Thứ bảy 20/04/2024 18:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Bình - Đất văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng

17:23 | 18/03/2020

(Xây dựng) - Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.534,4km2, dân số khoảng 1,8 triệu người. Trong quá trình cải biến của thiên nhiên, trải qua hàng chục vạn năm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân.

Vào khoảng thế kỷ 7 - 6 trước công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Một góc thành phố Thái Bình, Thái Bình hạ tầng khang trang đẹp đẽ.

Ngày 21/3/1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh - một đơn vị hành chính độc lập gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ, gồm: phủ Kiến Xương, phủ Thái Ninh và phủ Tiên Hưng, huyện Vũ Tiên, huyện Thư Trì, huyện Tiền Hải, huyện Đông Quan, huyện Thụy Anh, huyện Phụ Dực, huyện Quỳnh Côi, huyện Hưng Nhân, huyện Duyên Hà và tỉnh lỵ Thái Bình.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 10/4/1946, HĐND tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, thị xã Thái Bình được công nhận là thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29/4/2004 của Chính phủ).

Với đặc điểm hình thành đất đai, từ sớm Thái Bình - miền đất hạ lưu sông Hồng đã luôn luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành: Thuận lợi và khó khăn. Đó là hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang trước vùng đất vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song, đó cũng lại là miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy rình rập, thử thách như dông bão, nắng hạn, đầm lầy, lau lách, thú dữ... Đặc biệt, do kết quả tiến lùi, dồn tụ qua hàng vạn năm của sóng, gió biển, bề mặt địa hình của cả vùng có sự cao thấp khác nhau hết sức phức tạp: Nơi nhiều gò đống, nơi úng trũng quanh năm.

Đó là các yếu tố tác động sâu sa buộc những chủ nhân của miền đất Thái Bình trong trường kỳ lịch sử phải trải qua cả một hành trình bền bỉ đấu tranh ác liệt giành giật với thiên nhiên, biển cả, từng bước tạo lập một cuộc sống định cư trù mật, lâu dài.

Trong công cuộc xây dựng lại đất nước (sau khi lật đổ ách thống trị nhà Minh), vua Lê Thái Tổ ban hành chính sách khuyến nông, bãi bỏ chế độ điền trang, thái ấp, thực hiện chế độ quân điền, khuyến khích thành lập các sở đồn điền để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp nói chung, công việc khai hoang, phục hóa, mở rộng làng xã ở thời kỳ này nói riêng đã đạt được nhiều thành tích to lớn.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi Bitexco Nam Long khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh Thành Phố Thái Bình.

Riêng ở Thái Bình, số làng xã mới được thành lập cũng tăng lên đáng kể (theo ghi chép của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí năm 1435, số lượng làng xã ở Thái Bình là trên 400 đơn vị xã, thôn, trang...; theo Hồng Đức bản đồ, ở Thái Bình có 503 đơn vị làng xã...).

Người Thái Bình

Theo các nguồn sử liệu thì vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình đã khá sầm uất với các lớp cư dân sinh sống chủ yếu nhờ gieo cấy lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Với địa hình ba mặt là sông lớn, một mặt là biển, nội địa lại chằng chịt những sông ngòi nhỏ, những người dân cư tụ ở Thái Bình đã sớm thích nghi xử trí thông minh, biến yếu tố vốn thường coi là đứng đầu trong các hiểm họa (thủy, hỏa, đạo, tặc) trở thành điều kiện, biện pháp hàng đầu trong kỹ thuật thâm canh trồng lúa.

Việc quai đê, đắp đập, khơi ngòi, đào mương máng, dựng kè cống… đã thay thế cho phương thức sản xuất trồng lúa nước dựa vào sự lên xuống của thủy triều hết sức thụ động ở buổi sơ khai. Kỹ thuật làm thủy lợi, kinh nghiệm trị thủy đã giúp người dân nơi đây khống chế được nước lũ trong mùa mưa, giữ được nước trong màu cạn, thau chua, rửa mặn cải tạo đất canh tác phục vụ tích cực cho trồng trọt mà trực tiếp là sự sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Để tăng cường chất đất cho việc trồng lúa, người nông dân Thái Bình từ lâu không chỉ biết tận dụng mọi nguồn phân bón cùng với kỹ thuật làm ải, bừa tơi mà còn biết sử dụng phân bón phù hợp với từng loại đất để cây lúa cho năng suất cao. Đặc biệt, nhiều địa phương ở Thái Bình đã nổi tiếng với việc phát triển, nuôi cấy một nguồn phân bón tạo được nhiều chất màu cho đất, lại thích hợp với cây lúa. Đó là kỹ thuật gây chọn, nhân giống bèo hoa dâu ở các làng: La Vân( Quỳnh Phụ), Bích Du (Thái Thụy), Búng (Vũ Thư),…

Cùng với tri thức chung của nghề trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng “nhất nước nhì thục”, người Thái Bình còn tiến xa hơn nữa trong việc xem xét thời vụ để gieo trồng “chiêm bơ bải, màu phải thời”... và cũng rất thành thục trong việc chọn đất giống gieo cấy cho thích hợp với địa hình, chất đất.

Khai thác di sản vô giá về những kinh nghiệm trồng trọt của quê hương mình nên trong khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là ở bộ sách Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn đã chú tâm khảo tả khá tỉ mỉ về sự siêng năng, cần mẫn, về kỹ nghệ gieo cấy lúa nước trong các khâu: Nước, phân, cần, giống của người nông dân ở các phủ huyện nay thuộc Thái Bình.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Chùa Keo - Di tích quốc gia đặc biệt mùa lễ hội.

Kết quả của sự cần cù, sáng tạo trong lao động, đặc biệt trong truyền thống thâm canh lúa nước đã biến vùng đất hoang sơ Thái Bình xưa kia thành vựa lúa của cả nước. Trong suốt chiều dài phong kiến, Thái Bình luôn được chọn làm kho lương thực đảm bảo quân lương cho quân đội, là căn cứ quân sự vững mạnh. Và trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thái Bình lúc nào cũng là hậu phương vững với khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Tự hào với danh hiệu “quê hương 5 tấn”, Thái Bình đang và sẽ là quê hương đi đầu trong thâm canh lúa nước.

Bên cạnh trồng trọt, Thái Bình còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như: Dẹt vài và tơ lụa ở Then, Mẹo (Hưng Hà); Bơn, Đọ (Đông Hưng), Cao Bạt (Kiến Xương), Bộ La (Vũ Thư); dệt chiếu làng Hới (Hưng Hà); đúc đồng An Lộng (Quỳnh Phụ); rèn sắt Cao Dương (Thái Thụy), chạm bạc Đồng Sâm (Kiến Xương); mộc ở Vế, Diệc (Hưng Hà) và Đông Hồ (Thái Thụy);...

Theo các tài liệu lịch sử, các địa danh cũng như các di tích lịch sử để lại thì ngay từ thế kỷ I đã xuất hiện nghề dệt ở Thái Bình, các thế kỷ tiếp theo, vào thời Trần đã có các nghề rèn, đúc, khảm trai, sơn mài, móc, đan lát, mây tre... Cuối thế kỷ thứ X, nghề dệt chiếu đã thịnh hành ở Thái Bình, nghề chạm bạc ở Đồng Xâm (Kiến Xương) đã xuất hiện từ thế kỷ XVII (năm 1680).

Do địa thế chiến lược của vùng đất ven biển với các cửa sông lớn như cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), cửa Hộ (cửa sông Diêm), cửa Luộc (nơi sông Hồng đổ vào sông Luộc), từ cửa Tuần Vường đến Bố Hải xuống cửa Trà (các cửa sông Trà Lý)... nên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình vẫn từng được xác định là một trong những cửa ngõ hiểm yếu của Tổ quốc.

Trong các cuộc chiến tranh ái quốc, trải qua hàng nghìn năm đương đầu với mọi kẻ thù, cư dân trong các làng xã của Thái Bình từng sớm phải chống chọi với các đạo quân xâm lược và hải tặc từ đường biển tiến vào các cửa sông để tiến đánh sâu vào nội địa. “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ” vốn từng là nỗi kinh hoàng của nhiều đạo quân xâm lược đến Việt Nam thuở trước. Cũng chính vì vị thế chiến lược này cùng với Thái Bình là vựa lúa, kho lương của vùng mà nhiều lãnh tụ khởi nghĩa thời Bắc thuộc và các vương triều phong kiến đều chú ý xây dựng lực lượng bố phòng trên đất Thái Bình.

Khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), Thái Bình đã sục sôi khí thế chống Pháp, nhiều nghĩa sỹ đã lên đường theo đoàn quân Nam tiến. Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), ở Thái Bình đã sớm hình thành các căn cứ kháng Pháp. Những căn cứ lớn có sức quy tụ nhiều làng trong vùng vào thời điểm này phải kể đến Động Trung (Kiến Xương), Văn Môn (Vũ Thư), Yên Tứ Hạ (Tiền Hải)... gắn liền với tên tuổi của các thủ lĩnh như Nguyễn Mậu Kiến, Doãn Khuê...

Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1883), ngoài các căn cứ, các thủ lĩnh trên là đồng loạt các cuộc vũ trang chống Pháp của Đinh Tiến Đức trên triền sông Luộc, Lê Nguyên Quang ở vùng Kiến Xương - Tiền Hải tiếp đó là những căn cứ của Bang Tốn ở vùng Tam Nông (Hưng Hà), Phạm Huy Quang vùng Đọ (Đông Hưng), Đốc Nhưỡng vùng Đô Kỳ (Hưng Hà), Lãnh Hoan vùng Thọ Vực (Đông Hưng), Nguyễn Thành Thà vùng Phan Bổng (Hưng Hà)...

Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, hầu khắp các làng xã ở Thái Bình đã đồng loạt vũ trang Cần Vương. Ngoài các căn cứ, các thủ lĩnh kể trên còn có hàng chục thủ lĩnh khác là những văn thân, sĩ phu yêu nước lập ra từ một làng rồi liên làng, liên huyện tổ chức đánh Pháp ròng rã hàng chục năm.

Khi Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm từ Angiêri về nước mộ dân lên Yên Thế mở đồn điền lập căn cứ kháng Pháp thì quần chúng yêu nước ở nhiều làng xã lại hào hứng hưởng ứng. Nhiều nho sĩ, trí thức ở các làng xã trong tỉnh có vai trò đặc biệt trong việc tổ chức lực lượng, hoạch định các kế sách để vũ trang kháng Pháp. Có những lãnh tụ vũ trang, không trực tiếp hoạt động trên đất Thái Bình nhưng lại có ảnh hưởng đặc biệt như trường hợp Tiến sĩ Phạm Thế Hiển (Luyến Khuyến, Thái Thụy), Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (Trình Phố, Tiền Hải). Những gương mặt trí thức yêu nước ở Thái Bình có nhiều đóng góp cho văn hóa vũ trang kháng Pháp trước ngày có Đảng (1930) ngoài Phạm Thế Hiển, Nguyễn Quang Bích phải kể đến: Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Bản (Động Trung, Kiến Xương), Doãn Khuê và anh em con cháu dòng họ Doãn (Song Lãng, Vũ Thư), Nguyễn Doãn Cử, làng Dũng Nghĩa (Vũ Thư), Trần Xuân Sắc (Đông Thành, Tiền Hải), Phạm Huy Quang (Phù Lưu, Đông Hưng)... và các võ tướng là thủ lĩnh của các phong trào kể trên.

Kế thừa truyền thống đấu tranh của các thời kỳ trước, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo, tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân theo tư tưởng quân sự mới thì các làng xã ở Thái Bình lại tiếp tục vào trận, đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới. Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, văn hóa quân sự thời Hồ Chí Minh đã bồi tụ thêm vốn văn hóa quân sự trong từng làng xã ở Thái Bình.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Hạ tầng tại huyện Tiền Hải, Thái Bình được quy hoạch, xây dựng khang trang. (Ảnh: Phạm Đông)

Các hình thức đấu tranh vũ trang, bán vũ trang, tiêu thổ kháng chiến, rào làng kháng chiến, phá bốt diệt đồn, chiến tranh du kích kết hợp bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trong từng thời kỳ, trong từng trận đánh... đã làm nên nghệ thuật quân sự tài tình trong chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều làng kháng chiến của Thái Bình đã gắn liền với những chiến công lớn được lịch sử ghi nhận, mà làng Nguyên Xá (Đông Hưng) được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu” là một điển hình. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ở Thái Bình được tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch” là một sự ghi nhận văn hóa vũ trang ở Thái Bình đã phát triển đến đỉnh cao trong thời kỳ hiện đại.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vốn văn hóa vũ trang của từng làng không chỉ để trang bị cho con em lên đường đi các chiến trường, mà ngay trên đất Thái Bình phải tìm cách đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ và sẵn sàng chờ đón sự đổ bộ từ biển vào của đối phương bằng gián điệp, bằng tình báo...

Sự sáng tạo để vừa sản xuất, vừa chiến đấu “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng” của từng làng, từng vùng đã góp phần làm cho văn hóa vũ trang thời đánh Mỹ ở Thái Bình thêm phong phú. Chính nhờ kế thừa vốn văn hóa vũ trang của từng làng xã mà con em ở Thái Bình tham gia quân đội đã lập được nhiều chiến công qua hai cuộc kháng chiến. Cũng chính nhờ vốn văn hóa vũ trang mà từ vùng đất tiền tiêu, chịu nhiều tấn bom đạn của hải quân và không quân Mỹ mà vào những tháng năm ác liệt nhất, Thái Bình đã viết nên bài ca năm tấn đầu tiên và xứng đáng với tên gọi là “pháo đài bên bờ Biển Đông”.

Với lịch sử di cư, khai hoang lập làng, chống chọi với thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên để xây dựng mảnh đất Thái Bình trù phù và kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, người dân Thái Bình đã sớm hình thành tính dân chủ. Đời nối đời, tính dân chủ đó đã trở thành một truyền thống quý báu của người dân Thái Bình.

Tiếp nối truyền thống của cha ông, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã tập trung thực hiện chương trình “điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lấy người dân làm chủ và người dân là chủ trong thực hiện chủ trương này. Từ điểm nóng toàn quốc về mất ổn định chính trị những năm 1997 - 1999, Thái Bình là chiếc nôi dân chủ, được Trung ương chọn làm điểm để nghiên cứu, ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới hiện nay, dân chủ được phát huy tối đa với khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã mang lại những kết quả to lớn trong việc xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, diện mạo nông thôn của tỉnh có sự đổi thay rõ rệt, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Phát huy truyền thống dân chủ, và nhớ lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” Thái Bình đang và sẽ nêu cao tinh thần làm chủ của nhân dân để xây dựng Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Không chỉ có truyền thống lao động, sản xuất, chống giặc ngoại xâm, Thái Bình còn chứa đựng cả một đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống vừa mang những nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu của cư dân đồng bằng sông Hồng, vừa có những sắc thái riêng do tác động sâu sắc của đặc điểm hình thành đất đai - dân cư.

Sản sinh từ miền đất giàu bản lĩnh ý chí, trưởng thành đắm mình trong môi trường nhiều chất văn hóa lành mạnh, tiếp thu có sáng tạo truyền thống của ông cha, con người Thái Bình qua nhiều thế hệ đã trau dồi hiểu biết, hòa nhập và vươn tới đỉnh cao của tri thức đương thời, để Thái Bình trở thành vùng đất văn hiếu, hiếu học, khoa bảng nổi trội, thời nào cũng có nhân tài, người đỗ đại khoa. Trải qua gần 1.000 năm Nho học, cả nước có gần 3.000 trí thức, đại khoa, trong đó Thái Bình có hơn 120 người. Truyền thống học hành, khoa cử của Thái Bình trải gần nghìn năm liên tục.

Thời Pháp thuộc, những năm đầu của thế kỷ XX, do sự chuyển đổi từ nền giáo dục “Hán học” sang nền giáo dục “tân học”, chữ quốc ngữ được thay thế cho chữ Hán thì khoa cử Hán học cũng chấm dứt. Với mục đích cai trị, thực dân Pháp chỉ phát triển giáo dục một cách nhỏ giọt, hạn chế tầm hiểu biết của nhân dân ta. Tuy nhiên, ngoài ý muốn của chính quyền thực dân, những người yêu nước, những nho sĩ, quan lại đã từ quan về quê mở trường dạy học; ở nhiều nơi trong tỉnh, phong trào học chữ quốc ngữ nở rộ, đã làm xuất hiện một đội ngũ trí thức mới và là lực lượng chính tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, họ trở thành những nhà hoạt động cách mạng, chiến sỹ, đảng viên cộng sản gieo hạt giống cách mạng, tiêu biểu như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hưởng ứng Lời kêu gọi chống nạn thất học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào bình dân học vụ ra đời và phát triển nhanh chóng, rộng khắp. Ở các thôn xóm của Thái Bình có hàng chục vạn người đủ mọi tầng lớp theo học. Sáng, chiều lao động sản xuất thì tranh thủ học trưa, học tối...

Rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập ở Thái Bình giai đoạn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi (cụ Nguyễn Văn Đản ở Hưng Hà, cô Phạm Thị Phương ở Tiền Hải...).

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giáo dục Thái Bình có các địa chỉ rất đáng tự hào trên cả nước như: Thăng Long - Đông Hưng (về giáo dục đạo đức); Thụy Thanh - Thái Thụy (vở sạch chữ đẹp); Tán Thuật - Kiến Xương (thể dục vệ sinh)...

Niềm tự hào sâu sắc về lớp lớp nhân tài đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng khơi nguồn, dẫn mạch hình thành ở Thái Bình. Phát huy truyền thống ấy, ngày nay Thái Bình là địa phương có phong trào học tập phát triển mạnh mẽ. Học sinh Thái Bình vẫn giữ vững truyền thống hiếu học, học giỏi. Trong các kỳ thi quốc gia ở các cấp, học sinh Thái Bình luôn đạt giải cao, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn ở top đầu của cả nước.

Thái Bình sau 130 năm

Từ sau ngày thành lập tỉnh, giới văn thân, sĩ phu yêu nước ở khắp các phủ, huyện đã đồng loạt đứng lên lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, sôi động, phong phú.

Những năm đầu thế kỷ XX, Thái Bình là một trong những tỉnh có phong trào yêu nước theo trào lưu dân chủ tư sản phát triển mạnh nhất. Hàng loạt những thanh niên ở Thái Bình đã hăng hái xuất dương như: Ngô Quang Đoan, Lê Văn Tập, Hoàng Chuyên, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Hữu Cương, Phạm Tư Trực. Mặc dù các phong trào yêu nước theo trào lưu dân chủ tư sản cuối cùng bị thực dân Pháp đàn áp nhưng đây là cơ sở quan trọng thể hiện ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân. Đồng thời, là cơ sở, điều kiện để chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào Thái Bình và dẫn đến sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu năm 1927.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng. 20 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công Chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, làm đổi thay bộ mặt nông thôn.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Cánh đồng màu cao sản xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội lần thứ XVI; đã quy hoạch và xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân tăng 7,2%/năm.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng khá; năm 2019 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 10,3% so với năm 2018, vượt kế hoạch năm đã đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước tăng 14%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục được triển khai đồng bộ kịp thời như: Tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư, ban hành và chỉ đạo triển khai tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; hoàn thành Chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, 100% hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch.

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu giống lúa và phương thức gieo cấy tiếp tục chuyển dịch; chương trình xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp được mở rộng. Thực hiện tốt các giải pháp phòng chống, dập dịch và khắc phục thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra; đồng thời, triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh. Nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định. Công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai được triển khai tích cực, chủ động. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được tăng cường.

Công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện. Đến nay, có 100% số xã và huyện trong tỉnh đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; trong đó 263/263 xã và 4/7 huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (có 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 3 huyện còn lại đang trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chú trọng quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm còn 2,85%. Quân sự, quốc phòng được tăng cường; đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh đảm bảo yêu cầu đề ra; thực hiện tốt việc tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; không có tội phạm có tổ chức, băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; vi phạm trật tự an toàn xã hội giảm 8,8%; tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số.

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được duy trì thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng chính quyền tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt; chỉ đạo sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo nghị quyết của Trung ương. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và đã triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, tạo thuận lợi, giảm thời gian cho doanh nghiệp và người dân.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng và có nhiều đổi mới. Công tác tư tưởng được chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Đã kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết, kết luận, chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2019, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm của đất nước, của tỉnh; tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019); Giờ học toàn tỉnh chuyên đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"; duy trì nền nếp công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác quản lý, sử dụng thông tin và đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; Chuyên đề năm 2019 về "Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Công tác tổ chức, xây dựng Đảng tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ tập trung tiếp tục thực hiện các kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh; triển khai xây dựng vị trí việc làm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ và thực chất. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; kịp thời kiện toàn, bổ sung cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chức danh lãnh đạo, quản lý khuyết thiếu ở các ngành, địa phương gắn với điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ; chỉ đạo, triển khai kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện chính sách cán bộ, đảng viên và công tác thi đua, khen thưởng trong Đảng được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định.

thai binh dat van hoa van hien yeu nuoc cach mang
Tiết học lấy ven tại trường Đại học Y khoa Thái Bình.

Với sự đóng góp, hy sinh to lớn trong các cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Thái Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cùng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động…

Toàn tỉnh hiện có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa; trên 5.000 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; gần 50.000 gia đình có công với nước; trên 50.000 người con quê hương đã hy sinh; 32 nghìn thương, bệnh binh đã hiến dâng một phần xương, máu; 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 100 tập thể, gần 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.

Hải Đăng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load