(Xây dựng) - Mới đây, Báo Xây dựng nhận được ý kiến phản ánh của người dân và một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu tại Thái Bình, về việc ở địa phương vẫn có đơn vị sản xuất gạch tuynel đầu tư mở rộng trong khi kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017, nêu rõ “dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung”.
Cty CP vật liệu Hồng Lộc tại xã Hồng Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Ngày 9/01/2018, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 14/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017 trong đó có nội dung “dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung”.
Trước thông tin của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tìm hiểu thực tế tình hình quản lý xây dựng các đơn vị sản xuất vật liệu tại tỉnh Thái Bình. Và đúng như nội dung phản ánh nêu trên tại xã Hồng Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện đang có Cty CP Vật liệu Hồng Lộc đã tháo dỡ công trình để xây dựng mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/5/2018 Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình có Văn bản 707/SXD-QLXD về việc trả lời kiến nghị của Cty CP Vật liệu Hồng Lộc đã khẳng định “Cty đã tháo dỡ công trình để xây dựng mới”.
Cty CP Vật liệu Hồng Lộc đã tháo dỡ công trình lò tuynel hiện có để xây dựng mới từ tháng đầu năm 2018. Nhưng đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên chưa có văn bản chính thức nào từ phía cơ quan quản lý có ý kiến chỉ đạo rõ ràng đình chỉ, hay tạm dừng việc này.
Trong khi, cùng trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng có nhiều đơn vị sản xuất vật liệu nung như Cty CP VLXD Thái Thủy, Cty CP VLXD Thụy Việt, Cty CP VLXD Tiền Phong… đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho phép lắp đặt công nghệ mới để sản xuất gạch tuynel nhưng chỉ được trả lời bằng Văn bản số 883/SXD-QLVL ngày 14/6/2018 nội dung “Việc cho phép các Cty nêu trên được lắp đặt công nghệ mới để sản xuất gạch tuynel không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng”.
Ông Đ Cty sản xuất vật liệu lò nung tuynel tại Thái Bình bức xúc nói: “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo, ban, ngành chức năng tỉnh tạo cho doanh nghiệp một “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh. Cty CP Vật liệu Hồng Lộc đã tháo dỡ lò tuynel cũ để xây dựng mới, chúng tôi cũng muốn làm như vậy để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền địa phương chấp thuận, một mặt chủ trương của Nhà nước “dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung” nên doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc”.
Cũng tại thời điểm tháng 2/2017, tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũng có 1 đơn vị sản xuất lò nung tuynel đã đầu tư máy móc thiết bị với số tiền lên tới gần chục tỷ đồng để xây dựng mới lò tuynel, nhưng không được Sở Xây dựng đồng ý.
Bởi căn cứ Quyết định số 2248/QĐ-UBND Thái Bình năm 2013 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bản tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Anh D - Kế toán Cty tại huyện Quỳnh Phụ đã đầu tư dây truyền máy móc thiết bị để chuẩn bị đưa vào xây dựng mở rộng cho biết: “Sau khi bỏ kinh phí đầu tư số tiền gần chục tỷ đồng gồm mua 150 gòong mới rộng hơn, đổ bê tông, các vật tư liên quan, xin chủ trương của Sở Xây dựng mới biết hiện tại không được xây dựng mới. Nên chúng tôi cũng đành chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Số vật tư, máy móc đã chót đầu tư ra giờ đành “đắp chiếu” nằm đó để thanh lý lỗ; trong khi nợ lãi ngân hàng vẫn phải trả nên thật sự khó khăn cho doanh nghiệp”.
150 gòong mới của Cty sản xuất gạch tuynel tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã đầu tư đang “đắp chiếu” chờ thanh lý.
Nhưng không hiểu thế nào mà Cty Vật liệu Hồng Lộc vẫn có thể tiến hành kế hoạch tháo dỡ toàn bộ công trình lò tuynel để xây dựng mới?
Mặc dù, việc cải tiến mở rộng dây chuyền để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là việc nên làm đối với đơn vị sản xuất. Nhưng riêng với sản phẩm nung tuynel nhà nước đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể chuyển dịch dần sang sản phẩm không nung để đảm bảo môi trường.
Ông Phạm Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở nói: “Thanh tra Sở Xây dựng đã xuống làm việc, nếu căn cứ vào kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có nói dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng tất cả các cở sở sản xuất gạch nung, cũng rất lăn tăn, thế nào là đầu tư mới, thế nào là đầu tư mở rộng, thì giở Luật Đầu tư ra: Đầu tư mới là đầu tư dây chuyền tách biệt khỏi dây chuyền cũ, đầu tư mở rộng là đầu tư tăng quy mô công suất thay đổi công nghệ… Thế nên khi người ta sửa chữa nâng cấp vẫn là công nghệ tuynel không thay đổi công nghệ, không mở rộng, không tăng quy mô, không tăng năng suất… Lò thì người ta dỡ rồi mà tất cả các bao che không dỡ… Đây không phải đầu tư mới cũng không phải đầu tư mở rộng…”.
Việc này, đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Thái Bình có ý kiến cụ thể hơn, để tránh tình trạng trên cùng địa bàn một tỉnh mà doanh nghiệp thì được hậu thuẫn cho việc mở rộng sản xuất đi ngược lại với chủ trương chỉ đạo cấp trên, doanh nghiệp thì bì cấm mở rộng sản xuất.
Khánh Huyền
Theo