Thứ ba 15/10/2024 08:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thách thức môi trường từ các nhà máy điện than

07:00 | 05/08/2017

Từ vấn đề tro xỉ của nhiệt điện Vĩnh Tân đang cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than.


Ảnh minh họa

Điều đáng lo ngại là hiện nay, ở một số nơi, sau khi đã qua sử dụng, tro và bụi than thường được đổ vào các bể chứa gần các nhà máy nhiệt điện. Tác hại của việc này quá rõ ràng. Trước hết, bản thân tro bụi than trở thành một nguồn đáng kể gây hiệu ứng nhà kính góp phần đưa trái đất nóng lên gây hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng điều đáng nói hơn là trong xỉ than, với độ ô nhiễm phóng xạ cao hơn nhiều so với bình thường, ảnh hưởng trực tiếp của các bức xạ phát ra gây tác hại đáng kể và lâu dài đến sức khỏe mọi người ở xung quanh. Đặc biệt, các chất phóng xạ còn có thể gây nhiễm độc các nguồn nước ngầm rồi lan truyền ra xa.

Tại Việt Nam, tổng lượng tro xỉ trung bình chiếm 25 - 60% lượng than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Như vậy, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là đến năm 2030, phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích lớn, phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, đến 2020 với 43 nhà máy, lượng tro xỉ thải ra rất lớn và để có thể chứa hết lượng phế thải đó, cần khoảng 600 nghìn ha, tức là sau bốn năm, trung bình sẽ mất diện tích của một xã.

Than đá với khả năng gây ô nhiễm bầu khí quyển bằng phát thải khí nhà kính và tác động đến sức khỏe con người bằng phóng xạ tích tụ trong tro xỉ than, rõ ràng là loại nhiên liệu độc hại. Nhưng với sự dồi dào trữ lượng nguồn nhiên liệu cho nền công nghệ điện năng của nhiều quốc gia, nên bài toán đặt ra không phải là cấm hay không cấm nguồn nhiệt điện than đá mà chính là bài toán giảm phát thải khí nhà kính và xử lý đồng thời việc bảo quản tốt kho chứa khối xỉ tro bụi sau khi dùng. Vấn đề không chỉ đang đặt ra cho nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân mà còn cho các nhà máy đang hoạt động và sắp xây dựng khác.

Do đó, các cơ quan liên quan cần sớm ban hành quy định về điều kiện của doanh nghiệp trong tiếp nhận, xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này sẽ giải quyết một cách triệt để vấn đề tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất, hoặc vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện vẫn cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý chất thải rắn.

Nguyễn Hữu Trí - Thành viên HĐQT Công ty VITEC Phương Nam

Theo Enternews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load