Thứ sáu 15/11/2024 11:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thái Nguyên: Cần sớm triển khai lập quy hoạch vùng tỉnh

09:02 | 12/09/2013

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn và tình hình triển khai dự án Nâng cấp đô thị TP Thái Nguyên, trong khuôn khổ “Chương trình nâng cấp đô thị 7 tỉnh miền núi phía Bắc” - vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB), ngày 11/9.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý Thái Nguyên chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân và sinh viên.

Cần quan tâm công tác thiết kế đô thị, sớm xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch

Đánh giá chung về công tác quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng của toàn tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận: Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh đối với các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng, nhất là trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và nhà ở... tỉnh Thái Nguyên đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 44%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Diện mạo đô thị của Thái Nguyên ngày càng khang trang hơn, hiện đại, hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp nhiều. Đối với Dự án nâng cấp đô thị tại TP Thái Nguyên trong khuôn khổ “Chương trình nâng cấp đô thị 7 tỉnh miền núi phía Bắc” -  vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB), tỉnh đã rất tích cực triển khai công tác chuẩn bị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận định: Những thành quả đạt được trong quản lý và phát triển đô thị của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn chưa được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Để phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tập trung vào một số nội dung.

Trước nhất, với vị trí là một trong những tỉnh nằm trong vùng Thủ đô, tỉnh cần sớm triển khai lập quy hoạch Vùng tỉnh, gắn với quy hoạch Vùng Thủ đô để khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh, đặc thù của tỉnh.

Thái Nguyên cũng cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch các đô thị, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên để TP xứng tầm là đô thị trung tâm, động lực phát triển quan trọng của tỉnh, của vùng.

Đồng thời tỉnh cần chú trọng triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho công tác quản lý và thu hút đầu tư, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Thái Nguyên cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị trong toàn tỉnh và cho từng đô thị. Trong đó Thái Nguyên phải xác định rõ chức năng từng đô thị, đô thị nào đóng vai trò trung tâm, đô thị nào đóng vai trò hỗ trợ nhằm tránh sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các đô thị và tránh  lãng phí nguồn lực.


TP Thái Nguyên phát triển năng động, diện mạo đô thị khang trang, hiện đại.

Với vai trò là đô thị loại I, TP Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm công tác thiết kế đô thị, sớm xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch, làm cơ sở cho công tác quản lý, chỉnh trang, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị theo hướng khang trang, sạch đẹp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị tỉnh quan tâm triển khai các chương trình phát triển nhà ở như Chương trình 167 giai đoạn 2, nhà ở cho người có công, nhà sinh viên, nhà xã hội nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. “Thái Nguyên là TP công nghiệp, tập trung nhiều trường đại học nên tỉnh cần quan tâm phát triển nhà ở cho công nhân và sinh viên” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý: Thái Nguyên quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường quản lý chất lượng công trình theo tinh thần đổi mới của Nghị định 15/2013/NĐ- CP. Bộ Xây dựng hiện đang phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị để hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý đô thị phát triển đô thị…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên phát triển cần cân đối, hài hòa, giữa các đô thị. Ngoài TP Thái Nguyên là đô thị loại I và thị xã Sông Công là đô thị loại III, tỉnh cần quan tâm đầu tư cho 13 đô thị loại V đáp ứng nhu cầu phát triển của các huyện.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề hạ tầng đô thị như xử lý nước thải, rác thải. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước sẽ đẩy mạnh tham mưu, định hướng cho các địa phương lựa chọn sử dụng công nghệ phù hợp…

Riêng với dự án nâng cấp đô thị tại Thái Nguyên, Thứ trưởng chỉ đạo TP phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng hoàn thiện thủ tục dự án đúng yêu cầu, mục tiêu. Bộ sẽ tích cực hỗ trợ địa phương nhằm triển khai dự án hiệu quả…

Ghi nhận sự phát triển mạnh về công trình hạ tầng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của người dân cũng như yêu cầu phát triển công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế của Thái Nguyên trong những năm qua, tuy nhiên Đoàn công tác cũng chỉ ra nhưng bất cập như tỉnh chưa có quy hoạch cấp nước, thoát nước vùng tỉnh. Đoàn công tác đề nghị Thái Nguyên làm tốt hơn việc giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch.

Trong đầu tư công nghệ xử lý rác thải, nước thải, Thái Nguyên lưu ý xem xét không chỉ chi phí đầu tư ban đầu mà cả chi phí vận hành dự án sau này. Bởi có những công nghệ chi phí đầu tư thấp nhưng chi phí vận hành rất cao, khi dự án đi vào hoạt động không phát huy được hiệu quả. Thái Nguyên cũng cần sớm khắc khục những bất cập về hệ thống vỉa hè, cây xanh đô thị...

Thái Nguyên đô thị hóa đạt 44%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần thẳng thắn nhận định: TP Thái Nguyên là đô thị loại I, là TP công nghiệp, tuy nhiên công tác phát triển đô thị chưa xứng tầm với vị trí, chức năng cũng như mong muốn của tỉnh.


Đoàn công tác Bộ Xây dựng khảo sát thực địa tình hình phát triển đô thị TP Thái Nguyên.

Phát triển đô thị hiện đang là nhu cầu bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp, hướng dẫn trong công tác phát triển đô thị bảo đảm nhanh, bền vững.

Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Dương Hợp cho biết, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, đô thị đã được tỉnh rất quan tâm. Hàng năm tỉnh bố trí nguồn vốn lớn cho quy hoạch. Ngoài quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh đến 2025, quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến 2020 đã được phê duyệt, quy hoạch phân khu của tỉnh cũng đạt trên 40%.

Ngoài ra tỉnh hiện có trên 70 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu nhà ở, KĐT, khu chức năng trong các đô thị. Các đồ án quy hoạch này khi được triển khai sẽ làm thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị, hạ tầng và môi trường đô thị.

Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đang sớm thực hiện quy hoạch thoát nước, nghĩa trang, quy hoạch hệ thống cây xanh… Với vị thế là TP công nghiệp, theo quy hoạch xây dựng các KCN, CCN tỉnh Thái nguyên đến 2020 đã được phê duyệt, tỉnh có 6 KCN  với tổng diện tích 1.420 ha và 31 CCN. Trong đó 19 CCN đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt…

Tuy nhiên theo ông Trần Dương Hợp, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đến nay các quy hoạch tổng thể nghiên cứu từ những năm trước đây đã không còn đáp ứng được những yêu cầu thực tế phát triển đô thị. Một số đô thị huyện lỵ chưa xác định rõ động lực phát triển ngoài chức năng hành chính do vậy sức hút đô thị và vai trò tập trung của đô thị còn yếu, nhất là tại các tỉnh miền núi.


Trong dự kiến đồ án điều chỉnh QH chung TP Thái Nguyên, đô thị loại I trực thuộc tỉnh này sẽ mở rộng về phía Đông, chú trọng phát triển ở hai bên bờ sông Cầu.

Cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị còn thiếu và lạc hậu chưa xứng với tốc độ phát triển dân cư, công nghiệp, dịch vụ. Việc bố trí vốn để lập quy hoạch xây dựng còn hạn chế. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều khó khăn.

Công tác quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội đã được quan tâm những chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch quản lý xây dựng, đô thị trong toàn tỉnh còn thiếu và năng lực nhiều hạn chế…

Cũng đề cập đến những tồn tại của TP Thái Nguyên, Chủ tịch UBND TP Lê Văn Tuấn nêu cụ thể: TP đang gặp 2 vấn đề nan giải là xử lý rác thải và chống ngập úng. Hiện tại, TP Thái Nguyên vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp, tuy nhiên ít nữa TP sẽ không còn chỗ chôn lấp. Hơn nữa, TP cũng đang bức xúc về rác thải công nghiệp.

Ông Tuấn kiến nghị: Bộ Xây dựng hỗ trợ, tư vấn cho các địa phương lựa chọn dây chuyền, công nghệ  xử lý rác thải phù hợp. TP rất mong được tiếp cận các dự án từ các tổ chức tài chính nhằm cải thiện tìng trạng úng ngập.

Báo cáo về tình hình chuẩn bị Dự án nâng cấp đô thị tại Thái Nguyên trong khuôn khổ Chương trình Nâng cấp đô thị 7 tỉnh miền núi phía Bắc, ông Lê Văn Tuấn cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và TP Thái Nguyên nhanh chóng triển khai các bước đề xuất dự án, thành lập bộ máy nhân sự và chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho triển khai dự án. TP cũng đang rất tích cực xây dựng kế hoạch và tập trung các nguồn lực cho thực hiện dự án.

Ông Tuấn cho biết: Khi tiếp nhận nguồn vốn WB, TP cũng cần có 300-400 tỷ đồng vốn đối ứng. Do vậy, TP đề nghị tỉnh và Bộ Xây dựng tạo cơ chế giúp cho TP tiếp cận các nguồn vốn…

Trong “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” vay vốn của WB, tổng kinh phí dành cho 7 tỉnh khoảng 250 triệu USD, trong đó Thái Nguyên được phân bổ 61,1 triệu USD. Trên nguyên tắc lựa chọn danh mục đầu tư, hiện tỉnh đã xác định cụ thể danh mục 12 dự án đầu tư trong giai đoạn I với kinh phí 61,1 triệu USD; giai đoạn II với kinh phí dự kiến khoảng 65,6 triệu USD cho danh mục 7 dự án. Trong đó có một số dự án quan trong như nâng cấp đường Việt Bắc; xây dựng cầu Bến Tượng; hạ ngầm hệ thống điện một số tuyến phố chính; cải tạo hạ tầng một số khu dân cư...

 

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load