(Xây dựng) - Nhiều người đang lo lắng về việc “công nghệ 4.0” tràn vào Việt Nam thì bộ máy quản lý nhà nước thích ứng như thế nào? Lo thì cũng phải thôi, vì “công nghệ 4.0” xuất hiện cũng đồng thời sản sinh ra các hiện tượng chưa từng xảy ra trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, và những lúng túng đã hiển hiện.
Ảnh minh họa
Chẳng ví dụ đâu xa, những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lo ngại rằng, ngành thuế sẽ phải đối mặt với việc không thể quản lý thuế đối với khách du lịch Trung Quốc.
Khi sang Việt Nam, họ đi theo “tour 0 đồng”, mua hàng ở cửa hàng chuyên biệt dành riêng cho khách Trung Quốc, thanh toán qua thẻ bằng đồng nhân dân tệ, thậm chí không nhận hàng tại chỗ mà chuyển đến tận nhà... Tất cả đều vô tung tích so với tư duy của các nhà quản lý hiện nay.
Đã có nhà báo trà trộn được vào một đoàn khách và có trong tay những đơn thanh toán nội bộ của một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại Hạ Long (Quảng Ninh). Ví dụ đơn thanh toán của một đoàn 26 khách đã mua 334 triệu đồng tiền hàng. Số tiền trên được chia cho Cty đưa khách trên 77 triệu đồng và gần 3,4 triệu đồng cho việc dẫn 26 khách đến, dù khách có mua hàng hay không (gọi là tiền đầu khách); lái xe hơn 10 triệu đồng và 70 nghìn đồng/đầu khách; hướng dẫn viên hơn 53,5 triệu đồng. Số còn lại khoảng 190 triệu đồng thuộc về điểm bán hàng.
Làm thế nào để quản lý những con số như ảo như thực này quả là một bài toán chỉ mới nghĩ đến thôi mà đã muốn vỡ cả cái đầu!
Rồi lại nhớ đến chuyện taxi công nghệ Uber, Grab... nên quản lý như thế nào đã khiến Bộ GTVT lúng túng đến 3 - 4 năm trời. Hoạt động từ năm 2014 đến nay, số xe chạy cho Uber và Grap đã lên tới 80 nghìn xe, nhưng đến giờ, nhiều người vẫn không thể khẳng định rằng đấy là DN kinh doanh vận tải hay là kinh doanh công nghệ cao. Bộ vẫn không biết được mức giá các đơn vị này áp dụng cho khách là bao nhiêu, vì sao liên tục tăng giá giờ cao điểm và khuyến mãi thất thường, trong khi taxi truyền thống phải tuân thủ gắt gao quy định này.
Thế rồi, Bộ cũng không thể rành mạch để trả lời thỏa đáng rằng, tại sao Uber và Grap đang được ưu ái hơn taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống phải đầu tư bến bãi, đầu xe, chịu thuế giá trị gia tăng 10% từ hoạt động vận tải thì Uber, Grap núp dưới bóng là kinh doanh phần mềm được hưởng thuế suất 0% và không phải chịu ràng buộc gì...
Thế mới biết thách thức thời “công nghệ 4.0” đối với mọi lĩnh vực của quản lý nhà nước trong tương lai sẽ lớn đến mức nào. Chẳng lẽ mọi sự rồi sẽ dẫn đến một kết quả như lời Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: “Sử dụng công nghệ để hoạt động dịch vụ, tôi rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, trách nhiệm các bên, bảo vệ người sử dụng, nộp thuế đầy đủ… Còn nếu Uber, Grab không đáp ứng được yêu cầu thì rời khỏi Việt Nam”.
Và đến nay, Uber đã rời rồi, nhưng đó không phải là ví dụ cuối cùng.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo