Thứ năm 18/04/2024 09:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra

16:46 | 05/10/2020

(Xây dựng) - Đến năm 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 103 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 9 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 6 xã so với mục tiêu.

thai nguyen chuong trinh muc tieu quoc gia xay dung nong thon moi vuot muc tieu de ra
Nhờ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng tại Thái Nguyên đều được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh Thái Nguyên có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 61,5%; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới được 420km kênh mương thủy lợi do xã quản lý; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia.

Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,4%; hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người...

Các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh.

Hiện nay, 100% các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Ban chỉ đạo Các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Tính đến tháng 6/2020, trong điều kiện sử dụng nguồn vốn và mục tiêu số xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn đã hoàn thành trước một năm (61/60 xã so với kế hoạch), Thái Nguyên quyết định bổ sung thêm 2 xã: Tân Thành và Bàn Đạt, huyện Phú Bình vào kế hoạch đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Các huyện xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn 8 xã (Đại Từ 03 xã, Định Hoá 02 xã, Đồng Hỷ 01 xã, Võ Nhai 01 xã, Phú Lương 01 xã); Hoàn thành 8 xã “Nông thôn mới nâng cao” và “Nông thôn mới kiểu mẫu”; Không còn xã dưới 10 tiêu chí. Tỉnh có thêm 25 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng từ 3-4 sao theo tiêu chí OCOP. Đây là một thành quả không nhỏ, ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình với quyết tâm cao, sớm phân bổ các nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, Thái Nguyên đã đánh giá tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được tỉnh hỗ trợ năm 2019; Ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt, đề xuất dự án phát triển sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” năm 2020; Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông (đài, báo, truyền hình, trang thông tin điện tử, truyền thông đa phương tiện) và tham gia các hội chợ; Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và ngành phát động...

thai nguyen chuong trinh muc tieu quoc gia xay dung nong thon moi vuot muc tieu de ra
Các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nêu rõ: Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, phát triển. Việc huy động nguồn lực thực hiện chủ yếu từ đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp, một phần nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân. Kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được hình thành, củng cố và phát triển.

Cụ thể, được chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả nổi bật, đến năm 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 103 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 9 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 6 xã so với mục tiêu.

Định hướng cho thời gian tới, Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX xác định định: “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng Nông thôn mới”; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, trong đó quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao, môi trường; xây dựng Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load