang nói trên thuộc thửa đất số 378, tờ bản đồ địa chính số 29, diện tích 3225,5 mét vuông do Công ty Chè Bắc Thái quản lý. Năm 1994, Công ty Chè Bắc Thái nhượng lại phần tài sản trên đất cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Khai khoáng Việt Bắc quản lý còn mảnh đất đã bỏ hoang từ năm 2005 đến nay, gây lãng phí tài nguyên.
“Trong quá trình làm việc với UBND phường, đại diện Công ty TNHH MTV xây dựng và Khai khoáng Việt Bắc không cung cấp được đầy đủ hồ sơ liên quan đến quyền quản lý và sử dụng đất đối với khu đất nêu trên. - ông Quang cho biết thêm- Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị cấp trên xem xét, quyết định giao lại khu đất cho UBND phường quản lý, tránh lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân”.
Vậy thực chất khu đất vàng bị bỏ hoang thuộc quyền quản lý và sử dụng của đơn vị nào? Có hay không sự mập mờ trong việc chuyển giao khu đất này? Báo Xây dựng điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc./
Thái Nguyên Nhân
Theo