(Xây dựng) - Đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh Thái Bình góp phần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung TP Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Dây chuyền sản xuất gạch của nhà máy Viglacera Tiền Hải, khu công nghiệp huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Để công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tổ chức, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công, thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong năm; Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách huyện, xã; chấn chỉnh công tác quản lý vận hành nhà ở chung cư trên địa bàn tỉnh; Thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu; Bên cạnh đó, triển khai thực hiện việc điều chỉnh mở rộng các đô thị các huyện, các khu, cụm công nghiệp (CCN) kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Đến nay, Thái Bình đã quy hoạch được 11 khu công nghiệp (KCN) và 50 CCN (tổng diện tích 5.082ha), trong đó, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 KCN và 33 CCN (tổng diện tích hơn 2.822ha); diện tích đất đã cho thuê là hơn 660ha.
Như vậy, Thái Bình còn khoảng hơn 2.162ha đất đã được quy hoạch chi tiết để phát triển sản xuất công nghiệp. Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 01 KCN chuyên nông nghiệp với diện tích khoảng gần 300ha trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là sản xuất máy nông nghiệp, sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và Trung tâm đào tạo, nghiên cứu giống, đây là KCN đang được Tập đoàn Trường Hải và Lộc Trời nghiên cứu triển khai thực hiện.
Tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện thí điểm tích tụ đất đai để thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hoá, quy mô lớn.
Khánh Huyền
Theo