Thứ sáu 19/04/2024 15:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thách thức và khát vọng miền Tây

11:11 | 23/06/2022

Hôm trước, khi dự hội nghị tại một trường đại học về chủ đề văn hóa Tây Nam Bộ, có bạn sinh viên đặt ra vấn đề khiến tôi hết sức bất ngờ. Bạn cho rằng, từ trước đến nay khi nhắc đến miền Tây, hầu như ai cũng nghĩ về một vùng đất đai trù phú, ruộng lúa mênh mông, cây trái trĩu quả, người dân chất phác, hào phóng, nghĩa tình. Thế nhưng, hơn một thập kỷ qua, miền Tây phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Vậy, vấn đề nan giải nhất của miền Tây hiện nay là gì?

Đó là một câu hỏi khó, nhưng không hẳn là không có lời giải đáp. Là một người con của miền Tây, theo tôi, một trong những thách thức lớn của vùng đất "Chín Rồng" chính là vấn đề nguồn nước. Đây là vùng phù sa ngọt lớn nhất cả nước. Từ thời mở đất, ông cha ta đã tận dụng triệt để nguồn nước từ các nhánh sông Tiền, sông Hậu để sản xuất nông nghiệp, cũng như khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, nguồn nước của sông Cửu Long bị giảm đáng kể, do biến đổi khí hậu và các quốc gia thượng nguồn Mekong ngăn đập làm thủy điện.

Nước không còn nhiều, đồng nghĩa với việc sụt giảm lượng phù sa bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm, ảnh hưởng đến năng suất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn nước ngọt khan hiếm đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô trở nên trầm trọng hơn đối với các tỉnh ven biển miền Tây, gây thiệt hại vườn cây ăn trái. Để khắc phục, bên cạnh việc ngăn mặn, người dân còn khai thác nguồn nước ngầm một cách tự phát để sinh hoạt, tưới tiêu, khiến cho hiện tượng sụt lún mặt đất diễn biến phức tạp. Theo nhiều chuyên gia, miền Tây đang sụt lún với tốc độ từ 1-2,5cm mỗi năm. Và khoảng 50 năm nữa, nhiều vùng đất ở miền Tây sẽ chìm trong nước biển.

thach thuc va khat vong mien tay
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào hoạt động đầu năm 2022, giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ TPHCM về vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Ip Thiên - Quế Hương)

Mấy năm trở lại đây, mùa nước nổi hầu như không còn xuất hiện ở miền Tây. Nếu có, lượng nước cũng rất ít, không còn ngập sâu các cánh đồng như trước. Lại thêm, hệ thống đê bao thâm canh tăng vụ ở nhiều tỉnh đã ngăn cản nước tràn vào đồng, để xoay vòng khai thác mảnh ruộng hết vụ này đến vụ khác, từ năm này qua năm khác. Do đó, ruộng không được đào thải chất ô nhiễm, không được bồi đắp phù sa hàng năm. Đất càng ô nhiễm càng cỗi cằn mà muốn duy trì năng suất sản xuất thì đương nhiên phải tăng cường sử dụng phân bón hóa học, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đây là lý do chi phí sản xuất ngày càng tăng cao song lợi nhuận ngày càng thấp. Ngoài ra, sự ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật còn khiến nguồn thủy sản bị tận diệt. Nhiều hộ dân trước đây mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản giờ phần lớn đã bán xuồng ghe, câu lưới để đi Bình Dương làm công nhân.

Không chỉ có những người làm nghề hạ bạc (cách gọi địa phương chỉ nghề đánh bắt thủy sản) ở miền Tây điêu đứng, mà dân làm ruộng làm vườn cũng vậy. Năm ngoái, tôi có ghé thăm một người bà con quê ở Sóc Trăng. Anh dẫn tôi ra xem vườn nhãn, trái chín xum xuê nhưng anh không hái bán. Hỏi ra mới biết, nhãn rớt giá trầm trọng, chỉ còn khoảng năm ngàn đồng một ký, nên anh chỉ hái một ít đem cho bà con hàng xóm ăn, còn lại anh để nguyên trên cây như thế. Anh giải thích thêm, là có thuê nhân công hái rồi thuê các phương tiện vận chuyển cũng bỏ ra chi phí khá cao, chỉ có lỗ chớ khó lãi, nên anh và nhiều nhà vườn đành ngậm ngùi bỏ mặc những mảnh vườn mà mấy năm trời dày công chăm bón. Có nhiều người trong xóm anh đã bỏ quê đi làm mướn, bởi sau những mùa vụ rót vốn đầu tư cho vườn cây ăn trái nhưng thua lỗ, họ không còn trụ nổi. Anh thì cố gắng bám vườn, không muốn rời bỏ quê hương, nhưng anh cũng không biết có thể bám được đến bao giờ. Đứng nhìn mấy công nhãn trước mặt, anh nói, nông dân bây giờ trồng cái gì cũng giống như chơi xổ số, đến khi thu hoạch mới biết thắng hay thua, lời hay lỗ. Mùa màng có trúng mà giá cả quá thấp thì cũng gần như trắng tay. Giá cao mà cây trái thất bát quá thì cũng chẳng lợi nhuận được bao nhiêu. Bởi vậy, lâu lâu có một vụ vừa trúng mùa vừa trúng giá, người ta xem như là trúng số, đâu có sai.

Hàng trăm năm trước, ông bà ta làm nghề nông, phải "trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa/ trông nắng, trông ngày, trông đêm…". Nghĩa là, khi đó chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, chỉ có mưa thuận gió hòa thì người dân mới được bội thu, no ấm. Ngày nay, nghề nông vẫn lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nhưng bên cạnh đó, nhà nông còn phải "trông" giá cả thị trường, "trông" đầu ra nông sản. Đây là những lý do khiến họ vẫn khó khăn, chật vật trên chính mảnh đất và nghề nông ông cha để lại. Bởi bà con chỉ có thể làm chủ việc sản xuất, còn hàng loạt vấn đề khác thì họ hoàn toàn bị động. Điệp khúc "được mùa mất giá" đã từ lâu trở thành nỗi ám ảnh của biết bao nông dân, nhưng chưa biết bao giờ kết thúc.

Cách đây hai năm, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra con số 1,3 triệu người miền Tây đã di cư trong thập kỷ qua. Tất nhiên có nhiều lý do khác nhau, nhưng với nhiều người, lý do đơn giản là ruộng vườn, sông nước miền Tây không còn đủ sức để "cưu mang" họ. Con số di cư lớn này dẫn đến không ít hệ lụy, trong đó bài toán giáo dục ở miền Tây tiếp tục bị đặt vào thách thức nan giải. Nói cách khác, việc di cư đã kéo theo những hệ lụy lớn về giáo dục. Bởi lẽ, khi di cư đi lao động, nhiều bậc cha mẹ bắt con cái nghỉ học để đi theo lên các khu công nghiệp. Rất nhiều trẻ em miền Tây vì thế mà dang dở chuyện học hành.

Có thể nói, hiện nay miền Tây đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách. Vì thế, cũng như bất cứ người dân nào đang sinh sống ở đây, tôi quan tâm dõi theo Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 (ngày 21/6) với sự tin tưởng, kỳ vọng.

Những năm qua, đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được quan tâm hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng là trên 318 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD); tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược. Theo lãnh đạo Chính phủ thì có lẽ trong nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long "được ưu tiên cao nhất và điều này là hoàn toàn xứng đáng".

Từ sự quan tâm, ưu tiên của Trung ương, từ quy hoạch vùng đã được phê duyệt cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, và chính từ bàn tay khối óc của người dân, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá, trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao và có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chúng tôi thực sự mong muốn các quyết sách của Hội nghị sớm đi vào thực tiễn, để phát triển một miền Tây đang đứng trước quá nhiều thử thách.

Theo Trương Chí Hùng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load